Địa hình chủ yếu đồi núi, là lợi thế để người dân Đức Lạng phát triển các loại cây ăn quả có múi. Sau một thời gian tìm tòi, thử nghiệm, những năm gần đây, cây chanh đã cho năng suất cao, giá cả ngày càng tăng, mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho người dân nơi đây, góp phần thoát nghèo bền vững.
Ông Lê Văn Hiệp - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Nghề trồng chanh ở Đức Lạng không biết có từ bao giờ, nhưng từ năm 2009 bắt đầu phát triển mạnh. Từ chỗ chỉ một số hộ làm tự phát thì đến nay, toàn xã có hơn 300 hộ tham gia trồng với diện tích trên 200 ha. Có thể khẳng định, đây là hướng phát triển kinh tế mũi nhọn của địa phương trong những năm qua. Để phát triển cây chanh theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, huyện và xã đã có chủ trương hỗ trợ người dân khi trồng thêm một gốc chanh mới là 10.000 đồng”.
Chúng tôi men theo con đường mòn, đến thăm mô hình trồng chanh của ông Võ Văn Hội (thôn Tiến Lạng), người có thâm niên hơn 14 năm trong nghề. Ông Hội phấn khởi: “Gia đình tôi vừa bán được 5 tấn chanh, giá năm nay 17 ngàn đồng/kg, cao hơn những năm trước chừng 3.000-4.000 đồng/kg, thu nhập khoảng 85 triệu đồng. Từ nay đến tết, tôi còn thu hoạch thêm đợt chanh trái vụ, dự kiến, thu nhập cả năm hơn 100 triệu đồng. Nhìn chung, chanh năm nay vừa được mùa, được giá; có những cây thu trên 2 tạ quả”.
Ông Hội cho biết thêm, lợi thế của trồng chanh là không cần đầu tư nhiều, nhưng quan trọng nhất phải có kinh nghiệm. Đặc biệt, khâu quyết định chính là công đoạn lấp gốc bằng các loại cây khô, không chỉ giữ ẩm về mùa nóng mà còn được sử dụng làm phân khi hoai mục. Vườn chanh của gia đình ông Hội được xem là hiệu quả nhất xã bởi chỉ với quy mô 1 ha và 100 gốc nhưng năm nào cũng cho thu nhập trên 100 triệu đồng.
Mô hình trồng chanh của gia đình ông Võ Văn Danh (thôn Tiến Lạng) cũng là một điển hình. Với quy mô 5 ha, trong đó 3 ha chanh, còn lại là cam, hàng năm, gia đình ông Danh thu nhập 100-150 triệu đồng. Trên 300 gốc chanh, sản lượng từ 13-15 tấn/năm. Đầu năm 2014, với sự hỗ trợ của huyện và xã, gia đình ông tiếp tục trồng mới 150 gốc chanh.
Mục tiêu chủ yếu của chương trình xây dựng nông thôn mới chính là việc nâng cao đời sống bà con thông qua việc phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững. Thực tế cho thấy, người dân Đức Lạng đang có hướng phát triển kinh tế bền vững dựa trên lợi thế đặc thù của địa phương.
Thế Công
theo baohatinh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã