Mô hình thuộc Dự án “Xây dựng mô hình và chuyển giao gói kỹ thuật sản xuất khoai lang (ruột vàng) hàng hóa phục vụ nội tiêu ở vùng Bắc Trung bộ”.
Mô hình được thực hiện tại xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh với diện tích 10ha sản xuất khoai lang thương phẩm bằng giống KL20-209, Hoàng Long. Đây là một xã có diện tích đất bãi bồi ven sông lớn, hàng năm chủ yếu người dân chỉ sử dụng để trồng cỏ, trồng ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi theo phương thức sản xuất “được chăng hay chớ” nên đất ngày càng thiếu dinh dưỡng, năng suất không cao, giá trị trên đơn vị diện tích không có.
Khi đi vào tổ chức thực hiện mô hình gặp rất nhiều khó khăn do các hộ dân chưa bao giờ sản xuất khoai thương phẩm, có chăng chỉ sản xuất để lấy lá và phục vụ chăn nuôi, do đó việc thực hiện mô hình là hoàn toàn mới mẻ.
Tuy nhiên, sau 4 tháng trồng với việc thực hiện đảm bảo quy trình kỹ thuật cũng như đầu tư bài bản, mô hình đã cho nhiều kết quả ngoài mong đợi. Ông Nguyễn Hồng Quang hồ hởi cho biết: “Gia đình tôi được tham gia mô hình với diện tích 7 sào, ngoài nguồn hỗ trợ giống, phân bón của nhà nước thì gia đình đã bón đủ đúng theo quy trình sản xuất yêu cầu. Năng suất khoai lang thương phẩm đạt 6 tạ/sào, với giá bán 10.000đ/kg, sau khi trừ chi phí thu về được gần 3 triệu đồng/sào. Những năm trước vụ Xuân Hè chúng tôi chủ yếu chỉ trồng cỏ và trồng ngô. Ngoài thu hoạch phục vụ chăn nuôi ra thì không có nguồn thu nào khác. Giờ đây cũng với diện tích đó thu được khoảng 21 triệu, còn thu được cả phần dây để phục vụ chăn nuôi vì giống khoai lang này cây rất khỏe, tươi cả khi thu hoạch xong. Đặc biệt hơn là khoai lang rất phù hợp với vùng đất của chúng tôi, củ to, ngọt và cứ thu hoạch đến đâu người mua đến đó không phải lo tiêu thụ”.
Ông Cao Văn Đức - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Tây cho biết: “Khi tiếp nhận mô hình thực sự chúng tôi rất lo lắng, bởi vùng đất bãi bồi này bà con chỉ sử dụng để sản xuất cây trồng phục vụ chăn nuôi mà không đầu tư vào sản xuất hàng hóa. Thử nghiệm ban đầu với diện tích 10ha là quá lớn đối với chúng tôi cũng như bà con trong xã vì sợ khoai lang không phù hợp với đất, sản xuất ra nhiều không ai mua cho. Tuy nhiên với sự vào cuộc mạnh mẽ của các bên cũng như sự đồng lòng của nông dân thì kết quả mô hình đến nay thực sự ngoài mong đợi. Đây là mô hình không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn làm thay đổi nhận thức của bà con xã Sơn Tây trong việc sản xuất hàng hóa để nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích”.
Ông Nguyễn Hữu Ngọc - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh cho biết: “Qua đánh giá kết quả thực hiện cho thấy, mô hình sản xuất khoai lang thương phẩm đạt hiệu quả cao. Khi đưa mô hình vào thực hiện mục tiêu của chúng tôi chỉ là triển khai thực hiện theo hướng sản phẩm hàng hóa thương phẩm nhưng không những đạt mục tiêu đó mà còn đạt hiệu quả quan trọng hơn là làm thay đổi nhận thức của bà con. Để nhân rộng mô hình thời gian tới chúng tôi sẽ truyền tải thông tin theo nhiều phương thức khác nhau để nhiều địa phương khác trong tỉnh được biết đến hơn và tiếp tục thực hiện hợp đồng triển khai dự án trong các năm tới”.
Theo Thái Thơm/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã