Thời tiết bất lợi, người trồng dược liệu gặp nhiều khó khăn
Trồng mãi đến lần thứ 3, hơn 3 ha kim tiền thảo của HTX Sản xuất rau an toàn và dịch vụ tổng hợp thôn Tam Đồng (xã Cẩm Vịnh) mới có thể phát triển.
Bà Nguyễn Thị Văn – Giám đốc HTX cho hay: “Liên kết với Công ty CP Dược Hà Tĩnh, đầu tháng 3, HTX đã mua giống ở Bắc Giang về trồng. Ngặt nỗi, trồng xong lại gặp phải đợt nắng nóng nên 50% diện tích chết yểu. Khoảng 10 ngày sau, HTX trồng lại đợt 2 thì hơn 30% diện tích cũng chết vì thời tiết nóng lạnh thất thường. Chúng tôi phải xen dắm đến đợt thứ 3 mới ổn định. Chi phí nguồn giống theo đó đội lên cao”.
Thời điểm này năm ngoái kim tiền thảo gần cho thu hoạch nhưng năm nay mới bắt đầu bén
Bác Trần Xuân Hiếu (thôn Tam Đồng) chia sẻ: “Khi đã dần quen với quy trình sản xuất liên kết thì trồng dược liệu khỏe và cho giá trị gấp nhiều lần so với cây lúa. Tuy nhiên, cây chết liên tục nên chúng tôi phải tốn nhiều công chăm sóc. Hơn nữa, mưa nắng bất thường, cỏ mọc nhiều, nông dân càng vất vả”.
Trồng đi trồng lại nhiều lần không chỉ tốn công lao động mà chi phí giống cũng đội lên cao
Ở xã Cẩm Vịnh, ngoài HTX Sản xuất rau an toàn và dịch vụ tổng hợp thôn Tam Đồng thì HTX Sản xuất dược liệu thôn Yên Khánh cũng trồng liên kết trên 2 ha dược liệu. Các thành viên HTX này cũng phải trì trật mãi với mô hình. Bà con còn lo ngại sẽ ảnh hưởng đến năng suất do lệch lịch thời vụ bởi thời điểm này năm ngoái, kim tiền thảo đã gần cho thu hoạch, trong khi năm nay phải đến giữa tháng 6 mới có thể thu hái.
Theo ghi nhận, tình trạng dược liệu chết nhiều không chỉ nông dân "đau đầu" mà còn khiến diện tích vùng nguyên liệu giảm xuống. "Trong khi Hà Tĩnh chưa chủ động được nguồn giống dược liệu, một số hộ phải chuyển sang trồng lạc. Diện tích sản xuất dược liệu vì thế cũng giảm đáng kể" - bà Nguyễn Thị Văn - Giám đốc HTX Sản xuất rau an toàn và dịch vụ tổng hợp thôn Tam Đồng ái ngại.
Nắng mưa thất thường khiến cỏ dại mọc nhiều hơn, nông dân tốn công chăm sóc
Lý giải về nguyên nhân, anh Phan Đình Đức – Cán bộ Kỹ thuật Công ty CP Dược Hà Tĩnh cho biết: “Diện tích lớn kim tiền thảo ở xã Cẩm Vịnh chết liên tục ngoài yếu tố bất lợi của thời tiết thì hệ thống tưới tiêu thiếu hiện đại cũng ảnh hưởng phần nào.
Cây dược liệu khi mới trồng phải tưới nước liên tuc từ 3 – 5 ngày đầu. Những năm trước, nông dân trồng xong gặp mưa rất thuận lợi nhưng năm nay lại nắng gắt. Trong khi đó, phần lớn người dân tưới thủ công, không cung cấp kịp thời nguồn nước khiến cây chết nhiều hơn và cây chậm phát triển hơn”.
Dược liệu chết liên tục, không chủ động được giống, nhiều hộ phải chuyển sang trồng lạc
Người trồng dược liệu còn lo ngại sẽ ảnh hưởng tới năng suất do lệch lịch thời vụ
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Chiến – Chủ tịch UBND xã Cẩm Vịnh cho biết: Đây là năm thứ 4 nông dân liên kết với Công ty CP Dược Hà Tĩnh trồng dược liệu. Nhìn chung, đất thịt pha cát ở Cẩm Vịnh rất thích hợp với các loại cây như: kim tiền thảo, mã đề, xương quạt, diệp hạ châu…
"Theo tính toán, 1 ha dược liệu cho thu từ 100 – 140 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay là năm khó nhất từ trước đến nay và chúng tôi lo ngại sẽ ảnh hưởng tới năng suất, giá trị sản phẩm. Để động viên nhân dân yên tâm sản xuất lâu dài cũng như duy trì và phát triển vùng nguyên liệu cho doanh nghiệp, chúng tôi sẽ đề nghị Công ty CP Dược Hà Tĩnh xem xét để có thể hỗ trợ người dân phần nào chi phí mua giống", ông Chiến cho biết thêm.
Theo Thu Phương/Bao Ha Tinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã