Theo Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thạch Hà Nguyễn Đăng Thắng, SXNN luôn là mặt trận hàng đầu và cốt lõi trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Bởi vậy, trong những năm qua, ngành nông nghiệp huyện Thạch Hà đã mạnh dạn chuyển đổi tái cấu trúc trên các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản.
Thạch Hà không chỉ vươn lên dẫn đầu tỉnh về diện tích nuôi tôm thâm canh mà còn có số người thu tiền tỷ từ nuôi tôm trên cát nhiều nhất. Theo Phòng NN-PTNT huyện, năm 2014, số diện tích này đã lên đến 100 ha, với hàng trăm hộ nuôi, sản lượng dự kiến 800 tấn, ước thu về 100-120 tỷ đồng. Các điểm nuôi tôm thâm canh tập trung tại: Thạch Trị, Thạch Bàn, Thạch Khê, Thạch Long…
Các hướng đi đã mang lại hiệu quả từ việc hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế trên diện tích đất hoang hóa, chuyển đổi các loại cây trồng thu nhập thấp sang SX rau, củ quả hàng hóa, áp dụng tiến bộ KHKT vào SX (cơ cấu 100% lúa xuân muộn) và liên kết SX với DN, tận dụng lợi thế để phát triển ngành chăn nuôi...
Để tạo động lực, sức sống mới cho việc thực hiện đề án SX ở mỗi địa phương, Thạch Hà gắn tái cấu trúc ngành nông nghiệp với quá trình thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Đó là xây dựng định hướng và hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, triển khai chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của huyện và định hướng chiến lược theo các đề án liên kết vùng SX; xúc tiến mạnh mẽ việc liên kết với các DN để SX theo chuỗi khép kín…
Ngoài địa phương đi đầu là xã Tượng Sơn với các vùng rau chuyên canh rộng lớn SX theo quy trình VietGap, huyện Thạch Hà tiếp tục chỉ đạo xây dựng điểm tại Thạch Ngọc, qua đó, tổ chức cho các xã, thị trấn trong huyện tham quan, học tập kinh nghiệm để nhân rộng.
Bao đời chỉ biết đến cây lúa nước nhưng nhờ quyết tâm, xã Thạch Ngọc đã đi trước trong lộ trình tái cơ cấu SXNN. Với cách làm mới, tư duy mới, chỉ hơn 1 năm với 3 vụ SX, Thạch Ngọc đã đánh thức dậy những tiềm năng.
Nuôi tôm trên cát mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân
12 ha bí xanh với sản lượng gần 400 tấn được thương lái thu mua tại chân ruộng; gần 20 ha đất và mặt nước nhiều năm bỏ hoang đã được khai thác bằng các mô hình kinh tế trang trại; 5 ha lúa giống hàng hóa liên kết với Mitraco (Tổng Cty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh) đã cho mùa vàng đầu tiên và được DN thu mua với giá khá cao; các mô hình mới: SX gạo đỏ, nuôi bồ câu Pháp đang từng bước được nhân rộng...
“Ngày đầu triển khai mô hình chuyển đổi 2,7 ha đất trồng sắn sang trồng rau, củ, quả chúng tôi không khỏi lo lắng bởi vùng đất màu này đã nhiều lần trồng thí điểm các loại cây mới nhưng đều thất bại. Nhờ cán bộ xã vừa bám ruộng hướng dẫn kỹ thuật, vừa trực tiếp đứng ra lo kết nối đầu ra cho sản phẩm nên năm 2013, liên tiếp 2 vụ bí, vùng SX tập trung này thu nhập trên 270 triệu đồng”, ông Trần Lê Hoàn, Bí thư Chi bộ thôn Quý Hải, xã Thạch Ngọc cho biết.
“Từ những thành công bước đầu, huyện Thạch Hà đang từng bước chỉ đạo xây dựng điểm và nhân rộng những mô hình điển hình trong tái cơ cấu SXNN trên toàn huyện, phấn đấu vào cuối năm 2014 sẽ có thêm 3 xã về đích NTM. Thạch Hà quan tâm đến yếu tố con người trong quá trình chỉ đạo, thực hiện. Khi khát vọng đổi mới trên thửa ruộng của mình trong mỗi người dân thực sự được khơi dậy thì chắc chắn sẽ thành công”, Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Nguyễn Phi Quang khẳng định.
Trà Giang
Nguồn nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã