Đền Gôi Vị (còn được gọi là đền Bà Tiết Nghĩa) thuộc tổng An Ấp, huyện Hương Sơn (nay là xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), được lập từ năm Đinh Dậu (1717), niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 13, đời vua Lê Dụ Tông. Ngôi đền thờ 4 vị phúc thần dòng họ Đinh Nho và là nơi lưu giữ một số hiện vật độc đáo.
Bốn vị phúc thần dòng họ Đinh Nho được thờ tại đây gồm: Tiến sĩ Đinh Nho Công, Tiến sĩ Đinh Nho Hoàn, Tổng binh hương nghĩa hầu Đinh Nho Côn và bà tiết phụ Phan Thị Viên - vợ thứ của Tiến sĩ Đinh Nho Hoàn.
Tiến sĩ Đinh Nho Công (1637-1695), đỗ Đệ tam Giáp đồng tiến sĩ năm Canh Tuất (1670), niên hiệu Cảnh Trị thứ 8, đời vua Lê Huyền Tông. Ông từng giữ chức Tham chính xứ Sơn Nam, sau về kinh giữ chức Thiêm đô ngự sử. Khi qua đời được nhà vua phong “Anh nghị Đại Vương”, dưới triều Nguyễn được gia tặng "Đoan túc dực bảo trung hưng phúc thần”.
Tiến sĩ Đinh Nho Hoàn (1671-1715), tự Tồn Phác, hiệu Mặc Trai, ông đậu Đệ nhị Giáp tiến sĩ năm Canh Thìn (1700), niên hiệu Chính Hòa thứ 21, đời vua Hy Tông. Ông làm đến các chức vụ Hậu bổ hàn lâm viện, Tham chính xứ Sơn Tây, Đốc trấn phủ Cao Bình (Cao Bằng), Hữu thị lang Bộ công, Thượng bảo tự khanh. Năm Ất Mùi, Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715), ông được cử làm Phó sứ sang triều cống nhà Thanh (Trung Quốc), trên đường đi bị trọng bệnh mất, được truy tặng Lại bộ Tả Thị lang (hàm Chánh tam phẩm), được tấn phong “Đắc Đạt Đại Vương”.
Bên trong đền Gôi Vị
Tổng binh hương nghĩa hầu Đinh Nho Côn (?-?) làm tri huyện phủ La Sơn, quản quân đốc lĩnh ở Đông Thành, Lương Sơn. Sau khi mất được nhà vua truy phong “Đoan túc dực Bảo Trung hưng Phúc Thần”.
Bà Phan Thị Viên (?-1716) là vợ thứ của Đinh Nho Hoàn. Bà là con quan Thủ bộ họ Phan, làng Do Lễ, huyện Hưng Nguyên, về nhà chồng năm 18 tuổi. Là người tri kỉ của Đinh Nho Hoàn, năm Đinh Nho Hoàn đi sứ và lâm bệnh mất, bà đã dùng chiếc khăn lụa do chồng tặng trước lúc lên đường đề tuẫn tiết. Vua Lê rất cảm phục trước sự thủy chung son sắt của bà nên đã phong Phúc Thần và cho lập đền thờ bà, ban bảng vàng khắc chữ “Tiết phụ môn” treo ở Đền Gôi Vị.
Đền Gôi Vị đã có gần 300 năm tuổi, tại đền còn lưu giữ những hiện vật độc đáo như: Khánh đá Mặc Trai, bia đá, voi đá, bức biển Tiết phụ môn.
Đến nay, trên địa bàn Hà Tĩnh đã có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 78 di tích quốc gia và 529 di tích cấp tỉnh.
Nguyễn Thị Ái Vân
http://baohatinh.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã