Tận dụng địa bàn rừng núi với rất nhiều loài hoa, lâu nay, người dân xã Sơn Quang đã biết vào rừng tìm bắt những đàn ong về thuần hóa, nuôi lấy mật. Mặc dù là loài vật rất khó tính nhưng ong đã được thuần dưỡng, chăm sóc và cho mật. Đặc biệt, cách đây ít năm, Sở KH&CN đầu tư dự án nuôi ong lấy mật cho địa phương, người dân đã có thêm kiến thức nuôi ong rừng. Từ hiệu quả kinh tế khá cao, người dân Sơn Quang đã phát triển mạnh đàn ong.
Chúng tôi ghé thăm “vua ong” Nguyễn Quốc Việt (thôn Đông Hà) và bị cuốn hút bởi đàn ong trên 60 tổ của gia chủ. Anh Việt là giáo viên, bắt đầu nuôi ong cách đây 4 năm. Chỉ với mấy tổ ong ban đầu, đến nay, anh đã nhân đàn, phát triển thành một trong những hộ nuôi ong nhiều nhất xã. Vụ ong năm nay, gia đình anh thu được 400 chai mật, bán giá trung bình 200 ngàn/chai, thu nhập 80 triệu đồng.
Ngoài thu nhập từ mật, mỗi năm, anh Việt còn xuất bán khá nhiều ong giống với giá trung bình 1 triệu đồng/tổ. Anh Việt cho biết, nghề nuôi ong không quá khó nhưng cũng không phải dễ dàng. Ngoài việc thường xuyên phải theo dõi để diệt các loại thiên địch phá hoại như ong chần, thằn lằn, kiến…, người nuôi ong còn phải nắm rõ tập tính của đàn ong thì mới giữ đàn và phát triển đàn hiệu quả.
Ông Hoàng Văn Nhuận (thôn Bảo Thượng) nuôi ong từ năm 2008 và hiện đang có đàn ong 50 tổ. Vụ mật năm nay, ông thu được gần 100 triệu đồng từ bán mật ong và ong giống. Ông cho biết: Nuôi ong không phải đầu tư nhiều nhưng thu nhập thì rất tốt. Để mật ông đạt chất lượng, người nuôi phải chủ động thu hoạch mật ở thời điểm mật chín nhất. Nhìn chung, chất lượng mật ong nuôi và ong rừng đều như nhau.
Thôn trưởng thôn Bảo Thượng Nguyễn Huy Hoàng cho biết: “Toàn thôn có gần 40 hộ nuôi ong với tổng đàn lên đến khoảng 140 tổ. Những hộ nuôi ong đều có thu nhập khá, hàng chục triệu đồng mỗi năm".
Theo Chủ tịch UBND xã Sơn Quang Nguyễn Hồng Lĩnh, toàn xã hiện có khoảng 650 đàn ong, nuôi đều ở tất cả các thôn, cho nguồn thu hàng tỷ đồng. Bình quân, một tổ ong cho thu nhập 2 triệu đồng nhưng hầu như không phải chi phí. Trong khi đó, một sào lúa chỉ thu được 1,8 triệu nhưng lại chi phí hết khoảng 1 triệu đồng. Như vậy, tính ra, một tổ ong bằng 2 sào lúa. Từ hiệu quả đó, xã Sơn Quang đang tiếp tục định hướng phát triển đàn ong để nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo Chinh Thu/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã