Sáng nay (5/4), Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn chủ trì hội nghị trực tuyến chỉ đạo bổ cứu sản xuất, phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Cùng dự có lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, hiện nay, lúa xuân đang bước vào giai đoạn phân hóa đòng. Thời gian qua, bệnh đạo ôn đang phát sinh gây hại trên các trà lúa, tập trung cao điểm từ 20 - 25/3 với diện tích nhiễm cao nhất trên 2.054 ha. Trong đó, Cẩm Xuyên hơn 1.167 ha; Đức Thọ 550 ha; Can Lộc 102 ha. Đây là những địa phương có diện tích nhiễm lớn. Số diện tích bị cháy lụi khoảng 0,5 ha...
Đến nay, bệnh cơ bản được khống chế, tuy nhiên các vết bệnh cấp tính vẫn xuất hiện rải rác trên các giống: P6, VTNA6, Xi23. Nguồn bệnh trên đồng ruộng đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch trên cổ bông trong thời gian tới.
Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật Vùng Khu IV Nguyễn Bá Lộc: Giai đoạn phân hóa đòng là giai đoạn các loại sâu bệnh tập trung tấn công. Để chủ động phòng trừ, địa phương phải bám sát đồng ruộng, khoanh vùng khu vực, xử lý dứt điểm mầm bệnh
Ngoài ra, trên đồng ruộng còn xuất hiện bệnh đốm nâu, rầy lưng trắng, rầy nâu. Theo ngành chuyên môn, từ 6 - 10/4, Hà Tĩnh đón đợt không khí lạnh cuối vụ, trời chuyển rét, thời tiết này gây bất lợi cho quá trình phân hóa mầm hoa của các trà lúa.
Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Trần Đức Bá: Từ 6-7/4, Hà Tĩnh đón đợt không khí lạnh mới, có khả năng ảnh hưởng đến quá trình phân hóa mầm hoa ở các trà lúa.
Về chăn nuôi, từ đầu năm đến nay, bệnh lở mồm long móng xuất hiện ở 6 địa phương. Hiện, chỉ còn phường Nam Hồng (TX Hồng Lĩnh) đang có dịch lở mồm long móng gia súc chưa qua 21 ngày. Các địa phương tiếp tục thực hiện tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm. Trong khi đó, tình hình chăn nuôi vẫn gặp nhiều khó khăn, giá thiếu ổn định. Nhiều địa phương thiếu tập trung trong công tác quản lý giết mổ.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn khẳng định: Lấy bài học của vụ xuân 2017 làm kinh nghiệm, phòng chống dịch đạo ôn và các loài sâu, dịch hại phải trên tinh thần chủ động nhất. Tập trung cao nhất cho công tác dự tính, dự báo, nhất quyết không được để xảy ra tình trạng chỉ đạo quan liêu, thiếu sâu sát tại cơ sở.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn: Thời gian này, công tác dự báo phải được đặt lên hàng đầu. Bám ruộng, bám thời điểm và bám khu vực để cảnh báo sớm cho bà con nông dân. Nơi nào để xảy ra sơ suất, nơi đó phải chịu trách nhiệm
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn yêu cầu ngành nông nghiệp và các địa phương phải đánh giá cụ thể tình hình sinh trưởng, dự báo từng loại dịch hại trên lúa xuân, nhất là bệnh đạo ôn cổ bông có thể phát sinh từ nay đến đầu tháng 5 tới. Từ đó, hướng dẫn đến tận người dân quy trình chăm sóc, khuyến cáo phòng trừ sâu bệnh đúng thuốc, đúng thời điểm và cụ thể đến từng vùng theo thực tế của đồng ruộng.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn yêu cầu các cấp, ngành không được chủ quan, quan liêu trong phòng chống dịch hại trên cây trồng, vật nuôi
Cùng với đó, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh cập nhật tình hình dự báo thời tiết 10 ngày tới để phối hợp với ngành nông nghiệp cảnh báo sớm để bà con nông dân chủ động phòng trừ các loại sâu bệnh.
Đồng thời, chú trọng kiểm soát các loại bệnh đang diễn biến trên đàn gia súc; tiếp tục chỉ đạo tiêm phòng vắc-xin ở các địa phương.
Theo Nguyễn Oanh/BaoHaTinh.VN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã