Trong căn phòng làm việc của Chủ tịch huyện Nguyễn Văn Chung hồi ấy, thiết bị “chống nóng” chỉ có mỗi chiếc quạt tai voi. Ông Chung khoe: “Chiếc quạt này nom nó nhỏ rứa nhưng chạy tốt đáo để. Đứa con gái đi học ở bên Nga gửi nhờ qua bạn bè đưa về tặng cha. Tối ni, cậu ngủ ở phòng khách, mình sẽ nhường cho cậu chiếc quạt này. Nhà ở gần, có quạt, mình sẽ về nhà ngủ...”.
Sau bữa cơm chiều, ông Chung còn gọi ngay cậu cán bộ văn phòng và căn dặn nhớ đi ra giếng múc 2 xô nước đầy để ưu tiên cho khách tắm rửa và giặt giũ. “Anh thông cảm cho. Hương Khê năm ni hạn quá trời. Giếng bọn em đào sâu thế mà nước có hôm chỉ đủ cho tập đoàn vo gạo” - cậu cán bộ văn phòng nói.
Nghĩ lại, bây giờ tôi càng thấy thương ông Chung. Thời ấy, cũng như bao gia đình khác ở xứ sở Hương Khê này, khi mùa hè tới, cách gia đình ông Chung “đuổi nóng” thông dụng nhất là phe phẩy quạt mo, quạt kè - vật chống nóng cổ truyền của người dân Xứ Nghệ.
Hồ Bình Sơn - "Lá phổi" của thị trấn Hương Khê |
Tôi trở lại thị trấn Hương Khê mùa hè năm 2013, thấy người xưa cảnh cũ đã đổi thay nhiều. Phòng làm việc của chủ tịch, bí thư huyện ủy mới và cả phòng nghỉ cho khách nữa đã có máy điều hòa nhiệt độ, nhưng nỗi lo thường trực về nắng nóng lại tăng bội phần.
Dạo quanh hồ Bình Sơn - “công viên” thị trấn, vẫn thấy những búp bàng xanh đang phô lộc biếc, hàng phượng cháy hết mình. Ngày và đêm ở “công viên” này là nơi tình tự của tuổi trẻ. Khi mọi người đi hóng mát càng đông thì dịch vụ ăn theo càng phát triển. Đủ các dịch vụ giải khát: nào dừa nước, kem que, nào nước chè thanh nhiệt, kẹo, bánh, xoài, cam... Một số người bán hàng rong còn sắm những chiếc võng dù cột vào thân cây để mời khách ngồi… Giữa mùa nóng ở Hương Khê có tuần lên đến 40-41oC thì đây là nơi “nghỉ dưỡng” cho mọi lứa tuổi.
Nhẩn nha đi dạo quanh hồ, tôi gặp một cặp vợ chồng quê ở Phú Gia đang ngồi bên chiếc ghế đá hóng mát. Người đàn ông tên là Tấn cho biết vợ anh bị viêm phổi cấp đưa vào Bệnh viện Hương Khê điều trị trong đợt nắng nóng này. Sau một tuần lễ đã bình phục, vài ngày nữa sẽ xuất viện. Anh Tấn bảo: “Vợ tôi từ nhỏ đến lớn chưa biết ho là gì, vậy mà đợt nắng nóng khủng khiếp này, buổi chiều đi làm về, tắm nước giếng xong rồi lăn ra ngủ. Nửa đêm kêu cả nhà dậy vì tức ngực, khó thở. May mà đi viện kịp thời, mới biết căn nguyên nóng nực mồ hôi ra nhiều, nhiệt độ lại cao mà chủ quan dầm nước lạnh nên bị biến chứng”.
Tôi hỏi Tấn: “Bệnh viện Hương Khê mùa nắng này có đông bệnh nhân không?”. Anh nói: “Thường ngày đã nhiều, bây giờ lại nhiều hơn, nhất là trẻ em bị viêm phổi cấp. Đến viện mùa nắng gắt như năm ni cực không tả nổi, nhất là khoản nước sinh hoạt. Phòng bệnh nhân có quạt nhưng vẫn nóng như chảo rang, cực nhất là có lúc bệnh nhân đột xuất tới phải bố trí tạm nằm chung giường”.
Qua một vài thông tin mà Tấn cung cấp, tôi cũng phần nào hiểu được nỗi cơ cực của người bệnh trong thời điểm Hương Khê nóng đang lên đỉnh điểm. Những lúc gió lào ràn rạt như lửa táp thế này thì đội ngũ thầy thuốc cũng lả đi chứ nói gì tới bệnh nhân.
Rời khỏi hồ “công viên” ở Hương Khê, tôi và người bạn tên Đạo cùng vào vãn chợ chiều. Thú thật, mệt nhiều hơn vui, bởi bước vào chợ nắng càng réo rắt bao nhiêu thì mùi nước thải, mùi cá, tôm, ruốc mắm… càng bốc lên bấy nhiêu. Đứng bên quầy thịt lợn chừng mươi phút, tôi thấy một người phụ nữ gầy mảnh, vai đeo túi xách nói: “Chú Hoàng để cho chị 5 lạng thịt nạc, vài hôm nữa lấy tiền nhé”.
Người đàn ông tên Hoàng lặng lẽ cắt đúng trọng lượng thịt bỏ vào túi ni lông đưa cho khách. Tôi hỏi anh Hoàng: “Anh bán thế có nhiều người ký nợ không?”. Hoàng phân trần: “Bác hỏi, em cũng nói thật, khách trong xóm đều nợ cả. Nông dân họ mua chịu nhưng trả rất sòng phẳng. Hiềm nỗi, mấy tuần ni nắng quá, họ thích ăn canh rau muống, mùng tơi và hến hoặc tép nhỏ nấu với bầu, bí hơn. Mùa rét, có ngày em làm 2 con lợn, bán hết vèo; mấy tuần ni nóng quá, làm 1 con cũng khó bán”.
Giữa mùa gió nóng dạo chợ, khi đến góc chợ bán rau và hoa quả, tôi rất thiện cảm với những nông dân tự sản xuất và tự tiêu thụ. Đa số rau quả đều thuộc diện rau sạch, từ bó rau muống đến quả mướp, quả bí trên giàn. Nhiều nhất ở chợ thị trấn vẫn là mít.
Xứ sở Hương Khê nắng càng to, mít càng chín rộ. Một quả mít mật hay mít dai chỉ 15-20 ngàn đồng, 3-4 người ăn thỏa thuê. Một cụ bà đã gần tuổi 70, quảy đôi rổ đựng 2 quả mít từ dưới quê lên đon đả mời chúng tôi. Phần vì khoái ăn loại quả này từ nhỏ, phần vì nể nên tôi mua ngay quả mít to và “bồi dưỡng” thêm vài chục ngàn cho bà cụ. Nói mãi, cụ mới đồng ý và không ngớt lời cảm ơn.
Lân la hỏi chuyện, cụ bảo: “Gia đình tui ở xóm 5, xã Hương Đô, năm 2010 thì lụt lút ngập làng, trôi cả trâu bò, năm 2013 lại hạn nặng, không ít gia đình giếng đã cạn hẳn, phải sang hàng xóm xin nước về dùng. Gia đình tôi làm 5 sào ruộng, với 3 sào đậu xanh nhưng một nửa đã cạn nước, diện tích đậu chết gần hết!”.
Tôi gặp ông Lê Trần Sáng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, hỏi về phương án phòng lũ của 2 xã vùng rốn lũ Hòa Hải và Phương Mỹ. Ông Sáng bảo: “Bây giờ, 2 xã ấy lại đang gặp hạn. Hòa Hải có những cánh rừng cọ nắng khô cả lá. Năm nay, 2 xã này đều được mùa lúa, nhưng do thời tiết hanh khô kéo dài nên năng suất đậu, lạc giảm nhiều, kể cả cây ăn quả. Phương Mỹ có tới 13 ha trồng bưởi Phúc Trạch nhưng gặp phải nắng gắt nên nhiều cây bưởi quả khắt lại. Mùa bưởi năm nay, cả Hương Khê chắc hẳn thất thu hơn mọi năm”.
Ông Sáng cũng phân tích rõ những diễn biến bất thường về thời tiết trong mấy tuần qua, nếu ít ngày nữa trời không mưa thì hàng trăm ha lúa cấy xuống sẽ gặp hạn nặng. Dẫu một số nơi có nước sông Tiêm về nhưng làm sao cứu nổi khi các công trình thủy lợi của Hương Khê vẫn còn manh mún, chắp vá.
Tôi tìm đến Hạt Kiểm lâm Hương Khê để nắm tình hình công tác PCCCR. Hầu hết cán bộ, nhân viên kiểm lâm đi xuống địa bàn, chỉ còn lại vài cán bộ văn phòng. Công sở của Hạt Kiểm lâm cũng dày đặc cây xanh, vậy mà, tôi đứng trước hành lang chưa đầy 5 phút đã thấy hơi nắng phả vào mặt ran rát. Tiếng ve sầu từ trên ngọn cây xà cừ kêu râm ran làm những khóm chuối lá đã khô rúm lại càng quắt queo hơn. Một số phiến gỗ tạp mà Hạt tịch thu của lâm tặc xếp ở giữa sân, do nóng quá đã phô ra những đường nứt ngang, nứt dọc. Chờ đến tối mịt, tôi mới gặp được Hạt trưởng Nguyễn Sĩ Lương. Bộ sắc phục màu xanh của anh đã nhầu nhĩ bụi đất, khuôn mặt Lương vẫn chưa hết đỏ rận vì 1 ngày leo núi vất vả.
Lương cho biết: “Hương Khê có hơn 100.613 ha rừng, ngoài diện tích rừng tự nhiên thì số lượng rừng thông dễ cháy lớn nhất tỉnh. Bây giờ lại mọc thêm nhiều cánh rừng cao su nữa… Công việc không cho phép anh em lơ là, chủ quan... Bởi vậy, huyện đã quán triệt sâu sắc “4 tại chỗ”, trong đó, lực lượng tại chỗ là quan trọng nhất. Xây dựng mạng lưới các điểm trực cháy trên các vùng rừng trồng tập trung, đây là biện pháp căn bản nhất để phát hiện kịp thời và có lực lượng tại chỗ dập tắt đám cháy khi mới xảy ra”. Cán bộ kiểm lâm đỡ “đơn thương độc mã” hơn nhờ ý thức bảo vệ rừng trong dân đang được nâng cao, các mâu thuẫn về giao đất, giao rừng đã được tháo gỡ...
Đêm. Trời Hương Khê chi chít sao. Gió lào vẫn hầm hập thổi. Chắc ngày mai trời lại tiếp tục nắng to. Tôi nhìn vào những cánh rừng thâm u, xa thẳm đang chìm đi trong tĩnh lặng, cầu mong không có ngọn khói độc vụt lên trong mùa nóng.
Tháng 5-2013
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã