Theo điều tra của Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, có ít nhất hơn 10 giống lúa sản xuất trong vụ xuân 2022 bị nhiễm bệnh đạo ôn.
Bên cạnh những cái tên quen thuộc: IR 1820, Xi23, XT28, P6… thì kể cả nhóm các giống lúa thuộc cơ cấu chủ lực hay nhóm giống chỉ mới có mặt ở đồng ruộng Hà Tĩnh trong 3 - 4 năm nay cũng bị bệnh đạo ôn “gọi tên” như: ADI 168, Thái xuyên 111, VNR20, BT09, Bắc thịnh, HT1, KD18, Nếp 98…
Thời tiết ẩm ướt, có mưa vào sáng sớm là một trong những nguyên nhân khiến bệnh đạo ôn lây lan trên diện rộng
Ông Nguyễn Văn Bình - xã Sơn Long (Hương Sơn) cho biết: “Nhà tôi làm 5 sào trong đó 2 sào sử dụng giống Thái xuyên 111. Giống này tôi chỉ mới sử dụng trong vụ xuân năm nay nhưng lại là giống bị nhiễm bệnh khá sớm. Không chỉ mỗi ruộng nhà tôi, nhiều gia đình cũng bị tương tự như thế”.
Hiện nay, giống Thái xuyên 111 được bố trí chủ yếu ở Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Hương Sơn, Vũ Quang với diện tích ước tính ban đầu khoảng 50 ha. Qua theo dõi, giống lúa này ở tất cả các địa phương này đều bị nhiễm bệnh đạo ôn trên lá.
Cùng với Thái xuyên 111, vài năm nay bệnh đạo ôn cũng “phủ sóng” khá rộng trên giống ADI 168. Hiện nay, giống này được cơ cấu vào bộ giống chủ lực của nhiều địa phương với diện tích khoảng 1.200 ha.
Cán bộ Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh kiểm tra tình hình sâu bệnh tại xã Sơn Long (Hương Sơn)
Ngoài ra, việc một số địa phương và bà con nông dân sử dụng giống ngoài cơ cấu (IR1820, TBR225, Thiên ưu 8…) cũng là một trong những nguyên nhân khiến bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại và lây lan.
Ông Nguyễn Tống Phong - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh cho biết: “Đến thời điểm này, bệnh đạo ôn đã phát sinh gây hại hầu hết tại các địa phương. Tổng diện tích nhiễm toàn tỉnh là 279 ha, nhiễm nặng là 31,65 ha; tỷ lệ bệnh trung bình 5-7%, nơi cao 15-20%, cục bộ một số diện tích nhiễm nặng đã bị lụi. Điều đáng nói, bệnh gây hại trên nhiều loại giống trong khi thời tiết tiếp tục có mưa, ẩm độ cao khiến cho bệnh đạo ôn diễn biến phức tạp, nguy cơ lan rộng”.
Phun phòng diện rộng, xử lý vùng hẹp
Những cánh đồng ở các xã Sơn Long, Quang Diệm, Sơn Tiến... (Hương Sơn) sau hơn 1 tuần xử lý thuốc trừ đạo ôn lá đã bắt đầu phục hồi trở lại, lá non lên thay thế cho nhiều phần lá bị cháy, lụi. Toàn huyện có 24 ha bị nhiễm bệnh, trong đó 5 ha bị nhiễm nặng.
Vết bệnh đạo ôn gây hại trên lá lúa xuân 2022.
Ông Phan Văn Đức - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Ngay sau khi phát hiện số diện tích nhiễm bệnh, huyện đã chỉ đạo các địa phương đốc thúc bà con ra đồng phun thuốc phòng trừ, khống chế lây lan dịch bệnh.
Đến nay, toàn huyện đã phun phòng trên diện tích 508 ha để vừa ngăn nguy cơ lây lan ở giai đoạn lúa đẻ nhánh, đảm bảo cho lúa đủ bộ lá để sinh trưởng, chuyển tiếp giai đoạn, đồng thời hạn chế mầm bệnh đạo ôn cổ bông trong thời gian tới”.
Ông Đặng Quang Trung – thôn Hòa Bình, xã Lâm Trung Thủy (Đức Thọ) phun phòng bệnh đạo ôn trên lúa Bắc hương 9.
Theo các địa phương, thời gian “vàng” cho đợt phòng trừ bệnh đạo ôn mới sẽ kết thúc trước ngày 27/3 tới, trước khi đợt không khí lạnh có cường độ khá mạnh vào địa bàn tỉnh ta. Khắp các địa phương, bà con nông dân đang “chạy đuổi” thời gian, khép kín các diện tích thuộc diện cần phòng trừ để bảo vệ lúa chuẩn bị bước vào thời kỳ sinh trưởng quan trọng – làm đòng, trổ bông.
Ông Đặng Quang Trung - thôn Hòa Bình, xã Lâm Trung Thủy (Đức Thọ) cho biết: “Đối với bà con nông dân, vụ lúa xuân bao giờ cũng quan trọng nhất. Nhà tôi làm 5 sào, hiện, đã hoàn thành phun phòng đạo ôn 2 sào rồi, cứ đợi thời tiết nắng lên là tôi xuống đồng để sớm kết thúc đợt phòng trừ sâu bệnh quyết định này”.
Cán bộ kỹ thuật kiểm tra phát sinh bệnh đạo ôn tại đồng ruộng TP Hà Tĩnh.
Theo thống kê của ngành chuyên môn, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã tiến hành phun phòng trừ bệnh đạo ôn trên diện tích 6.884 ha, gấp 23 lần so với diện tích nhiễm. Với phương châm “khoanh vùng, xử lý diện hẹp, phun phòng diện rộng”, các địa phương đang quyết tâm cao nhất nhằm giành thế chủ động trong “trận chiến” cuối cùng với bệnh đạo ôn trên lúa xuân 2022.
Theo dự kiến, trà lúa xuân đầu tiên sẽ bắt đầu trổ bông từ đầu tháng 4 tới. Các địa phương cần tập trung chỉ đạo bà con nông dân tranh thủ thời tiết ra đồng, kịp thời phun phòng các diện tích có nguy cơ nhiễm bệnh. Cùng với đó, bám sát đồng ruộng, xác định thời điểm lúa trổ bông, đặc biệt là trên các giống nhiễm và diện tích đã nhiễm bệnh đạo ôn trên lá để xử lý dứt điểm trong diện hẹp, hạn chế tối đa nguồn lây lan trong giai đoạn lúa trổ và gây hại trên cổ bông
Ông Nguyễn Tống Phong - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã