TP. Hà Tĩnh từng bước tiến đến đô thị loại II
"Chuyển mình" khi đất nông nghiệp bị thu hẹp
Ông Nguyễn Đặng Thanh (phường Tân Giang, TP. Hà Tĩnh) cho biết: Xác định TP. Hà Tĩnh là đô thị trung tâm của tỉnh, diện tích đất nông nghiệp sẽ bị thu hẹp nên từ hàng chục năm nay, gia đình đã tập trung mở rộng sản xuất, kinh doanh đặc sản kẹo cu đơ thay vì canh tác trên đồng ruộng. Từ quy mô nhỏ lẻ ban đầu, hiện tại, chúng tôi đã xây dựng và tạo được thương hiệu trên thị trường.
"Đặc biệt, gia đình cùng với các hộ nông dân làm nghề khác đã sáng tạo, hoàn thiện lò nấu kẹo theo công nghệ mới, hoàn toàn bằng điện, vừa tiết kiệm nhiên liệu vừa đảm bảo an toàn cháy nổ, vệ sinh môi trường với quy mô sản xuất ngày càng lớn" - ông Thanh phấn khởi.
Người nông dân TP. Hà Tĩnh đã cùng nhau sáng tạo, sáng chế nên lò nấu kẹo hiện đại, chạy bằng điện thay cho nhiên liệu đốt, tiết kiệm chi phí, bảo đảm môi trường.
Cùng quan điểm đó, cách đây khoảng 10 năm, gia đình bà Trương Thị Lan (thôn Hòa Bình, Xã Thạch Hưng) đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua thiết bị máy móc, công nghệ để phát triển nghề sản xuất bánh đa nem quy mô lớn.
Đến nay, trung bình mỗi ngày gia đình sản xuất trên 1.500 tấm bánh, thu nhập hàng tháng khoảng 5 triệu đồng/1 lao động. Không chỉ bà Lan, phần lớn nông dân thôn Hòa Bình đã và đang chú trọng phát triển các nghề sản xuất, chế biến như làm bánh đa, bánh đa nem, bánh mướt...
Bà Trương Thị Lan sản xuất bánh đa nem với quy mô lớn dần thay thế sản xuất nông nghiệp trên đồng ruộng.
Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Giang (TP. Hà Tĩnh) Hoàng Thị Huyền chia sẻ: Do quá trình đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp của phường hiện chỉ còn khoảng 2 ha. Do đó, không chỉ gia đình ông Thanh, mà hầu hết hội viên nông dân phường đã chuyển đổi sang ngành nghề kinh doanh dịch vụ hoặc sản xuất nông nghiệp theo hướng đô thị.
Điều đáng nói là, sự nhanh nhạy nắm bắt xu thế cùng những bước đi tích cực trong chuyển đổi ngành nghề không chỉ nâng cao đời sống của các hộ dân mà còn góp phần vào sự phát triển chung của thành phố. Những nông sản "gặt hái" không trên đồng ruộng là điều kiện, cơ sở vật chất vững bền cho nông dân chung tay xây dựng đô thị văn minh.
Ông Nguyễn Đặng Thanh đã từng bước xây dựng nên thương hiệu riêng cho mình
Nguồn lực xây dựng đô thị văn minh
Phát động sức dân, Hội Nông dân phường Tân Giang đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham gia trực tiếp trong công cuộc xây dựng đô thị văn minh. Hội đã tổ chức cho các hội viên ký cam kết về tiêu chí tuyến đường văn minh; tự giác tổng dọn vệ sinh môi trường, chỉnh trang đô thị, trồng hoa dọc tuyến đường chính.
Đồng thời, phối hợp tuyên truyền nhân dân ở các tổ dân phố đóng góp kinh phí rải thảm nhựa 2 tuyến đường dài gần 400m, đóng góp tu sửa thiết chế văn hóa... Hiện nay, các tuyến đường lớn đã được chỉnh trang, tạo điều kiện cho hội viên kinh doanh, buôn bán, phát triển kinh tế.
Nông dân Tân Giang đã góp công trồng hoa trên nhiều tuyến đường, làm đẹp thành phố.
Chủ tịch Hội Nông dân TP. Hà Tĩnh Trương Công Trung cho biết, hiểu rõ vai trò chủ thể trong xây dựng NTM, đô thị văn minh, hội viên nông dân thành phố đã tự nguyện đóng góp hơn 38 tỷ đồng, 90.000 ngày công, hiến trên 4.500 m2 đất và các tài sản, công trình, cây cối trên đất trị giá hàng trăm tỷ đồng xây dựng cở sở hạ tầng đô thị.
Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, nông dân thành phố Hà Tĩnh đã góp công, góp sức rải thảm nhựa các tuyến đường với chiều dài hơn 10 km.
Từ năm 2017 đến nay, nông dân thành phố Hà Tĩnh đã góp công, góp sức rải thảm nhựa các tuyến đường với chiều dài hơn 10 km.
Đồng thời, Hội cũng đã tập trung vận động xây dựng 64 vườn mẫu, 985 vườn hộ ở các phường; thẩm định gắn biển công nhận 8 chi hội “xanh – sạch – đẹp”; 56 “Tuyến đường tự quản” và đảm nhận 8 tuyến đường “Văn minh đô thị”. "Hiện tại, chúng tôi đang tập trung tuyên truyền, vận động hội viên xây dựng hình ảnh người nông dân Thành Sen: “Năng động - Trách nhiệm - Văn minh - Thân thiện”, ông Trung nói thêm.
Theo Dương Chiến/Bao Ha Tinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã