Trong giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh Yên Bái phấn đấu xây dựng 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Sau 02 năm (2016 - 2017) triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, công tác tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh được các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đầy đủ theo đúng trình tự, quy định hiện hành của Chính phủ và các hướng dẫn của bộ, ngành có liên quan, góp phần đã giải quyết những khó khăn vướng mắc của địa phương, cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình. Bộ máy triển khai Chương trình trên địa bàn tỉnh được xây dựng, kiện toàn hoàn thành theo 3 cấp. Cấp tỉnh có Ban chỉ đạo, Văn phòng Điều phối; cấp huyện có Ban chỉ đạo, có duy nhất huyện Trấn Yên thành lập Văn phòng Điều phối, còn lại các địa phương khác chưa thành lập Văn phòng điều phối mà vẫn giữ nguyên Tổ chuyên viên giúp việc; cấp xã có Ban chỉ đạo, Ban quản lý Chương trình.
Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân tiếp tục được chú trọng với những đổi mới về phương pháp và cách thức truyền thông. Các sở, ban, ngành đã tích cực phối hợp với Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh các hoạt động hưởng ứng phong trào thi đua “Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; đồng thời, tăng cường chỉ đạo, giám sát các địa phương thực hiện tiêu chí đạt chuẩn còn thiếu bền vững, các chuyên đề lồng ghép tuyên truyền về Chương trình.
Toàn tỉnh đã tổ chức được khoảng 120 hội nghị, dựng gần 350 pano, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới; tổ chức biên tập và phát sóng nhiều tin bài trên các phương tiện thông tin đại chúng; Tổ chức được 15 lớp tập huấn và khoảng 50 lớp tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới tại các xã trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về xây dựng nông thôn mới cho các đối tượng là cán bộ chủ chốt trong ngành (cấp tỉnh, huyện). Nội dung đào tạo tập huấn được tập trung vào các vấn đề chính như: Tổng quan Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nội dung chương trình giai đoạn 2016 - 2020; vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và các tổ chức trong xây dựng nông thôn mới; Một số nội dung trọng tâm về nông nghiệp, nông thôn bền vững; theo dõi đánh giá và chuẩn bị báo cáo về xây dựng nông thôn mới có sự tham gia của người dân; đổi mới, nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn; kỹ năng tuyên truyền, vận động người dân trong xây dựng nông thôn mới; kỹ năng tổ chức, điều hành cuộc họp, xử lý mâu thuẫn và xây dựng sự đồng thuận trong cộng đồng; kỹ năng lập và tổ chức triển khai kế hoạch phát triển nông thôn theo phương pháp dựa vào nội lực cộng đồng.
Cùng với đó, các ngành, các địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp để xây dựng nông thôn mới; trong phát triển sản xuất đã tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế hộ; trong lĩnh vực phát triển hạ tầng đã chủ động huy động, bố trí lồng ghép các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi; chủ động triển khai các tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà không cần có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước như: Tiêu chí Môi trường, tiêu chí về xóa đói giảm nghèo, tiêu chí về hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, tiêu chí về xây dựng thôn, bản văn hóa... Các sở, ngành, địa phương đã chủ động, tập trung lồng ghép có hiệu quả vốn của các chương trình dự án khác với xây dựng nông thôn mới. Việc huy động người dân, cộng đồng dân cư, doanh nhiệp v.v... đóng góp xây dựng nông thôn mới được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch và không có tình trạng huy động quá sức dân. Các nguồn vốn nói chung được sử dụng có hiệu quả, mang lại những lợi ích thiết thực…
Qua 02 năm thực hiện, trên địa bàn tỉnh có 27 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, năm 2016 công nhận 12 xã, năm 2017 công nhận 15 xã, vượt 03 xã so với kế hoạch. Lũy kế đến nay toàn tỉnh có 33 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân số tiêu chí đạt trên 01 xã là 11,2 tiêu chí. Đã lựa chọn được 05 xã thực hiện xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020, gồm các xã: Xã Việt Thành, huyện Trấn Yên; xã Liễu Đô, huyện Lục Yên; xã Đông Cuông, huyện Văn Yên; xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn; xã Đại Minh, huyện Yên Bình.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, tỉnh Yên Bái có 01 huyện (huyện Trấn Yên) đạt chuẩn nông thôn mới, với yêu cầu 100% số xã đạt chuẩn và tất cả 9 tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới theo Quyết định 558/QĐ-TTg ngày 05/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay huyện Trấn Yên đã có 10 xã/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 47,62% số xã đạt chuẩn. Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Đề án xây dựng huyện Trấn Yên đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2018 - 2020.
Trong giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh phấn đấu xây dựng 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới, lũy kế toàn tỉnh có 64 xã/157 xã đạt chuẩn nông thôn mới và có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; Đến năm 2020, nâng số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 14 tiêu chí/xã; không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí; Phấn đấu đến năm 2020 có 01 huyện (huyện Trấn Yên) đạt chuẩn nông thôn mới….
Để đạt được những mục tiêu trên, tỉnh Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nông thôn mới, triển khai sâu rộng và thiết thực Phong trào thi đua “Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới” nhằm biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới, tạo sự lan toả lớn trong nhân dân, cộng đồng, xã hội; khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là thanh niên trí thức khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ở nông thôn; tăng cường phối hợp với Văn phòng Điều phối Trung ương triển khai hiệu quả chuyên mục “Miền quê đáng sống” trong Chương trình chuyển động 24h (VTV24), cũng như đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm phản ánh kịp thời hơi thở của cuộc sống thực tiễn xây dựng nông thôn mới của cả nước.
Đối với những xã phấn đấu xây dựng nông thôn mới năm 2018: Xác định xây dựng nông thôn mới là phải gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; rà soát, đánh giá các tiêu chí chưa đạt để có giải pháp, chỉ đạo khắc phục những khó khăn, hạn chế; tiến hành lồng ghép các nguồn vốn để phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng kinh tế xã hội với phương châm “nâng đầu, đỡ cuối” trong xây dựng nông thôn mới.
Đối với những xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới: Thường xuyên rà soát, đánh giá các tiêu chí, nhất là những tiêu chí có khả năng biến động như cơ sở hạ tầng giao thông, thu nhập bình quân đầu người, môi trường, cơ sở vật chất giáo dục; phân công đoàn thể phụ trách các tiêu chí để duy tu bảo dưỡng thường xuyên nhằm duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được; xây dựng quy định 2,5 năm cần rà soát, kiểm tra lại các xã đã được công nhận nông thôn mới, nếu xã có nhiều tiêu chí không duy trì được chất lượng thì đưa ra khỏi danh sách xã nông thôn mới; hoàn chỉnh các tiêu chí và đề xuất chính sách bố trí kinh phí thưởng cho các xã làm tốt công tác xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, thôn nông thôn kiểu mẫu, vườn mẫu.
Tăng cường lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn; trước mắt ưu tiên tập trung hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước cho các xã điểm, xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn và những xã dưới 5 tiêu chí. Về nguồn vốn có cơ chế giao tự chủ cho huyện, xã, để có nguồn thu phục vụ xây dựng nông thôn mới, để cơ sở tự xây dựng kế hoạch xây dựng nông thôn mới; từ đó chương trình xây dựng nông thôn mới, và sẽ trở thành điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới của toàn tỉnh.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng cấp ủy, chính quyền trong sạch, vững mạnh; quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, quy hoạch đội ngũ kế cận và đề xuất việc tuyển dụng, bổ sung, thay thế công chức cấp xã còn thiếu, không đáp ứng yêu cầu.
Ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch - an toàn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn để tăng thu nhập người dân nông thôn một cách bền vững, trong đó: Tiếp tục đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã theo Luật năm 2012; Đổi mới phương thức thực hiện và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng gắn đào tạo nghề với triển khai các mô hình, dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cụ thể, theo nhu cầu hoặc dự án đầu tư ở nông thôn của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế... Chú trọng bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, hiện đại, hợp lý và giữ gìn được những đặc trưng và bản sắc nông thôn truyền thống xanh - sạch - đẹp, trong đó: Phát triển và nhân rộng các mô hình đường hoa - cây xanh (trồng hoa từ nhà ra ruộng) từ việc nhân rộng mô hình vườn mẫu - khu dân cư kiểu mẫu của tỉnh Hà Tĩnh, tạo môi trường nông thôn trong lành, không có các hoạt động gây ô nhiễm và suy thoái môi trường, thí điểm các mô hình phân loại rác và khuyến cáo không sử dụng túi nilon trong sinh hoạt, phát động các phong trào làm sạch làng quê; Đẩy mạnh xử lý môi trường ở những nơi gây ô nhiễm nghiêm trọng (Làng nghề, bãi tập trung chôn lấp, xử lý rác, nước thải...).
Nâng cao chất lượng đời sống văn hoá và giữ gìn an ninh trật tự: Gắn xây dựng nông thôn mới với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Khuyến khích và thường xuyên tổ chức các hoạt động xã hội, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, phòng chống tệ nạn xã hội thu hút số lượng lớn người dân tham gia; Tổ chức các hoạt động phát triển cộng đồng ở các thôn, bản, nhằm phát huy và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp; Xây dựng và thực hiện hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; Tiếp tục phát huy và nhân rộng các mô hình cụm liên kết về an ninh trật tự hoạt động thường xuyên, hiệu quả như “tổ tự quản về an toàn giao thông”, “tổ phòng chống tội phạm”, “tổ an ninh, hoà giải” góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội để thực sự tạo ra nông thôn mới bình yên.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng nông thôn mới; tiếp tục phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục hoàn thiện và vận hành hiệu quả Hệ thống giám sát, đánh giá đồng bộ, toàn diện đáp ứng yêu cầu quản lý Chương trình.
Theo Báo Yên Bái
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã