Chi hội Phụ nữ thôn 9, xã Hòa Hải nhận khoán trồng cây keo để gây quỹ hội.
Do cuộc sống của đa số hội viên Hội LHPN huyện Hương Khê vẫn còn khó khăn nên việc huy động quỹ hội bằng tiền mặt định kỳ có thể sẽ trở thành gánh nặng cho chị em. Chị Hồ Thị Tình - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Tân Thành, xã Hòa Hải chia sẻ: “Là xã biên giới, vai trò của hội phụ nữ là rất quan trọng, đặc biệt trong việc tạo sinh kế và tuyên truyền chị em tránh xa các tệ nạn, tránh bị kẻ xấu lợi dụng, bảo vệ biên cương.
Tuy nhiên, đời sống chị em hội viên hiện vẫn còn nhiều khó khăn nên để hoạt động hội hiệu quả, hằng năm, chúng tôi đều nghĩ đến và thực hiện những giải pháp xây dựng quỹ hội bằng nhiều cách khác nhau thay vì thu tiền mặt”.
Chỉ trong 2 ngày, 70 hội viên chi hội 9 đã trồng 13.600 cây keo, thu về gần 10 triệu đồng.
Như đợt này, đang vào mùa trồng rừng, chi hội nhận trồng cho người dân trên địa bàn xã và huy động chị em đóng góp ngày công. Kết quả chỉ sau 2 ngày, Chi hội Phụ nữ thôn Tân Thành thu về gần 10 triệu đồng. Số tiền này có thể không lớn nhưng với một chi hội miền núi, sẽ đủ để trang trải kinh phí hoạt động hội trong thời gian tương đối dài.
Thậm chí, những khoản dôi dư, chi hội để dành cho những hội viên khó khăn vay vốn không lãi để phát triển kinh tế. Hằng năm, mỗi hội viên khó khăn sẽ được vay 1 triệu đồng để mua gà giống, lợn giống chăn nuôi.
Chị em Chi hội Phụ nữ thôn 9, xã Hương Đô nhận hơn 1 sào đất sản xuất để gây quỹ hội.
Cũng có cách gây quỹ khá sáng tạo, chị em thôn 9, xã Hương Đô nhận khoán hơn 1 sào đất dự phòng của thôn để sản xuất. Đến mùa, chị em cùng nhau làm đất, xuống giống và chăm sóc cây màu để gây quỹ. Mỗi năm đều đặn 2 vụ lạc và đậu xanh, thu về trung bình 5 triệu đồng.
Bên cạnh đó, chị em cũng nhận công chăm sóc cây, cuốc cỏ từ các trang trại trên địa bàn để tạo quỹ... Với số lượng hội viên đông, việc sản xuất không quá vất vả mà thậm chí còn tạo điều kiện để chị em gặp nhau, trò chuyện, tăng thêm tình đoàn kết.
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hương Đô Nguyễn Thị Phương cho hay, xã có 8 thôn thì 7 thôn nhận đất sản xuất để gây quỹ hội. Với các hoạt động gây quỹ, trung bình mỗi chi hội có từ 5-10 triệu đồng/năm. Số tiền quỹ này chủ yếu được các chi hội tự cân đối để hoạt động. Phần lớn, các chi hội tích góp, tiết kiệm để hỗ trợ các hội viên khó khăn. Nhờ đó, có những hội viên nhờ khoản vay dù ít nhưng nhiều nghĩa tình đó mà có động lực vươn lên thoát nghèo.
Đóng góp ngày công trồng rừng là cách nhiều chi hội phụ nữ ở Hương Khê gây quỹ hội.
Mượn đất sản xuất, đóng góp ngày công trồng rừng, bóc vỏ keo, dọn kênh mương, cuốc cỏ… để gây quỹ hội là những cách làm sáng tạo đang được các chi hội phụ nữ ở Hương Khê thực hiện. Hình thức gây quỹ giúp chị em không phải lo lắng về các khoản phí khi tham gia sinh hoạt hội; đồng thời xây dựng được tinh thần gắn bó, đoàn kết của chị em.
Do không được cấp kinh phí từ ngân sách địa phương để tổ chức các hoạt động, nhiều chi hội ngoài việc tự đóng góp tiền thì có nhiều cách gây quỹ sáng tạo. Có nguồn quỹ giúp các chi hội chủ động hơn trong tổ chức các hoạt động như: giúp hội viên vay không lấy lãi, hỗ trợ không hoàn lại; tặng quà trẻ em nghèo, phụ nữ hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách; tổ chức giao lưu, tham quan, học tập kinh nghiệm…
Phó Chủ tịch Hội LHPN Hương Khê Nguyễn Thị Huế
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã