Đặc sản cam Khe Mây của huyện Hương Khê đang vào mùa chín rộ. Trong chuyến ngược ngàn lần này, chúng tôi được một cán bộ của xã Hương Đô giới thiệu gặp gỡ nhân vật đặc biệt - anh Nguyễn Văn Đồng - Tổ trưởng Tổ hợp tác Sản xuất cam VietGAP Khe Mây.
Trước 2 tháng thu hoạch, thành viên Tổ hợp tác Sản xuất cam VietGAP Khe Mây không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo đảm an toàn, chất lượng.
Gia đình anh Đồng vào lập nghiệp ở Trại Trửa, Khe Mây từ năm 2006, lúc đó, anh Đồng 29 tuổi, chị Thiên - vợ anh mới 23 tuổi. “Ngày đầu vào đây, cây cối rậm rạp, phủ hết lối đi, 2 vợ chồng nhìn nhau không biết bắt đầu từ đâu. Phải mất gần 1 năm “người cày, máy cày”, mới có thể bắt đầu xuống giống” - chị Đinh Thị Thiên chia sẻ.
Vay mượn, gom góp, anh chị trồng được hơn 400 gốc cam và một số loại cây ăn quả khác như quýt, tắt… Để giảm chi phí thuê nhân công và không bị phụ thuộc vào thương lái, anh chị tranh thủ mọi thời gian chăm sóc vườn cam, đồng thời tự mang cam đi bán khắp nơi...
Hơn 10 năm kiên trì “bắt sỏi đá phải biến thành... cây trái”, đến nay, gia đình anh Đồng đã biến vùng đồi hoang năm nào trở thành trang trại gần 2 ha với hơn 1.500 gốc cam trĩu quả. Những năm gần đây, anh Đồng còn làm vườn ươm bán cây giống, mỗi năm thu về hơn 200 triệu đồng.
Được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng cam, cuối năm 2015, Tổ hợp tác Sản xuất cam VietGAP Khe Mây được thành lập với 7 thành viên, anh Nguyễn Văn Đồng được bầu làm Tổ trưởng. Đặc biệt, dưới sự hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, vườn cam Đồng Thiên đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và được chuỗi Siêu thị Vinmart - Hà Nội “để mắt”. Mới đây, các cán bộ kỹ thuật đã về tận vườn kiểm tra lượng đường, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... để tuyển chọn cam vào bán tại chuỗi siêu thị. Cùng với vườn cam của anh Đồng, hiện nay, 6 vườn cam còn lại của tổ hợp tác cũng đang chuẩn bị thu hoạch để sẵn sàng bước vào cánh cổng siêu thị.
Sau hơn 10 năm trồng và chăm sóc, đến nay, trang trại 3 ha của gia đình anh Đồng với 1.500 gốc cam, quýt cho sản lượng khoảng 20 tấn/năm, thu nhập trên 600 triệu đồng.
Rảo bước giữa đồi cam vàng ươm đang vào độ chín, anh Đồng hồ hởi khoe: “Lần gần đây nhất về kiểm tra, các cán bộ rất ưng ý với trang trại cam của chúng tôi. Dự kiến cuối tháng 11, họ sẽ về kiểm tra lại và cấp tem, đặt số lượng để thu mua tại vườn. Năm nay, sản lượng cam cả vườn dự kiến đạt 20 tấn, nhưng chúng tôi vẫn chưa thể bán ra thị trường bởi đang chuẩn bị cam cho chuỗi Siêu thị Vinmart. Để có được vườn cam bảo đảm chất lượng, trước 2 tháng thu hoạch, chúng tôi không dùng thuốc bảo vệ thực vật, nếu bị sâu thì phải tỉa cành, hoặc trùm màn, căng bóng điện để bảo vệ”.
Hiện nay, để quảng bá thương hiệu cam Khe Mây cũng như trang trại cam của mình, anh Đồng đã chủ động in bao bì sản phẩm. “Lấy chất lượng làm uy tín, tôi sẽ cố gắng để vị ngọt, thơm của cam Khe Mây ngày càng lan tỏa và góp phần tạo chỗ đứng cho thương hiệu cam quê hương trên thị trường cả nước” - anh Đồng bày tỏ.
Theo Thu Hà - Dương Chiến/Bao Ha Tinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã