Lực lượng dịch vụ điện nông thôn từ lâu được ví như “cánh tay nối dài của ngành điện”.
Lực lượng dịch vụ điện nông thôn được ví như “cánh tay nối dài của ngành điện”, góp phần lan tỏa văn hóa EVN trong cộng đồng. Họ được ngành điện hợp đồng làm việc với các nhiệm vụ chính như: ghi chỉ số công tơ, thu tiền điện…
Sau khi HTX Điện Sơn Mỹ (cũ) bàn giao lưới cho Điện lực Hương Sơn, ông Hồ Nguyên được hợp đồng làm dịch vụ điện nông thôn. Dù ông tuổi đã cao (62 tuổi), song niềm đam mê, trách nhiệm với công việc vẫn luôn thường trực. Mỗi khi có sự cố điện xảy ra trên địa bàn hay khi ngành điện có phương án làm việc trên lưới, ông đều chủ động phối hợp.
Ông Hồ Nguyên (phải) tham gia cùng Điện lực Hương Sơn thay mới đường dây tại xã Tân Mỹ Hà.
Ông Nguyên cho hay: “Trước đây, khi làm việc ở hợp tác xã, bản thân còn hạn chế về năng lực, kỹ năng chăm sóc khách hàng. Những năm qua, được ngành điện bồi huấn, tôi đã hoàn thiện thêm nhiều. Được “cầm tay chỉ việc”, tôi đã thành thạo ứng dụng công nghệ vào ghi chỉ số công tơ, thu tiền điện. Từ đó, giúp tôi sớm hoàn thành công việc được giao mỗi tháng”.
Ông Cao Hồng Sơn (thôn Hồng Mỹ - xã Tân Mỹ Hà) hài lòng: “Chúng tôi ghi nhận sự tâm huyết của bác Nguyên cũng như anh em dịch vụ điện nông thôn trên địa bàn. Mỗi khi có sự cố về điện, mất điện đột ngột thì dù ngày hay đêm, nắng hay mưa các anh luôn có mặt kịp thời để xử lý”.
Thực tế, không chỉ ông Nguyên mà tinh thần, trách nhiệm của lực lượng dịch vụ điện nông thôn của Điện lực Hương Sơn đều được khách hàng ghi nhận. Và Điện lực Hương Sơn cũng là đơn vị đầu tiên của Công ty Điện lực Hà Tĩnh bồi huấn nghiệp vụ cho lực lượng này.
Điện lực Hương Sơn tập huấn văn hóa doanh nghiệp cho đội ngũ dịch vụ điện nông thôn.
Ông Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc Điện lực Hương Sơn thông tin: “Đơn vị đang hợp đồng 76 người làm dịch vụ điện nông thôn. Họ tiếp xúc với khách hàng mỗi ngày nên việc bồi huấn văn hóa doanh nghiệp cho đội ngũ này hết sức cần thiết. Chỉ khi họ nắm vững quy tắc ứng xử, giao tiếp tốt với khách hàng mới góp phần nâng cao uy tín của ngành điện. Xuất phát từ cơ sở đó, chúng tôi đã tập trung đào tạo nâng cao năng lực, ứng dụng phần mềm hiện đại vào xử lý công việc cho dịch vụ điện nông thôn. Ngoài ra, những người làm dịch vụ điện nông thôn còn được quán triệt các quy định liên quan đến công tác chăm sóc khách hàng”.
Cũng theo ông Dũng, ứng dụng công nghệ thông tin vào ghi chỉ số công tơ, thu tiền điện là nội dung quan trọng trong chương trình bồi huấn dịch vụ điện nông thôn. Trên tinh thần “vướng ở đâu, gỡ ở đó”, đội ngũ lãnh đạo cốt cán của Điện lực Hương Sơn đã thành công trong việc “cầm tay chỉ việc”. Kết quả là hiện nay, lực lượng này đã ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin vào công việc, giúp nâng cao năng suất, tăng độ chính xác trong đo đếm điện năng...
Ông Từ Mạnh Hùng - Dịch vụ điện nông thôn TT Phố Châu (áo xanh) ứng dụng công nghệ thông tin trong thu tiền điện. Ảnh tư liệu
Ông Từ Mạnh Hùng (dịch vụ điện nông thôn ở thị trấn Phố châu) chia sẻ: “Với tinh thần cầu thị, trước mỗi thắc mắc của khách hàng về dịch vụ điện, mình phải lắng nghe. Những thông tin nắm vững thì trao đổi, giải thích cho khách hàng; còn nếu chưa thể giải đáp ngay thì mình tìm hiểu hoặc trao đổi lại với cán bộ, công nhân điện lực để họ có phương án xử lý”.
Suy nghĩ của ông Hùng cũng là suy nghĩ của nhiều dịch vụ điện nông thôn ở Hương Sơn. Do vậy mà độ hài lòng của khách hàng không ngừng được nâng cao, không có đơn thư vượt cấp. Nhờ sự đóng góp của lực lượng này mà với khối lượng khách hàng tương đối lớn (trên 38.000 khách hàng) trải dài trên địa bàn 25 xã, thị trấn song tỷ lệ thu nộp tiền điện của Điện lực Hương Sơn luôn đạt 100%. Lực lượng này góp phần quan trọng để 2 năm liên tục (2019 – 2020), Điện lực Hương Sơn giữ ngôi vị “quán quân” văn hóa doanh nghiệp của Công ty Điện lực Hà Tĩnh.
Lực lượng dịch vụ điện nông thôn góp phần đưa Điện lực Hương Sơn giành ngôi vị “quán quân” văn hóa doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc Điện lực Hương Sơn thông tin thêm: “Để nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của Nhân dân, đơn vị sẽ tiếp tục bồi huấn nghiệp vụ cho dịch vụ điện nông thôn.
Theo đó, nội dung bồi huấn đi sâu vào phân tích các tình huống cụ thể để các dịch vụ viên cùng đưa ra ý kiến thảo luận, trao đổi, từ đó vận dụng hiệu quả vào công việc, góp phần nâng cao độ hài lòng của khách hàng và làm dày thêm uy tín, thương hiệu EVN trong cộng đồng”.
Thảo Hiền/https://baohatinh.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã