Nông dân được vay vốn, bày cách làm ăn
Là một huyện còn nhiều khó khăn, để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, toàn thể cán bộ viên chức và người lao động Ngân hàng CSXH huyện Hương Sơn đã phải nỗ lực rất lớn trong suốt thời gian qua. Bởi địa hình huyện Hương Sơn hết sức phức tạp, đường sá đi lại khó khăn, số lượng khách hàng nhiều. Đa số người dân ở các xã miền núi sát biên giới với Lào, trình độ kiến thức còn hạn chế lại phân tán, trải rộng qua nhiều đồi núi vì vậy mà công tác quản lý và chuyển tải vốn vay ưu đãi gặp rất nhiều khó khăn.
Khi sương mờ còn giăng giăng trên đỉnh núi cao, tiếng gà chưa báo sáng, những cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Hương Sơn đã đánh thức nhau dậy sớm, chuẩn bị các đồ đạc cần thiết phục vụ buổi giao dịch cùng bà con như máy tính xách tay, máy in, máy phát điện, máy đếm tiền, thùng tôn… để đi giao dịch với bà con.
Ngân hàng CSXH huyện Hương: đang quản lý hơn 500 tỷ đồng, với 357 Tổ Tiết kiệm và vay vốn và gần 10.949 hộ vay còn dư nợ.
7 giờ sáng, các cán bộ trong Tổ giao dịch lưu động của Ngân hàng CSXH đã lên chiếc xe đặc chủng của Ngân hàng CSXH dành cho các huyện vùng cao để đi giao dịch, buổi giao dịch hôm nay được thực hiện tại xã Tân Mỹ Hà - là xã vừa mới sáp nhập theo chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Hương Sơn. Quãng đường từ trung tâm huyện đến xã Tân Mỹ Hà phải đi hơn 25km, vì vậy, thời gian di chuyển trên đường lâu hơn thông thường so với đi giao dịch các xã có điều kiện thuận lợi về giao thông và các cán bộ Ngân hàng CSXH huyện phải đi sớm để kịp lịch giao dịch với bà con.Đúng 8 giờ sáng, Tổ giao dịch lưu động của Ngân hàng CSXH huyện Hương Sơn đã có mặt tại UBND xã Tân Mỹ Hà. Tại hội trường của xã đã có khá đông người dân đến để thực hiện giao dịch với Ngân hàng CSXH. Khi thấy những cán bộ Ngân hàng CSXH tới điểm giao dịch, mọi người ai cũng vui tươi, chào hỏi thể hiện sự chân tình, gần gũi.
Ông Phạm Đình Sang - Tổ trưởng Tổ TKVV thôn Hồng Hà, xã Tân Mỹ Hà cho biết: "Chúng tôi xem những cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Hương Sơn như người thân trong gia đình. Các anh chị đã giúp chúng tôi có vốn vay ưu đãi, bày cho cách làm ăn. Bà con dân bản ai cũng quý cán bộ Ngân hàng CSXH".
Khi buổi giao dịch diễn ra, bà con ai cũng trật tự, nghiêm túc, theo thứ tự các Tổ trưởng TKVV, rồi đến từng hộ dân lần lượt thực hiện các giao dịch với cán bộ Ngân hàng CSXH.
Các công việc chính được thực hiện trong buổi giao dịch ngày hôm nay tại xã Tân Mỹ Hà gồm: Thu lãi, nhận tiền gửi tiết kiệm của người nghèo thông qua các tổ TKVV; thu nợ của các hộ đến hạn; giải ngân chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho những hộ vay mới; tổ chức họp giao ban với Ban giảm nghèo xã, đại diện các hội, đoàn thể nhận ủy thác và các Tổ TKVV để triển khai các chủ trương, chính sách mới.
12 giờ 30 phút, trong thời tiết nóng bức của cái nắng tháng 4, những chiếc áo sọc kẻ màu hồng giờ đây đã thấm đẫm nhiều giọt mồ hôi, nhưng vì giúp bà con sớm tiếp cận với vốn vay ưu đãi đầu tư sản xuất, kinh doanh, cán cán bộ Ngân hàng CSXH vẫn miệt mài làm việc.
Đưa vốn đến tận tay nông dân nghèo
Có đến điểm giao dịch mới thấy được cái vất vả của các cán bộ Ngân hàng CSXH đang ngày đêm quản lý, chuyển tại vốn vay ưu đãi. Tuy khó khăn là vậy nhưng những cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Hương Sơn không một tiếng thở than hay phàn nàn, thay vào đó là tiếng cười vui vẻ mỗi khi có thêm một hộ dân thoát nghèo.
Chị Đào Thị Thái Bình - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Hương Sơn cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 25 điểm giao dịch tại các xã, thị trấn. Các điểm giao dịch đều được trang bị đầy đủ biển hiệu, bản chỉ dẫn, nội quy giao dịch; hòm thư góp ý, niêm yết, cập nhật kịp thời thông báo chính sách tín dụng, thông báo lãi suất cho vay… Tuy điều kiện các xã mỗi nơi một khác nhưng những cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Hương Sơn luôn nỗ lực, vượt khó mang đồng vốn của Chính phủ cho bà con vay, đáp ưng kịp thời nhu cầu đầu tư sản xuất kinh doanh…".
Ông Trần Kim Chi - Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ Hà cho hay: "Từ khi Ngân hàng CSXH huyện Hương Sơn triển khai giao dịch tại xã đã tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại của người nghèo. Sau khi giao dịch xong, cán bộ ngân hàng lại công khai kết quả, qua đó người dân sẽ biết được hộ nào được vay mới, theo chương trình gì; hộ nào đã trả hết nợ; số lãi mà mỗi hộ phải nộp tháng tới… Nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH với thủ tục đơn giản, thuận tiện đã giúp nhiều hộ nghèo trong xã thoát nghèo".
Theo Hương Giang/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã