Thu không đủ chi - nông dân bỏ ruộng
Tuy nhiên, song song với sự phát triển các khu CN và tốc độ đô thị hóa nhanh, thì hàng năm, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện cũng bị thu hẹp đáng kể. Đã vậy, trong mấy năm gần đây còn phát sinh tình trạng nhiều hộ nông dân ở huyện tự ý bỏ ruộng hoang hóa hoặc trả ruộng, không thiết tha với việc cấy trồng.
Theo kết quả rà soát của UBND huyện An Dương tại thời điểm cuối năm 2013, toàn huyện có 3.520 hộ nông dân ở 13/16 xã bỏ ruộng, trả ruộng với tổng diện tích 231,4307 ha. Trong đó, đất ruộng được Nhà nước giao ổn định lâu dài là 156,0276 ha, đất công ích 5% là 75,4031 ha.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nông dân bỏ ruộng là do chi phí đầu vào tăng cao, trong khi đó giá cả nông sản tăng không đáng kể hoặc không tăng khiến cho thu nhập của người nông dân đạt thấp, thậm chí một số sản phẩm không tiêu thụ được. Mặt khác, đa số người trong độ tuổi lao động ở huyện đều chuyển nghề, tìm làm việc khác có thu nhập cao và ổn định hơn nghề nhà nông, nên các hộ đều thiếu lao động dành cho sản xuất trên ruộng đồng. Thêm vào đó là sự phát triển các khu CN cùng với quá trình đô thị hóa đã phá vỡ hệ thống tưới tiêu, gây ô nhiễm môi trường, khiến cho nhiều diện tích ruộng gặp khó khăn khi trồng cấy… Vấn đề đặt ra đối với huyện An Dương, nhất là khi triển khai thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới với một trong những mục tiêu quan trọng cần hướng tới là nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân, không để kéo dài tình trạng ruộng đồng bị bỏ hoang hóa.
Giảm chi, tăng thu - nông dân lại gieo cấy
Ông Đinh Văn Hùng - Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện An Dương cho biết: “Để khắc phục tình trạng bỏ ruộng, huyện chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đôn đốc nông dân tiếp tục sản xuất, đồng thời vận động các hộ dồn điền, đổi thửa để tạo thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Tuy nhiên, khi người nông dân chưa thấy cái lợi và đang nản chí với đồng áng thì rất khó thuyết phục được họ ra đồng cấy hái. “Vì vậy, Huyện ủy-UBND huyện có nhiều cuộc họp bàn để tìm chọn phương án, cách làm nhằm vừa khắc phục bằng được tình trạng bỏ ruộng, vừa thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững và bảo đảm an ninh lương thực. Đội ngũ cán bộ Phòng NN &PTNT, Trạm khuyến nông, cán bộ Bảo vệ thực vật… của huyện được tăng cường trực tiếp về phối hợp với UBND, HTX dịch vụ nông nghiệp các xã để khắc phục tình trạng bỏ ruộng. “Nói thì ngắn gọn như vậy, nhưng thực chất chúng tôi đã phải lăn lộn suốt mấy tháng trời với rất nhiều công việc khó kể đếm hết được. Cũng cần hiểu cho rõ, nông dân bỏ ruộng ở đây là người ta bỏ không gieo cấy, chứ phần lớn họ vẫn giữ chặt bìa đỏ đối với phần ruộng đất được giao” - ông Đinh Văn Hùng giải thích.
Giàn máy gieo mạ khay đưa về phục vụ sản xuất nông nghiệp ở huyện An Dương.
Bằng hình thức vận động các hộ nông dân cho HTX “tạm mượn” ruộng đất bỏ hoang, tập hợp quy lại thành từng vùng rộng lớn, rồi chủ động cải tạo bờ vùng, bờ thửa, hình thành nên những cánh đồng mẫu lớn ở từng xã. Với phương châm ưu tiên nguồn lực đặc biệt đối với những diện tích bỏ hoang, huyện và các xã hỗ trợ một phần kinh phí đưa cơ giới vào khâu làm đất (cày, bừa, đổ ải…), cung ứng giống lúa có năng suất, chất lượng cao đưa vào canh tác theo quy trình, cơ cấu trà lúa mùa vụ thích hợp, hướng dẫn việc chăm bón, phòng trừ sâu bệnh bằng các biện pháp tiến bộ KHKT. Đặc biệt, huyện huy động nguồn từ các doanh nghiệp, đoàn thể quần chúng “chung sức xây dựng Nông thôn mới” để đầu tư 1 giàn máy gieo mạ khay và cả máy cấy mạ khay để đưa vào sản xuất trên đồng ruộng từ vụ mùa 2014.
Có thể thấy rõ, sản xuất nông nghiệp ở huyện An Dương hiện nay, nhất là trên những cánh đồng mẫu lớn đều đã được áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, từ khâu làm đất, gieo cấy đến khâu thu hoạch. Đến nay, toàn huyện đã khắc phục được hơn 150 ha ruộng bị bỏ hoang, số diện tích còn lại chủ yếu là ruộng sâu trũng, bị ô nhiễm môi trường, đất xen kẹt giữa các khu dân cư mới, khu CN… không đủ khả năng sản xuất, sẽ được chuyển đổi sang phát triển kinh tế trang trại, nuôi trồng thủy sản.
Tính toán về hiệu quả sản xuất theo mô hình cùng các biện pháp tiến bộ KHKT mới, anh Nguyễn Văn Hinh - Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp xã Tân Tiến (huyện An Dương) cho biết: “Việc đưa cơ giới hóa đồng bộ và áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất đã giảm chi phí các khâu từ 25-30% so với trước đây, mà năng suất lúa lại tăng lên đạt từ 70 tạ/ha trở lên. Mặt khác, sức lao động của người nông dân được giải phóng một cách cơ bản, giải quyết được vấn đề thiếu lao động và kể cả thiếu vốn trong sản xuất nông nghiệp”. Chi phí đầu vào giảm đáng kể, năng suất, sản lượng tăng cao đồng nghĩa với thu nhập của người nông dân được tăng lên. Vì vậy, không còn mấy hộ dân ở huyện An Dương bỏ ruộng hoang nữa.
Được biết, cách khắc phục ruộng bỏ hoang cùng những biện pháp cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp ở huyện An Dương đã và đang được các cơ quan chuyên môn ở Tp.Hải Phòng, Bộ NN & PTNT tiến hành khảo sát, nghiên cứu để có thể triển khai rộng ra trên cả nước. Bởi thực tế, tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang hiện đang xuất hiện ở nhiều nơi, nhất là tại những địa phương có sự phát triển về công nghiệp và xu thế đô thị hóa nhanh.
Duy Tuấn - Thanh Huyền
Nguồn baoxaydung.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã