Nghề bắt cua đồng ở Cẩm Xuyên “rộ” lên cách đây 4-5 năm. Nói là nghề phụ nhưng thu nhập đem lại không hề nhỏ. Chị Nguyễn Thị Vinh (thôn 9, xã Cẩm Quan) cho biết: “Ngoài 2 vợ chồng, 2 con đang học cấp 2 hôm nào nghỉ học cũng tranh thủ đi bắt cua với bố mẹ. Cả nhà có 4 người nếu đi 3, 4 tiếng đồng hồ buổi tối cũng bắt được từ 8-10 kg”. Mỗi ngày trung bình với 8-10 kg cua, với giá thu mua 50.000 đồng/kg như hiện tại thì gia đình chị Vinh thu về từ 400.000 - 500.000 đồng/ngày.
Khắp các vùng đồng quê chiêm trũng, nơi nào cũng có người bắt cua đồng. (Ảnh internet)
Không chỉ tận dụng thời gian rảnh rỗi buổi tối, nhiều nông dân chọn bắt cua đồng như một nghề chính. Bất kể nắng hay mưa, hằng ngày, họ lăn lộn trên những cánh đồng để “săn” cua đồng. Chị Lê Thị Mai ở xã Khánh Lộc (Can Lộc) cho biết: “Ngày trước chỉ có mình tôi nhưng hơn một năm lại nay, chồng tôi cũng bỏ nghề phụ hồ ở nhà đi bắt cua. Trung bình mỗi ngày cũng bắt được 12-15 kg, có ngày nhiều hơn, bán được từ 500.000 - 750.000 đồng”. Theo chị Mai, khi cánh đồng gần nhà đã cạn cua, hầu hết các gia đình đều chuyển đến các huyện khác. Tuy đi xa một chút nhưng bắt được nhiều hơn, có tiền để cải thiện bữa ăn cho gia đình và mua sắm đồ dùng trong nhà.
Chưa có con số thống kê cụ thể nhưng theo ghi nhận của phóng viên, ở khắp các vùng đồng quê chiêm trũng trên địa bàn tỉnh, hàng ngày, nơi nào cũng có người bắt cua đồng. Thu nhập cao, lại dễ kiếm tiền, nhiều học sinh vùng nông thôn tận dụng thời gian buổi tối, tranh thủ những ngày được nghỉ học cũng ra đồng “săn” cua kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình.
Cua bắt được trong ngày đều được các thương lái tìm đến tận nơi thu mua. Theo anh Linh - người thu mua cua trên địa bàn Cẩm Xuyên cho biết: “Mỗi kg giá dao động từ 35.000 - 55.000 đồng. Có thời điểm cua đồng hiếm thì lên đến 70.000 đồng/kg. Thông thường, giá cua vàng cao hơn giá cua đen, nhưng loại cua vàng tương đối hiếm”.
Cua đồng được các bà nội trợ chế biến thành các món ăn hấp dẫn, bổ dưỡng.
Anh Linh cho biết thêm: “Cua nhiều bao nhiêu chúng tôi cũng mua hết. Số cua đó chúng tôi gom theo đơn đặt hàng của các đại lý ở Hà Nội và Hải Phòng để làm bún riêu, xay bột...”.
Nghề bắt cua đem lại thu nhập cao cho người nông dân, tuy nhiên, cũng nhiều vất vả, khó nhọc. Không ít người dân vì tranh giành địa bàn bắt cua mà xảy ra xô xát. Các cánh đồng lúa chưa thu hoạch bị những người bắt cua làm gãy, dập nát. Chưa kể đến việc vì mải theo bắt cua mà nhiều em nhỏ chang giữa nắng cả buổi, bỏ bê việc học hành. Ngoài chuyện dầm mưa, dãi nắng còn bị cua kẹp rách tay, hay đang lúi húi moi cua từ trong hang lại lôi ra khi thì rắn cũng là chuyện thường tình...
“Cái chuyện gặp rắn hay bị cua kẹp là chuyện thường, lúc đầu còn sợ nhưng lâu dần thành quen. Dù vất vả, nguy hiểm nhưng biết làm chi một ngày ra từng đó tiền?” - chị Thảo trú tại xã Cẩm Thành, chia sẻ.
Theo Quang Minh/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã