Năm 2004, Công ty TNHH Việt Lào (Vilaco) được tỉnh Khăm Muộn cấp giấy phép đầu tư khai thác và chế biến sâu mỏ thạch cao tại bản Bừng-hủa-na, huyện Xê-băng-phay trên diện tích 700 ha, trữ lượng 22,8 triệu tấn.
“Vạn sự khởi đầu nan”, những ngày đầu đi vào hoạt động, Vilaco gặp không ít khó khăn. Phong tục tập quán, thổ nhưỡng khí hậu, đặc biệt là khác ngôn ngữ đã “làm khó” những cán bộ, công nhân người Việt “lĩnh ấn tiên phong” trên đất Lào.
“Cũng may, với chủ trương “mở” trong tuyển dụng lao động địa phương, chúng tôi đã được hỗ trợ, giúp đỡ rất nhiều. Đặc biệt là từ những cán bộ là người Lào học ở Việt Nam và người Việt học trên đất Lào, nên mọi thứ sớm đi vào ổn định. Hiện tại, công việc, đời sống của cán bộ, công nhân đã đi vào quỹ đạo, hoạt động sản xuất của đơn vị không ngừng phát triển” - Đội trưởng Đội khai thác Nguyễn Bình Minh tâm sự.
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Vilaco Lê Viết Thảo cho biết: "Sau 14 năm đi vào hoạt động, quy mô đầu tư sản xuất trên đất bạn Lào của công ty không ngừng được mở rộng. Tổng mức đầu tư đến nay là hơn 6,7 triệu USD, gồm 1 mỏ khai thác, 2 dây chuyền sản xuất bột thạch cao anfa và beta, 1 xưởng sản xuất tấm trần thủ công. Công suất khai thác của nhà máy hiện đạt 350.000 tấn/năm.
Trải qua những khó khăn ban đầu, sản phẩm bột, tấm trần thạch cao của Vilaco đã tìm được chỗ đứng trên thị trường. Ngoài sản phẩm thạch cao truyền thống cung cấp cho các nhà máy xi măng ở Việt Nam, với công nghệ chế biến sâu, bột thạch cao cao cấp đã được nhiều nhà máy gốm sứ đặt mua với số lượng lớn. Riêng tấm trần thạch cao được khách hàng chấp nhận, tiêu thụ mạnh ở nhiều thị trường Lào, Việt Nam và Thái Lan…
Giám đốc Lê Viết Thảo nhìn nhận: “Cùng với việc mở rộng quy mô và chế biến sâu sản phẩm, thời gian qua, đơn vị đã quan tâm đổi mới công tác quản lý, quy trình khai thác, cơ giới hóa cơ bản hoạt động sản xuất tại mỏ. Đồng thời, tăng cường quảng bá và giới thiệu năng lực, chú trọng công tác vận chuyển. Nhờ đó, uy tín của công ty được khách hàng đánh giá cao, sản phẩm nhanh chóng chiếm lĩnh được thị phần trong và ngoài nước”.
Với những bước đi hiệu quả trong chiến lược hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh thu của Vilaco tăng nhanh. Năm 2017, doanh thu đạt hơn 120 tỷ đồng; 5 tháng đầu năm 2018 đạt gần 65 tỷ đồng; tạo việc làm cho 200 lao động (trong đó có 145 cán bộ, công nhân người Lào) với mức lương bình quân 9 triệu đồng/tháng...
Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, những năm qua, Vilaco đã góp sức đảm bảo an sinh xã hội trên đất bạn Lào. Công ty đã hỗ trợ nhiều tỉ đồng cho các bản của huyện Xê Bang Phay xây dựng trường học, công trình nước sạch và đường giao thông nông thôn; trao tặng 100 suất học bổng trị giá 300 triệu đồng và hỗ trợ hàng trăm triệu đồng tổ chức các hoạt động thể thao, văn nghệ, khám sức khỏe cho người dân trong vùng.
Có thể thấy rằng, những năm qua, Vilaco đã thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ kinh tế và ngoại giao. Công ty không chỉ khẳng định hiệu quả sản xuất - kinh doanh mà còn thể hiện trách nhiệm an sinh xã hội của doanh nghiệp đối với địa phương, góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hai tỉnh Khăm Muộn - Hà Tĩnh; vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị hai nước Việt – Lào anh em.
Theo Thăng Long/Bao Ha Tinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã