Lớn lên tại bản Dao Khe Tiền, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh), Dường Cắm Hếnh cũng giống như bao chàng trai khác, lập nghiệp bằng nghề nông, lên nương, làm rẫy. Kinh tế của gia đình anh không có gì nổi trội. Nhưng vốn là một người năng động, dám nghĩ dám làm, cần cù, sáng tạo, Dường Cắm Hếnh giờ đây đã trở thành một "doanh nhân", là tấm gương sáng nơi bản Dao huyện Bình Liêu...
Dường Cắm Hếnh vừa cho cá ăn vừa giới thiệu mô hình nuôi cá tầm
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, đông con. Đến khi lấy vợ, sinh con lại là lao động chính trong gia đình. Dường Cắm Hếnh luôn trăn trở tìm cách làm giàu, tìm cách để thoát khỏi sự đeo bám của nghèo khó và luôn suy nghĩ làm thế nào để có thể đi lên bằng chính sức lao động và khối óc của mình.
“Trước kia gia đình cũng chỉ tập trung làm nông. Nhưng nhận thấy trồng cây lúa hiệu quả thấp, gia đình mình quyết định chuyển đổi mô hình sang nuôi trồng thủy sản. Được huyện hỗ trợ rất nhiều, mình đã tận dụng cơ hội để thử nuôi cá hồi, cá tầm…, gọi chung là cá nước lạnh. Khi đó mình cũng lo lắng và rất sợ sẽ thất bại, bởi đây thực sự không phải là những loài cá dễ nuôi”, anh Hếnh chia sẻ về những lo lắng ngày đầu khi mới bắt tay vào phát triển mô hình nuôi cá nước lạnh.
Cá tầm sau khi thành phẩm được anh Dường Cắm Hếnh bán ra thị trường với giá từ 200.000đ đến 250.000đ/kg.
Không dễ như việc đào ao thả cá ở vùng đồng bằng, bản Dao, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu địa hình trắc trở. Vậy nhưng ai khi đến thăm mô hình nuôi cá nước lạnh nhà anh Hếnh cũng phải ngạc nhiên với hàng chục “bể cá” xếp hàng, cheo leo trên vách núi như những dải ruộng bậc thang. Đây không ngờ lại là thế giới lý tưởng của những loài cá “đỏng đảnh” như cá tầm, cá hồi Na uy, cá lăng hay cá koi Nhật Bản.
Để làm được điều đó, Dường Cắm Hếnh đã đứng trước vô vàn khó khăn, mất rất nhiều thời gian và công sức để tìm hiểu về đặc tính của những loài cá “khó chăm” này. Từ việc nghiên cứu về nguồn nước, khí hậu, cách chăm sóc như thế nào, đến việc tìm hiểu về giá cả, thị trường tiêu thụ,…
Cá tầm giống được anh Dường Cắm Hếnh bán với giá từ 1.000.000đ/kg trở lên.
“Nuôi cá này cũng vất vả lắm, mình phải canh giờ cho ăn, phải rửa bể, thay nước thường xuyên và phải điều hòa nhiệt độ nước cho cá. Ví dụ như cá tầm với cá lăng nhiệt độ thích hợp nhất là khoảng 22 đến 26 độ, còn cá hồi thì khoảng 19 độ thôi. Buổi sáng thì cá ăn vào khoảng tầm 3h đến 6h, rồi đến 11h đêm mình mới cho ăn tiếp. Thức đêm hôm nhiều mình cũng quen”, Dường Cắm Hếnh chia sẻ về kỹ thuật nuôi cá tầm.
Việc đưa cá tầm về với bản Khe Tiền đối với bản thân anh Hếnh và người dân ở đây là một sự mạo hiểm. Bởi những loài cá nước ngọt xứ lạnh có nguồn gốc từ nước ngoài này nuôi thả đã khó, ra được cá thành phẩm đạt chất lượng tươi, ngon càng khó hơn.
Nhưng với sự năng động, sáng tạo cùng ý chí quyết tâm làm giàu, chàng trai Dường Cắm Hếnh đã biết tận dụng lợi thế nơi mình đang sống: nguồn nước sạch, khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm để làm giàu. Chỉ sau 3 năm (từ 2015), bể nuôi cá nước lạnh trước đây còn rộng chưa đến 1000m2, nay đã được mở rộng lên hơn 1ha.
Cá tầm không chỉ đem lại những nguồn lợi lớn về kinh tế mà đang dần trở thành một "đặc sản" của huyện Bình Liêu.
Từ hơn 1 vạn con cá tầm giống vào năm đầu tiên, đến nay đã lên đến 10 vạn con. Cá tầm thương phẩm bán ra trung bình là 7 tấn đến 10 tấn, doanh thu mỗi năm ước tính khoảng 1 tỷ. Mô hình nuôi cá nước lạnh của anh Hếnh không chỉ mang lại nguồn lợi lớn về kinh tế cho bản Khe Tiền nói riêng và của huyện Bình Liêu nói chung, mà còn giúp giải quyết việc làm cho rất nhiều thanh niên trong bản.
Không chỉ là một “doanh nhân” biết làm kinh tế, anh Hếnh còn là một đảng viên ưu tú. Với những đóng góp tích cực cho sự phát triển của quê hương, anh được mọi người tin tưởng giao cho trọng trách là Phó Bí thư chi bộ kiêm Phó bản, đồng thời là Phó chỉ huy quân sự xã.
Anh Hếnh còn là người đứng ra vận động bà con trong bản tận dụng diện tích trồng lúa cho năng suất thấp trồng xen củ cải. Thấy củ cải ở bản Khe Tiền cho củ to, ngọt, nhiều nước, anh đã mạnh dạn đầu tư xưởng chế biến củ cải khô. Hiện nay, sản phẩm củ cải tươi và khô của anh đã được bày bán tại các hội chợ OCOP của tỉnh, huyện với giá bán 3.000đ/kg củ cải tươi và 80.000đ/kg củ cải khô.
Bên cạnh cá tầm, anh cũng nuôi thêm một số loài cá nước lạnh khác như cá lăng, cá hồi, cá koi Nhật Bản.
Anh cũng góp phần công sức rất lớn trong việc thực hiện thành công các chương trình xây dựng Nông thôn mới, chương trình 135 của huyện, xã. Vận động nhân dân hiến đất, làm đường GTNT với tổng cộng hơn 1,5 ha đất, hơn 200 cây hồi, cây quế. Anh cũng trực tiếp hỗ trợ 3 hộ gia đình nghèo vươn lên phát triển kinh tế với số vốn ban đầu là 15 con dê cho mỗi hộ, góp phần tích cực vào việc thay đổi đời sống người dân trong bản cả về vật chất và tinh thần.
Dường Cắm Hếnh như một tấm gương sáng nơi bản Dao để mọi thanh niên trong bản, làng học tập vươn lên làm giàu.
Khi được hỏi về những dự định của mình trong tương lai, anh Hếnh hồ hởi nói với chúng tôi: “Dự định thì nhiều lắm, vì mình muốn bản mình thoát cái nghèo, cái khổ mà. Nhưng trước mắt, mình dự định mở rộng thêm diện tích ao nuôi, mở rộng thêm thị trường tiêu thụ, không chỉ ở trong huyện, trong tỉnh mà còn xuất sang những tỉnh lân cận. Và cái mình mong muốn nhất là có thể mở một đại lý bán cá tầm ở Hạ Long, mình đang thực hiện điều đó và có thể cuối năm nay sẽ thực hiện được”.
Với những gì anh đã làm, với sự tin tưởng mà người dân nơi vùng cao dành cho anh và với tinh thần trách nhiệm, sự cần cù, sáng tạo của mình…, Dường Cắm Hếnh xứng đáng là “tấm gương sáng" nơi bản Dao để mọi người học tập, noi theo.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã