Lễ hội của cư dân vùng sông nước
Dải đất Hồng Lam được thiên nhiên ban tặng lắm núi, nhiều sông, gắn liền với bờ biển dài hơn 130 km đã góp phần tạo nên những nét đặc trưng trong đời sống tinh thần của cộng đồng cư dân. Đặc biệt, từ trong lao động, các thế hệ cha ông đã sáng tạo ra nhiều hình thức vui chơi, giải trí rất hữu ích, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Trong đó, lễ hội đua thuyền của cư dân vùng sông nước thường được tổ chức vào dịp đầu năm mới để người dân gặp gỡ, giao lưu, góp phần tăng cường sức khỏe, phát huy sức mạnh đoàn kết cộng đồng, vươn lên chinh phục thiên nhiên, tạo dựng cuộc sống.
Lễ hội đua thuyền ở Hương Khê. Ảnh: Đức Quyền |
Đua thuyền là một hoạt động thể thao mang tính tập thể. Đội đua thường được cơ cấu khoảng 20-30 VĐV, có “nhạc trưởng” chỉ huy, người chèo lái ở đuôi và một người đảm nhiệm việc tát nước. Thành viên đội đua mặc đồng phục áo vàng hoặc đỏ, thắt đai, đầu chít khăn đỏ. Thể thức chèo bơi được tiến hành theo hiệu lệnh của người chỉ huy. Kết quả cuộc đua phụ thuộc vào sức mạnh từ tinh thần đoàn kết của tập thể, sự phối hợp ăn ý, nhịp nhàng, hài hòa giữa các thành viên trong đội. Thành viên được chọn vào đội đua là những thanh niên khỏe mạnh, thể lực tốt, bơi lội giỏi và phải vững tay chèo. Ngoài ra, sức mạnh đội đua còn được khích lệ nhờ tinh thần cổ vũ của người xem.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay, lễ hội đua thuyền được nhiều địa phương khôi phục, duy trì tổ chức thường xuyên (chủ yếu vào dịp lễ, tết) theo thể thức lễ hội thể thao truyền thống, luôn thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo người dân. Có dịp được chứng kiến lễ hội đua thuyền của phường Trung Lương (TX Hồng Lĩnh), chúng tôi cảm thấy rất ấn tượng. Khoảnh khắc xuất phát và thời điểm tăng tốc về đích luôn diễn ra hết sức gay cấn và náo nhiệt. Dưới bến, các thủ thuyền dốc sức khua chèo, lướt sóng theo nhịp trống. Trên bờ, cha mẹ, vợ con và đông đảo bà con dân làng sát cánh bên nhau, khua chiêng, gõ mõ hối thúc đội nhà, làm huyên náo cả vùng sông nước...
Đến xem con cháu thi chèo bơi, cụ Nguyễn Văn Khánh (73 tuổi, ở phường Trung Lương) chia sẻ: “Nét đẹp nhân văn cơ bản nhất của lễ hội đua thuyền chính là tinh thần đoàn kết cộng đồng, là sự chung sức vượt khó, toàn tâm, toàn lực của tập thể”. Được biết, mỗi dịp Tết Nguyên đán, Trung Lương đều tổ chức lễ hội đua thuyền. Toàn bộ kinh phí tổ chức đều do bà con trong làng tự nguyện đóng góp. “Kết thúc cuộc đua, địa phương còn tổ chức liên hoan, càng thêm thắt chặt tình làng, nghĩa xóm” - cụ Khánh cho biết thêm.
Khơi nguồn sáng tạo
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Văn Hạnh cho biết: Thực hiện tinh thần chỉ đạo của tỉnh về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, những năm qua, cùng với việc phục hồi các hoạt động lễ hội văn hóa dân gian, lễ hội đua thuyền truyền thống đã được quan tâm phát triển rộng khắp các địa phương. Giải đua thuyền toàn tỉnh được tổ chức quy mô, thu hút đông đủ các huyện, thị, thành tham gia. Tính đến nay, 12 huyện, thành phố, thị xã đều có CLB đua thuyền, thường xuyên hoạt động hiệu quả. Các huyện Thạch Hà, Can Lộc, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Đức Thọ và Hương Khê… thường xuyên tổ chức lễ hội vào dịp đầu xuân, thu hút hàng vạn người tham gia. Ngoài các giải lớn do tỉnh và huyện tổ chức, giải đua thuyền truyền thống của các làng, xã cũng diễn ra rất sôi động.
Các xã, phường: Thạch Sơn, Thạch Long, Thạch Đỉnh (Thạch Hà); Trường Sơn, Đức Quang (Đức Thọ); Kỳ Ninh, Kỳ Phú, Kỳ Khang (Kỳ Anh); Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên); Trung Lương (TX Hồng Lĩnh)… là những địa phương luôn nằm trong tốp đầu của tỉnh về phong trào đua thuyền và thường xuyên giành giải cao tại các hội thi.
Mùa xuân sắp về. Khắp nẻo làng quê vùng sông nước lại âm vang tiếng mõ, tiếng chiêng trống, ngày hội đua thuyền đang cận kề. Các bậc cao niên của làng lại thi nhau soạn sửa thuyền đua, tổ chức đội hình... Lớn lên ở vùng đất mà lúc vất vả mưu sinh cũng như khi vui chơi hội hè, cuộc sống của người dân đều gắn liền với sông nước, với nghề chài lưới, từ nhỏ, ông Nguyễn Xuân Thu (68 tuổi, thôn Văn Sơn, Thạch Đỉnh, Thạch Hà) đã được cha chỉ bảo bí quyết đóng thuyền đua, hướng dẫn từ cách cầm cưa, đục, đến các kỹ thuật tinh xảo khác. Do đó, vào dịp gần Tết Nguyên đán, các địa phương lân cận thường tìm đến nhờ ông bảo dưỡng thuyền đua cho làng để hưởng “vận hên”. Ông Thu tâm sự: “Đối với người Thạch Đỉnh, đua thuyền vừa để giải trí, vừa để giữ gìn những giá trị truyền thống của ông bà, tổ tiên”.
Lễ hội đua thuyền đã thực sự đi vào tiềm thức và trở thành một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Hà Tĩnh. Thông qua lễ hội, góp phần khơi nguồn sáng tạo của cha ông, thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng, cùng nhau rèn luyện sức khỏe, xây dựng đời sống mới.
Quang Sáng
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã