Học tập đạo đức HCM

Sức sống ở làng thanh niên lập nghiệp: Những triệu phú vùng biên

Thứ ba - 23/05/2017 03:17
Sau hơn 1 thập niên được bàn tay của những người trẻ tuổi khai phá, vùng đất hoang vu chỉ toàn lau lách và đồi hoang giáp biên giới Việt - Lào ở miền tây Hà Tĩnh giờ đã trở thành nơi an cư lạc nghiệp của hơn 200 hộ gia đình trẻ.

Những đồi hoang nay được phủ xanh bởi cao su, keo, chè xanh… đang đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các đội viên trong Tổng đội thanh niên xung phong xây dựng vùng kinh tế mới dọc biên giới Việt - Lào.

Lập làng trên những đồi hoang

Dọc theo con đường bê tông rộng thênh thang bao bọc xung quanh là núi rừng trùng điệp, chúng tôi đến Tổng đội thanh niên xung phong xây dựng vùng kinh tế mới Tây Sơn (xã Sơn Kim 2, H.Hương Sơn, Hà Tĩnh) vào một ngày giữa tháng 5 đầy nắng. Màu xanh ngăn ngắt của những trảng rừng cao su, chè, keo… trải dài ngút ngàn tầm mắt làm dịu đi cái nắng miền tây Hà Tĩnh. Ít ai nghĩ rằng hơn 14 năm trước, nơi đây vẫn còn là vùng đất hoang vu chỉ có cỏ lau hoang dại cùng những quả đồi trơ trọc, cằn cỗi.

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh tổng đội, anh Hoàng Thế Lộc, Tổng đội trưởng Tổng đội thanh niên xung phong, xây dựng vùng kinh tế mới Tây Sơn, kể rằng đây là vùng đất thuộc địa bàn vùng cao, biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Hà Tĩnh, diện tích tự nhiên rộng, mật độ dân số thưa, kết cấu hạ tầng còn nhiều thiếu thốn. Vì vậy, nhiều hộ gia đình sinh sống tại đây đã từng bỏ nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình để đi đến những vùng đất mới lập nghiệp, xây dựng kinh tế.

Ngày 26.3.2003, tổng đội được thành lập và được giao quản lý một vùng đất rộng lớn toàn núi là núi với diện tích hơn 3.600 ha. Khi đó, chủ trương của Tỉnh đoàn Hà Tĩnh là đưa thanh niên hoặc các cặp vợ chồng mới cưới lên đây lập nghiệp, xây dựng kinh tế mới để góp phần đảm bảo giữ vững tuyến an ninh quốc phòng vững chắc vùng biên giới Việt - Lào.

Hơn 200 cặp vợ chồng mỗi người một quê cùng chung quyết tâm làm cho vùng đất biên giới Tây Sơn thay da đổi thịt đã mạnh dạn lên đây lập nghiệp. Mỗi hộ đội viên được tổng đội cấp từ 1 - 3 ha đất nông nghiệp và 6 - 10 ha đất trồng rừng. Từ giống cây chè, cao su, keo hay các loại cây ăn quả đến các vật nuôi đều được tổng đội cung cấp giống và hỗ trợ chi phí chăm sóc.

Trên cơ sở thành công của Tổng đội thanh niên xung phong xây dựng vùng kinh tế mới Tây Sơn, hiện T.Ư Đoàn và UBND tỉnh tiếp tục tin tưởng giao cho Tỉnh đoàn xây dựng Làng thanh niên lập nghiệp Tây Kỳ Anh (xã Kỳ Trung, H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Ngoài ra, Tỉnh đoàn Borikhamxay (Lào) cũng thường xuyên tổ chức đoàn sang tham quan học tập các mô hình xây dựng kinh tế thanh niên ở Tổng đội xây dựng vùng kinh tế mới Tây Sơn.

Tuy nhiên, để người trẻ gắn bó với mảnh đất này là vô cùng khó khăn, bởi ngày ấy hạ tầng ở đây không có gì, không điện, không đường, đất rừng toàn lau lách… “Thử thách đầu tiên của những chàng trai, cô gái là phải chiến thắng muỗi, vắt rừng, sốt rét… Nếu muốn bám trụ chỉ còn cách dựng lán trại bằng tre nứa và “ăn nằm” với núi rừng để cải tạo lại đất và trồng cây. Thức ăn của các thành viên tổng đội khi đó chủ yếu là cá khô, rau rừng và măng đắng.

Đêm đến khi trời mưa to, anh em phải thức trắng vì sợ nước lũ cuốn trôi. Nhiều cặp vợ chồng đã bỏ cuộc vì không chịu được cảnh thiếu thốn này”, anh Lộc nói.

Nhưng bằng sức trẻ, chấp nhận gian khổ, nhiều cặp vợ chồng đã kiên gan trụ lại vùng đất này. Với sự cần mẫn và khát khao của tuổi trẻ, đất đã không phụ công người, những đồi chè, cao su do các hộ đội viên trong tổng đội trồng và chăm sóc phát triển xanh tốt đang dần thay thế những cánh rừng nghèo kiệt. Đến nay, toàn bộ tổng đội đã trồng được 157 ha chè, trong đó 120 ha cho thu hoạch với sản lượng 12 tấn chè búp tươi/ha; 900 ha rừng trồng (chủ yếu là keo) và 120 ha cao su.

Chinh phục vùng đất mới

Vùng kinh tế mới Tây Sơn giờ đã có nhiều thanh niên làm ăn khấm khá, trở thành triệu phú vùng biên. Anh Nguyễn Viết Lĩnh (42 tuổi) là một trong những hộ đội viên đầu tiên lên lập nghiệp tại tổng đội. Sinh ra và lớn lên ở vùng đồng bằng xã Tùng Lộc, H.Can Lộc (Hà Tĩnh), nhưng tình yêu với rừng, khát vọng chinh phục vùng đất mới đã đưa anh đến với miền biên viễn. Năm nay, đúng tròn 10 năm vợ chồng anh lập nghiệp trên quê hương mới.

Anh tâm sự, những ngày đầu, anh vừa một mình đảm nhận công việc trồng và chăm sóc 3 ha chè do tổng đội cung cấp cây giống và phân bón, vừa phải tranh thủ mở đường đi, san nền dựng lán... Cuộc sống sinh hoạt cũng vô cùng cơ cực bởi muốn mua sắm thứ gì đều phải ra đến tận trung tâm huyện cách tổng đội gần 10 cây số đường rừng. Con đường duy nhất nối từ QL8A vào tổng đội mỗi lần mưa to, đất đỏ vỡ ra nhão nhoét không tài nào đi được.

“Mọi khó khăn ngày trước đã qua rồi. Bây giờ vợ chồng tôi có 3 ha chè cho thu hoạch và 5 con bò chuẩn bị xuất chuồng. Hơn 3 năm nay, tổng đội đã xây dựng được nhà máy chế biến chè búp hiện đại với công suất 13 tấn/ngày, toàn bộ chè búp được tổng đội bao tiêu và thu mua với giá ổn định 7.000 đồng/kg. Năm 2016, vợ chồng tôi thu được 100 triệu đồng tiền lãi từ bán chè búp tươi nên đã cất được ngôi nhà khá khang trang”, anh Lĩnh khoe.

Còn rất nhiều thanh niên đã mạnh dạn xây dựng mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả như: mô hình chăn nuôi heo thịt của gia đình anh Trần Việt Hùng; mô hình nuôi heo nái của gia đình anh Trần Đình Hoan; chăn nuôi gà của gia đình anh Thái Thành Long và nhiều mô hình khác theo kỹ thuật mới đạt hiệu quả, năng suất cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong tổng đội...

Sau 14 năm, tổng đội có 4 HTX và 3 nhóm hộ chăn nuôi heo. Trong đó, có 1 nhóm hộ đầu tư nuôi 600 heo nái với vốn đầu tư 30 tỉ đồng, cho thu nhập khoảng 10 tỉ đồng/năm. 4 HTX và 2 nhóm hộ còn lại có 9 chuồng nuôi heo thịt với 600 con/chuồng, mỗi năm thu hơn 400 triệu đồng.

Trao đổi với Thanh Niên, anh Nguyễn Thế Hoàn, Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, cho biết để có được thành công như hôm nay là nhờ vào sức trẻ của thanh niên dám chịu khó, chịu khổ và luôn cùng một ý chí quyết tâm vực dậy đồi trọc, bạt núi làm đường, xây nhà. Dẫu rằng phía trước vẫn còn nhiều gian khổ, thử thách, song với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, họ sẽ vượt tất cả để tạo dựng cuộc sống và mở ra tương lai tươi sáng.

Cũng theo anh Hoàn, việc đưa những cặp vợ chồng trẻ lên lập nghiệp ngoài tạo điều kiện cho họ phát triển, làm giàu ở vùng kinh tế mới, còn khẳng định chủ quyền và đảm bảo an ninh biên giới của VN tại vùng sâu vùng xa.

Tác giả: Phạm Đức

Nguồn tin: Báo Thanh niên

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập496
  • Hôm nay72,948
  • Tháng hiện tại778,061
  • Tổng lượt truy cập90,841,454
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây