“Nghị quyết” từ thôn…
Thôn Đông Quách, xã Nam Hà (huyện Tiền Hải) dù không được chọn làm điểm, không được cấp kinh phí xây dựng NTM nhưng với sự đoàn kết, chung sức dưới sự lãnh đạo của chi bộ, cả thôn đã tự đóng góp tiền, vật liệu làm đường vào thôn...
Những ngôi trường được xây dựng khang trang hơn nhờ chương trình xây dựng NTM. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN |
Với gần 1.000 hộ, trên 2.000 nhân khẩu, thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đông Quách là thôn đầu tiên xây dựng thành công cánh đồng năm tấn thóc/ha và sau đó là cánh đồng 10 tấn thóc/ha của huyện Tiền Hải. Ông Đoàn Thành Đô, Bí thư Chi bộ thôn Đông Quách, cho biết: Hệ thống đường giao thông của thôn được xây dựng cách đây đã mấy chục năm, nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Từ khi có chủ trương xây dựng NTM, bà con rất phấn khởi, thấy nhiều nơi hiến đất, góp tiền mở đường, nên chúng tôi đã đưa vấn đề này ra họp bàn với bà con trong thôn làm đường vào các xóm, ngõ. Tháng 2 vừa qua, Chi ủy thôn đã ra Nghị quyết chuyên đề về nâng cấp đường giao thông nông thôn. Nghị quyết nêu rõ đường nông thôn phải đáp ứng tiêu chí xây dựng NTM nhưng phải phù hợp điều kiện kinh tế địa phương. Để có kinh phí xây dựng, mỗi đảng viên nộp ít nhất 500.000 đồng, người dân 300.000 đồng/hộ, con em quê hương đi công tác xa và những nhà hảo tâm chung tay góp sức xây dựng quê hương cùng với hỗ trợ của UBND xã...
Để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, lãnh đạo thôn đã lập Ban quản lý dự án nâng cấp đường nông thôn gồm các tổ công tác: Tổ tài chính quản lý, tổ kỹ thuật, tổ vận động tài chính. Đồng chí Bí thư chi bộ trực tiếp làm trưởng ban.
Đến đầu tháng 4/2012, thôn đã vận động được 64 triệu đồng do đảng viên và người dân đóng góp. Ngoài khoản đóng góp tài chính, người dân trong thôn còn đóng góp bằng ngày công để phục vụ công tác xây dựng đường, như dọn vệ sinh, nấu cơm, đun nước, vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng... Trong quá trình thi công, nhân dân tổ chức giám sát chất lượng bảo đảm tiêu chuẩn đúng thiết kế dài, dày, rộng của con đường.
Đánh giá về cách làm hay trong xây dựng giao thông nông thôn, lãnh đạo Phòng Giao thông huyện Tiền Hải, cho biết: Trước kia, chất lượng hệ thống giao thông nông thôn trong huyện đang xuống cấp. Sau hơn một năm thực hiện đề án kiên cố hóa giao thông nông thôn, toàn huyện đã nâng cấp 80% hệ thống đường, trong đó đường thôn, ngõ đạt tới 65%. Tổng kinh phí đã đầu tư để thực hiện chương trình này phần lớn do nhân dân đóng góp với số tiền hàng tỷ đồng.
Khi chương trình kiên cố hóa giao thông được triển khai, một số địa phương đã tự giải phóng mặt bằng, hiến đất để làm đường, huy động đóng góp công sức, tiền của bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, nâng cao hiệu quả đồng vốn đầu tư.
… đến các xã điểm
Xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà là một trong tám xã được chọn xây dựng mô hình điểm NTM của toàn tỉnh năm 2009. Vào thời điểm bắt đầu xây dựng NTM, Hồng Minh chưa hình thành được quy hoạch trong sản xuất. Nông nghiệp vẫn độc canh cây lúa, việc khai thác tiềm năng đất đai, lao động còn hạn chế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm. Bên cạnh đó, hệ thống “điện, đường, trường, trạm”, thủy lợi… cũng chưa hoàn thiện. Nhưng đến nay, sau 3 năm triển khai, bức tranh NTM ở Hồng Minh đã có nhiều bước chuyển đáng kể.
Ông Phạm Hồng Khanh, Chủ tịch UBND xã Hồng Minh, cho biết: Hiện nay, 12/19 tiêu chí xây dựng NTM ở Hồng Minh đã cơ bản hoàn thành. Đó là các tiêu chí về quy hoạch, thủy lợi, tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế... 7 tiêu chí còn lại cũng đã đạt ở mức trên 50 - 70%.
Tổng kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng lên tới gần 20 tỷ đồng. Hồng Minh đã tiến hành quy hoạch đồng ruộng thành các vùng sản xuất chính như: Vùng chuyên canh cây màu, vùng đất 2 lúa, vùng đất 2 lúa và 1 vụ đông. Hồng Minh đã xây dựng thí điểm mô hình cây vụ đông xuất khẩu, bước đầu đã cho hiệu quả cao. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống theo hướng mở rộng diện tích thâm canh các giống lúa cho năng suất cao và chất lượng gạo ngon làm hàng hóa. Xã còn khuyến khích các hộ tận dụng tối đa quỹ đất để trồng cây màu xen giữa hai vụ lúa, mở rộng diện tích trồng cây vụ đông các loại...
Để đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, xã Hồng Minh đã triển khai, thực hiện thành công việc dồn điền đổi thửa, đây là nội dung quan trọng trong quá trình thực hiện xây dựng mô hình NTM. Việc hoàn thành dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh đã tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.
Sau khi dồn điền đổi thửa, bình quân một hộ đạt 1,8 thửa ruộng. Do đó, diện tích đất canh tác được mở rộng, bờ vùng, bờ thửa to hơn tạo thuận lợi cho người nông dân đưa máy móc vào phục vụ sản xuất và áp dụng các hình thức thâm canh như: Gieo thẳng, gieo vãi, xạ hàng... giảm chi phí trong sản xuất, tăng năng suất lao động và thuận tiện cho công việc chăm bón.
Ông Phạm Anh Đức- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình: Đối với công tác quy hoạch NTM, Thái Bình luôn xác định phải đi trước một bước. Bên cạnh đó phải lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực và kinh nghiệm. Quy hoạch xây dựng NTM phải bảo đảm tính lâu dài, bền vững, kế thừa những yếu tố hợp lý, cảnh quan, nét đặc trưng văn hóa của từng địa phương. Quy trình xây dựng quy hoạch phải công khai, dân chủ, có sự tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến rộng rãi của nhân dân. Ông Bùi Ngọc Hùng- Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hưng Hà: Hiện nay, nhiều địa phương ở Thái Bình còn gặp nhiều khó khăn trong công tác đào tạo nghề. Nhiều địa phương người dân còn chưa hiểu thế nào là nghề nông nghiệp, nhiều nơi vẫn còn loay hoay chưa biết phát huy đào tạo nghề cho nông dân như thế nào. Trong khi Thái Bình thu nhập chính của người dân là từ nông nghiệp, nhưng hiện diện tích ruộng tính trên bình quân đầu người thấp, ruộng nhỏ, manh mún trong khi đó xây dựng NTM hiện chủ yếu vẫn là tập trung vào làm bờ ruộng lớn, khiến cho việc đầu tư cũng như đưa cơ giới hóa vào sản xuất cũng như áp dụng khoa học công nghệ vào để phát triển nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Bà Bùi Thị Phấn - Phó Bí thư Đảng ủy xã Hồng Minh: Ngay khi được chọn là 1 trong 8 xã điểm của tỉnh về xây dựng NTM, Đảng bộ xã Hồng Minh đã xác định đây là nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi kinh phí lớn, do đó ngoài nguồn vốn từ các chương trình cần phải huy động sự đóng góp của nhân dân bằng ngày công lao động, hiến đất, công trình, theo phương châm "Lấy sức dân để lo cho dân”. Thực tế cho thấy, xây dựng NTM là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có sự đoàn kết cao, có bước đi vững chắc, lộ trình phải phù hợp với đặc thù của từng địa phương. |
Theo ông Khanh, có những tiêu chí căn bản, tưởng rất khó thực hiện nhưng đến nay xã cũng đã hoàn thành ở mức cao, điển hình là nội dung phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất. Với sự vào cuộc nỗ lực của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ, đầu tư của tỉnh, huyện và cả sự đóng góp của chính người dân, đến nay Hồng Minh đã triển khai nhiều dự án phát triển sản xuất hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Hiệu quả từ việc xây dựng mô hình NTM đã và đang mang lại cho Hồng Minh một diện mạo mới, bộ mặt nông thôn khởi sắc từng ngày, đường làng, ngõ xóm phong quang sạch đẹp, văn minh, sản xuất nông nghiệp đang dần phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, ngành nghề phát triển, thu nhập bình quân của người dân cao hơn, mức sống tốt hơn...
Đến thời điểm này có thể thấy rõ ngoài xã Hồng Minh, tại các xã điểm xây dựng NTM của Thái Bình như: Thanh Tân (Kiến Xương), Nguyên Xá (Vũ Thư), Trọng Quan (Đông Hưng) hay An Ninh (Tiền Hải)... bước đầu đã có sự chuyển biến nhanh cả về sản xuất, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là việc nhận thức và trách nhiệm của nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng NTM được nâng cao, thể hiện bằng sự đồng tỉnh ủng hộ, góp ngày công, kinh phí, đất đai.
Tuy nhiên, quá trình xây dựng NTM ở các xã điểm này cũng đang nảy sinh nhiều khó khăn, bất cập đòi hỏi được tháo gỡ để Chương trình này thực sự thành công và có thể nhân ra diện rộng trong thời gian tới. Từ kết quả thực hiện ở các xã làm điểm, tỉnh Thái Bình sẽ rút kinh nghiệm để đề xuất cơ chế chính sách chung và nhân ra diện rộng trong toàn tỉnh vào những năm tiếp theo.
Toàn dân cùng vào cuộc
Thái Bình là tỉnh ở vùng đồng bằng sông Hồng, có bề dày truyền thống yêu nước, cách mạng và truyền thống văn hóa. Người dân dũng cảm trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất. Thế hệ nối tiếp thế hệ, người Thái Bình đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý trong phát triển nông thôn, thâm canh nông nghiệp, đưa tỉnh trở thành vựa lúa trong khu vực.
Với gần 90% dân số sống ở vùng nông thôn và hơn 70% lao động nông nghiệp. Những năm trước đây, Thái Bình đã thực hiện việc dồn đổi các trại lẻ vào vùng quy hoạch dân cư nên hầu hết các thôn, làng đều tập trung, liền kề nhau, những cánh đồng được giải phóng mở rộng, thuận tiện cho quy hoạch phát triển giao thông, thủy lợi. Các HTX nông nghiệp ở Thái Bình được củng cố gắn liền với hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trên quy mô toàn xã.
Trong những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới, Thái Bình đã tập trung thực hiện chương trình “điện, đường, trường, trạm, nước sạch và điện thoại”, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đến nay, mặc dù tỉnh đã tập trung nguồn lực cho phát triển công nghiệp, dịch vụ nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế nhưng Thái Bình vẫn xác định đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn và chuyển dịch nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa là nhiệm vụ trọng tâm tạo bước đột phá tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Lê Sơn
Nguồn:baotintuc.cn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã