Cách làm sáng tạo
Năm 2012 hoạt động kinh doanh trong điều kiện lạm phát cao, dẫn đến lãi suất huy động tăng. Hầu hết khách hàng gửi tiền tiết kiệm ngắn hạn, gây không ít khó khăn cho nhu cầu vốn và cơ cấu vốn, nhất là nguồn vốn cho vay trung và dài hạn. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hàng hóa sản xuất ra không tiêu thụ được; kinh doanh không có lãi, thậm chí thua lỗ, thanh toán chậm hoặc không có khả năng thanh toán làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng tín dụng.
Tuy vậy, xác định rõ nhiệm vụ chính trị chủ yếu là đầu tư cho “tam nông”, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Chi nhánh Agribank Hà Tĩnh đã có nhiều giải pháp huy động vốn để cho bà con nông dân vay phát triển sản xuất.
Trang Trại nuôi lợn của ông Lê Văn Bình ở xã Xuân Mỹ ( huyện Nghi Xuân) đạt hiệu quả kinh tế cao từ nguồn vốn vay của Agribank Hà Tĩnh
Nhận thức rõ sự khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay, nếu không có những cách làm sáng tạo, hấp dẫn rất khó để người có tiền ‘mở két” cho ngân hàng vay. Cùng với việc giao khoán chỉ tiêu huy động vốn ngay từ đầu năm cho từng cán bộ, nhân viên gắn với làm tốt công tác thi đua, khen thưởng những cá nhân, đơn vị huy động vốn giỏi, Chi nhánh Agribank Hà Tĩnh tổ chức thường xuyên và có chất lượng các chương trình huy động tiết kiệm dự thưởng vào hai kỳ đầu năm và cuối năm. Để chương trình đồng bộ, thống nhất, đạt kết quả cao, Chi nhánh chỉ đạo 16 chi nhánh loại III và 23 phòng giao dịch trực thuộc nội quy, cách hoạt động quảng bá, tiếp thị tới khách hàng. Ma két, băng - rôn quảng bá ở các điểm giao dịch, trên các trục đường được chú trọng cả nội dung lẫn hình thức, tạo sự “bắt mắt”, hấp dẫn cho mọi người dân. Cách thức, nội dung quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng có nhiều đổi mới, thu hút sự quan tâm, chú ý của công chúng hơn so với trước. Chi nhánh tỉnh phối hợp với Đài PT-TH tỉnh dàn dựng và sản xuất hàng loạt đĩa CD, VCD về chương trình huy động tiết kiệm dự thưởng, phát đến cán bộ tín dụng của chi nhánh loại III, giúp đưa đĩa hình CD, VCD quảng bá phát trên đài truyền hình - truyền thanh huyện, thị, xuống tận thôn, xóm, khối phố, phát vào giờ phù hợp để mọi người dân đều được xem. Nhờ đó phiếu phát hành dự thưởng của Agribank Hà Tĩnh luôn đạt cao, được khách hàng mua để tham dự hết số lượng. Số khách hàng có cơ hội may mắn đạt giải khi tham gia các chương trình do Chi nhánh tổ chức ngày càng cao, làm tăng thêm sự cuốn hút đối với nhiều giai tầng trong xã hội. Gần đây nhất, sau khi khách hàng Nguyễn Thị Tâm ở xóm 4, xã An Lộc, huyện Lộc Hà trúng thưởng 1 xe ô tô Toyota Vios trị giá gần 600 triệu đồng đã làm cho dư luận xôn xao, quan tâm nhiều hơn tới việc tham gia chương trình gửi tiền tiết kiệm dự thưởng của Agribank Hà Tĩnh. Cũng nhờ có thêm động lực từ chương trình dự thưởng chào mừng ngày Quốc tế lao động 1-5 năm nay, Chi nhánh đã huy động được 931 tỷ đồng và 1.651.000 USD từ khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, Chi nhánh còn đặc biệt chú trọng phát triển sản phẩm dịch vụ mới, huy động vốn từ dân cư ở các vùng được đền bù, tái định cư qua các dự án lớn như Kỳ Anh, Thạch Hà, Vũ Quang…
Đến cuối năm 2012, trên 277.000 khách hàng gửi tiền vào ngân hàng với tổng nguồn vốn đạt gần 8.400 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn huy động từ dân cư chiếm 91,6% tổng nguồn vốn huy động. Ngoài ra, Chi nhánh còn khai thác được 223 tỷ đồng từ nguồn vốn các dự án ủy thác đầu tư nước ngoài. Nhờ vậy, tổng nguồn vốn Chi nhánh quản lý và huy động đến cuối năm 2012 đạt gần 8.600 tỷ đồng, tăng 226 lần so với 1991.
Đầu tư mạnh cho xây dựng nông thôn mới
Trong quá trình cho vay, Chi nhánh Agribank Hà Tĩnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bám sát lộ trình mục tiêu XDNTM của tỉnh và các địa phương. Mặt khác, vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách cho vay để đầu tư nguồn vốn đúng hướng. Coi việc cho các mô hình điểm vay trong chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM là cơ hội để tìm kiếm, lựa chọn những dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và phát triển nguồn vốn cho ngân hàng.
Đến cuối tháng 10/2012 doanh số cho vay của hệ thống ngân hàng nông nghiệp toàn tỉnh cho các xã thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM dư nợ 5.664 tỷ đồng, với 80.336 khách hàng. Cho vay theo quyết định 26 là 1.970 khách hàng, doanh số đạt 148,413 tỷ đồng; dư nợ 147,806 tỷ đồng.
Điều đáng nói là, dư nợ của chi nhánh chủ yếu phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên 90%, với số lượng lên tới 5.806 tỷ đồng. Từ số vốn vay được qua Quyết định 26 và nguồn Agribank, hàng loạt mô hình sản xuất kinh doanh lớn, có hiệu quả kinh tế cao xuất hiện, góp phần đưa đời sống của người dân vùng nông thôn phát triển mạnh và bền vững.
Đến trang trại bà Đinh Thị Nga ở xóm 10 xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân mới thấy được sự đổi đời của người nông dân nghèo vùng cát trắng từ nguồn vốn của Agribank hỗ trợ XDNTM. Bà Nga đã vay 1,2 tỷ đồng đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại nuôi lợn khá hiện đại, gồm 1.200 con lợn thương phẩm liên kết với Công ty CPI. Với lãi suất chỉ 0,65% /tháng, bà Nga an tâm rất nhiều, bởi đã bớt được 8-9 triệu đồng lãi suất tháng, càng có điều kiện để mở mang, phát triển quy mô lớn hơn trong tương lai. Bà cho biết: “ Mỗi năm bình quân tôi xuất 2,5 đến 3 lứa lợn thịt, cộng với 5ha mặt nước tận dụng nuôi cá, doanh thu đạt 1 tỷ đồng/ năm”.
Tân Hưng, một xóm nhỏ ở xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang gần đây xuất hiện mô hình chăn nuôi lớn của ông Trần Quốc Viện, khiến mọi người không khỏi ngạc nhiên. Bởi như có phép màu, chỉ một thời gian ngắn, gia đình ông đã có một hệ thống chuồng trại khang trang với 300 con lợn thịt, 20 lợn nái. Ngoài ra, ông còn liên kết với 40 hộ dân khác cung cấp thức ăn, con giống, thu mua lợn thịt cung ứng ra tận các tỉnh ngoài Bắc. Được biết, từ những đồng vốn vay của Agribank Hà Tĩnh, nay trang trại đã ăn nên làm ra, mỗi năm thu lãi dăm trăm triệu đồng.
Quả không sai khi người dân coi Agribank Hà Tĩnh như ân nhân cứu rỗi cuộc đời mình. Nhờ họ mà biết bao bà con nghèo đổi đời, đổi thay số phận. Từ những đồng tiền của ngân hàng, bà con đã làm nên một sự sống kỳ diệu chính ngay trên vùng quê bao đời khốn khó.
Theo congluan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã