Nguồn vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho chương trình trong cả năm 2013 là 1.620 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là 920 tỷ đồng và vốn sự nghiệp là 700 tỷ đồng. Các nguồn vốn này đã được phân bổ cho các địa phương theo nguyên tắc vốn đầu tư phát triển ưu tiên để nâng cấp, sửa chữa, cải tạo các cơ sở hạ tầng hiện có trên địa bàn các thôn, ấp, bản…, tạo điều kiện để các xã về đích sớm, còn vốn sự nghiệp hỗ trợ cho tất cả các xã NTM thực hiện 5 loại công việc là hoàn thiện công tác quy hoạch, tuyên truyền, tập huấn, xây dựng mô hình phát triển sản xuất và quản lý. Riêng đối với các xã thuộc huyện điểm, tỉnh điểm thì nguồn vốn này được ưu tiên hỗ trợ thêm để xây dựng mô hình tổ chức kinh tế tập thể. Về các nguồn lực khác, Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cho biết, tình hình nguồn vốn tại chỗ của các địa phương trong năm 2013 là khó khăn và có giảm so với năm 2012. Trong khi đó, nguồn vốn ODA mặc dù đã được đôn đốc và các Bộ, ngành quan tâm, nhưng đến nay nguồn vốn này hỗ trợ cho chương trình còn hạn chế, đặc biệt là các xã điểm vẫn chưa tiếp cận được, trong khi nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) rất quan tâm và mong muốn được tham gia hỗ trợ cho chương trình. Từ các nguồn vốn hỗ trợ nói trên, đến hết tháng 6/2013, cả nước đã có 35 xã đạt đủ 19 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số xã. Trong khi đó, số xã đạt từ 15-18 tiêu chí là 276 xã, chiếm 3,2%. Với mức độ đạt các tiêu chí như vậy thì mục tiêu đến năm 2015 có 20% số xã đạt chuẩn NTM là rất khó khăn nếu không tăng được nguồn lực cũng như điều chỉnh phương thức hỗ trợ và tập trung chỉ đạo vào số xã điểm. “Thực tiễn cho thấy, đối với các xã đạt khoảng 14 tiêu chí trở lên, trong đó có tiêu chí hạ tầng, các tiêu chí còn lại đã đạt ít nhất 70% trở lên, nếu phấn đấu cũng phải sau 2 năm mới có thể về đích”, Ban chỉ đạo Trung ương cho hay. Nhìn chung, các địa phương vẫn ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho xây dựng hạ tầng và coi đây là yếu tố quan trọng nhất để cải tạo bộ mặt nông thôn, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa - an ninh và đặc biệt là tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân, vì vậy được đa số người dân đồng thuận. Đến nay đã có gần 30 tỉnh, thành trên cả nước tổ chức các hội nghị chuyên đề để rút kinh nghiệm về cách làm, vận dụng trong tổ chức thực hiện các tiêu chí nhóm cơ sở hạ tầng. Mặt khác, công tác phát triển sản xuất đã được chú trọng nhiều hơn. Nhiều tỉnh, thành đang tiếp tục xúc tiến công tác dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa; xây dựng “cánh đồng mẫu lớn”. Theo thống kê, đến nay, cả nước đã có trên 7.000 mô hình sản xuất hiệu quả với tổng ngân sách hỗ trợ khoảng 6.400 tỷ đồng. Một số tỉnh như Hà Tĩnh, Thái Bình, An Giang, Đồng Tháp… đã có chính sách hỗ trợ vốn vay, lãi suất ưu đãi để giúp nông dân mua máy móc nông nghiệp, máy làm đất, máy gặt đập liên hợp… Thực tế cho thấy, các địa phương đã dần hình thành các phong trào sản xuất nhằm nâng cao thu nhập trên một diện tích, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm tăng thu nhập cho nông dân. Cùng với sự vào cuộc tích cực hơn của các đơn vị trong Bộ NN&PTNT, ban chỉ đạo các địa phương nên đã tạo được một số chuyển biến về lĩnh vực này. Tuy nhiên, nguồn vốn hỗ trợ cho công tác này, nhất là hỗ trợ cho xây dựng hình thành mô hình sản xuất hiệu quả ở địa bàn thôn, xã để người dân dễ học hỏi còn thấp, mới chỉ chiếm khoảng 6-7% tổng số vốn dành cho phát triển sản xuất trên địa bàn xã. Để thúc đẩy hơn nữa việc phát triển các mô hình sản xuất, đặc biệt tại 11 xã điểm do Ban Bí thư Trung ương Đảng quản lý, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định bổ sung 30 tỷ đồng cho 9/11 xã để giúp các xã này sớm hoàn thành các tiêu chí chưa đạt, đồng thời hỗ trợ xây dựng đề án và chỉ đạo địa phương triển khai xã điểm tại Mường Chanh (Thanh Hóa) với ngân sách bổ sung 30 tỷ đồng. Theo Ban chỉ đạo Trung ương, để có giải pháp đẩy nhanh xây dựng NTM ở các xã điểm, huyện điểm, thời gian tới vẫn cần chú trọng công tác kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai, từ đó rút kinh nghiệm chỉ đạo, nhất là các vấn đề về quy hoạch hạ tầng kinh tế - xã hội, quy hoạch sản xuất, kết nối và hỗ trợ để khai thác tốt hơn tiềm năng của các xã…/. Lâm Phong |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã