Sau 3 năm thực hiện xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn nhiều nơi đã thay đổi rõ rệt theo chiều hướng tích cực.
Khởi sắc hạ tầng nông thôn
Xác định phải phát triển trước hết về cơ sở hạ tầng mới kéo theo các lĩnh vực khác, nên nhiều địa phương đã tập trung mạnh và có những cách làm sáng tạo trong xây dựng hạ tầng nông thôn. Tại Đà Nẵng, với việc huy động được hơn 1 ngàn tỷ đồng, trong đó dân đóng góp tới gần 30%, thành phố đã cải tạo, nâng cấp 58 km đường giao thông, 23 cây cầu, 29 công trình thủy lợi và nhiều trường học. Cũng từ sự đóng góp mạnh của người dân Bình Định, trong việc bê tông hóa đường giao thông trên địa bàn, 70% đường trục thôn, xóm ở đồng bằng được cứng hóa, 45% số đường ngõ xóm sạch và không lầy lội, 10% đường trục chính nội đồng đạt chuẩn, trong đó vốn do dân đóng góp chiếm 25% tổng vốn đầu tư. Còn tại Đồng Nai, nhờ sự hưởng ứng của nhân dân, đến nay địa phương đã làm mới được 1.227 km và nâng cấp 121 km đường giao thông nông thôn các loại; xây mới, nâng cấp và sửa chữa 42 cây cầu, 418 trường học...
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phát biểu tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình nông thôn mới. Ảnh: Đặng Tuấn – TTXVN |
Được đánh giá là một trong những địa phương đạt kết quả tốt về xây dựng NTM, ngay từ đầu Lâm Đồng đã chú trọng phát triển hạ tầng cơ sở. “Với mục tiêu tập trung cho các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất và đời sống của nhân dân khu vực nông thôn, Lâm Đồng đã ban hành và thực hiện Đề án phát triển giao thông nông thôn, huy động sự tham gia đóng góp của người dân để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp 976,5 km đường giao thông nông thôn; 145 công trình thủy lợi; 227,5 km đường dây trung và hạ thế, 161 trạm biến áp, phục vụ sinh hoạt và sản xuất”, ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết. Minh chứng cho điều mà Lâm Đồng đã thực hiện là bộ mặt hạ tầng của Đơn Dương - “thủ phủ rau” của Lâm Đồng, nơi đang xây dựng huyện NTM, hiện đã “thay da đổi thịt” với gần như hệ thống giao thông nông thôn toàn huyện đã thông suốt. Và trên những con đường bê tông hóa, xe tải, xe máy, xe thồ và cả… xe ngựa ngày ngày qua lại từ tận những ruộng rau, vườn cà chua, đến chợ nông sản, vựa thu mua ngoài phố. Toàn huyện cũng đã kiên cố hóa thêm được 40.000 m kênh mương và 100% các thôn có điện lưới quốc gia.
Nhiều mô hình sản xuất hay
“Phát triển sản xuất và tổ chức sản xuất là điểm sáng của ba khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên” - Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đánh giá tại hội nghị sơ kết. Phát triển sản xuất cùng với phát triển cơ sở hạ tầng được xem là hai nội dung cốt lõi trong xây dựng NTM. Sau 3 năm, ở cả ba khu vực đã hình thành được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung có giá trị kinh tế cao, từng bước xây dựng mô hình phát triển kinh tế - xã hội. Các tỉnh đã triển khai 4.760 mô hình sản xuất với tổng vốn hỗ trợ khoảng 3.490 tỷ đồng.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, các địa phương (xã, huyện, tỉnh) ở ba khu vực đã phát huy thế mạnh của mình, biến điều kiện thuận lợi thành hiện thực trong việc xây dựng mô hình sản xuất và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất. Phó Thủ tướng đặc biệt đánh giá cao các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mà nhiều địa phương Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đang thực hiện, mô hình liên kết giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nông dân với hộ nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp và hợp tác xã.
Đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là TP Hồ Chí Minh với nhiều sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt chất lượng cao ra đời đã đem lại giá trị sản xuất bình quân trên một đơn vị diện tích canh tác đạt 282,6 triệu đồng/ha/năm, cao nhất cả nước. Tính trên diện rộng, Lâm Đồng là địa phương phát triển nông nghiệp công nghệ cao “đáng nể” nhất, cả về diện tích lẫn giá trị sản xuất. Hiện tỉnh này có khoảng 35.000 ha đất sản xuất ứng dụng công nghệ cao (cà phê 14.835 ha, rau 11.888 ha, hoa trên 2.415 ha, chè 5.635 ha…). Nhờ ứng dụng công nghệ cao, bình quân 1 ha đất sản xuất của Lâm Đồng cho doanh thu 122,2 triệu đồng/năm, cao gấp 2,5 lần mức bình quân của cả nước. Tỉnh hiện có trên 15.000 ha cho doanh thu từ 250 - 500 triệu đồng/ha/năm và hơn 10.000 ha doanh thu từ 500 triệu - trên 1 tỷ đồng, nhiều nơi đạt doanh thu “khủng” từ 2 - 3 tỷ đồng/ha/năm.
Tại Bình Thuận, cùng với việc khai thác các tiềm năng kinh tế biển, tỉnh cũng đã tập trung triển khai chương trình sản xuất thanh long VietGAP. Tính đến hết năm 2013 đã đạt 20.186 ha với 8.110 hộ dân tham gia, xây dựng 16 liên minh sản xuất gắn kết 16 doanh nghiệp với gần 1.600 hộ dân để tiêu thụ nông sản. Nhiều hợp tác xã trồng điều ở huyện Xuân Lộc, Đồng Nai hay nhóm phát triển điều bền vững thị xã Đồng Xoài, Bình Phước đã hình thành liên kết tổ chức những người trồng điều với doanh nghiệp để đầu tư sản xuất, thu mua sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Các địa phương đã có nhiều cách làm hay và sáng tạo, đã phát huy hiệu quả trong sản xuất, với nhiều mô hình hay về phát triển sản xuất và tổ chức sản xuất. Chính điều này tạo cơ sở tiền đề duy trì tăng trưởng sản xuất nông nghiệp khá cao trong thời gian qua, hướng đến phát triển bền vững, đồng thời là cơ sở quan trọng quyết định nâng cao đời sống người dân nông thôn, là một trong những mục tiêu cơ bản và lớn nhất mà chương trình xây dựng NTM hướng đến”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá.
Tiếp tục nhân rộng mô hình hay, gia tăng liên kết
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, như các tỉnh thuộc ba khu vực vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong xây dựng NTM, nhất là với các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Hạ tầng kinh tế - xã hội của các địa phương hai vùng này còn nhiều khó khăn, chưa đồng bộ, nhất là về giao thông, thủy lợi, nước sạch, trường học… đang là “điểm nghẽn” chính cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Hơn nữa, hình thức liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với người sản xuất đã có một số mô hình tốt nhưng chưa được nhân rộng, chưa phổ biến, sản phẩm làm ra vẫn chủ yếu xuất thô, giá trị gia tăng còn thấp, ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các địa phương tiếp tục chương trình xây dựng NTM một cách sáng tạo, chủ động, phát huy tốt vai trò của người dân, trong đó chú trọng tổ chức các mô hình sản xuất phù hợp điều kiện, thế mạnh của mình, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác. Các địa phương cũng cần nhân rộng, học tập các mô hình sản xuất mới đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn, đặc biệt là các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, hình thức liên kết chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ, gắn với mở rộng thị trường cho sản phẩm của vùng.
Nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ, Cố vấn của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, lưu ý các địa phương nên xem xét các mô hình, cách làm trong xây dựng NTM đã đạt hiệu quả đến đâu và thực sự phù hợp yêu cầu của bà con hay chưa. “Phải lấy sự hài lòng của người dân là thước do đánh giá NTM”, ông nhấn mạnh. Theo ông, cùng với việc nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, phải tạo ra được sự liên kết giữa doanh nghiệp với người nông dân trên từng cánh đồng, từng đơn vị sản xuất. Đồng thời còn phải là liên kết giữa ba khu vực tiềm năng với nhau, bởi “vùng tiềm năng về sản xuất nông nghiệp mà không liên kết được với vùng công nghiệp, thị trường tiêu thụ lớn, với đô thị hiện đại và phát triển nhất nước thì không thể phát huy hết các điều kiện thuận lợi để xây dựng NTM”.
Sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, 19 tỉnh, thành trong ba khu vực cho thấy đã huy động được tổng kinh phí khoảng 141.354 tỷ đồng để xây dựng NTM. Trong đó, nguồn vốn ngân sách trực tiếp là 11.807 tỷ đồng, vốn từ cộng đồng dân cư đạt 14.168 tỷ đồng, vốn tín dụng khoảng 85.171 tỷ đồng… Các địa phương đã ưu tiên nguồn lực cho phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã NTM, tập trung vào các công trình trọng điểm, nhất là thủy lợi, giao thông, nước sạch… nên đã làm thay đổi nhanh về phát triển hạ tầng, góp phần tạo động lực trong phát triển sản xuất, cải thiện điều kiện sống của cư dân nông thôn. |
Hoàng Liên Sơn
Nguồn baotintuc.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã