Ấn tượng về một giờ ngoại khóa của các HS Trường THCS Kỳ Tân (Kỳ Anh) vẫn còn in đậm trong tôi bởi sự lôi cuốn và hấp dẫn. Đó là những làn điệu dân ca mang đậm hơi thở của quê hương được cất lên trong trẻo dưới bóng cây râm mát - nơi CLB những bạn nhỏ yêu thích dân ca đang sinh hoạt, là những tranh luận sôi nổi của các bạn ở những nhóm CLB yêu toán, yêu thơ...
Đâu đó ở những góc sân trường, từng nhóm bạn nhỏ lại túm tụm bên nhau rôm rả với các trò chơi dân gian. Những giờ sinh hoạt bổ ích ấy không chỉ giúp các em quên đi mệt mỏi sau những giờ học căng thẳng, mà còn có ý nghĩa đặc biệt trong việc phát triển nhân cách, bồi đắp cho tâm hồn trẻ thơ.
Học sinh Trường THCS Mỹ Châu (Lộc Hà) tham gia hội thi Nghi thức Đội và múa hát dân ca. Ảnh: Thúy Ngọc |
Không riêng gì ở Trường THCS Kỳ Tân mà không khí học tập, vui chơi lành mạnh trong một môi trường thân thiện đã hiện hữu tại 783 trường học trên địa bàn toàn tỉnh khi phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” đã thực sự phát huy hiệu quả.
Thầy Đặng Đôn Túy – Chuyên viên văn phòng Sở GD&ĐT cho biết: “Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Sở trong việc triển khai các chủ trương lớn của cấp trên, hầu hết các nhà trường, các địa phương đều có một quyết tâm cao độ trong việc triển khai, thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”. Phong trào đã có sự phát triển đều khắp và tạo được sự quan tâm của các ngành, các cấp, chính quyền địa phương. Sức mạnh tổng hợp đó đã được thể hiện bằng sự đầu tư về cơ sở vật chất (CSVC), khuôn viên trường học từ nguồn xã hội hóa, bằng sự nỗ lực của các thầy, cô giáo trong việc đổi mới phương pháp dạy học, sự hào hứng của các HS bởi mỗi ngày đến trường là một ngày vui...”.
Với phương châm dành mọi điều tốt đẹp nhất cho trẻ nên hầu hết chính quyền địa phương và các bậc phụ huynh HS đã không tiếc sức người, sức của để đầu tư CSVC, xây dựng khuôn viên trường học. Con số 530 tỷ đồng được huy động trong 5 năm từ nguồn xã hội hóa cho việc xây dựng CSVC đã phần nào minh chứng cho tấm lòng của người dân đối với sự học của thế hệ tương lai.
Cùng với sự chăm lo của các bậc cha mẹ, việc thực hiện 3 đủ (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở) tại các trường học, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được các nhà trường phối hợp thực hiện tốt. Thông qua hoạt động nắm bắt hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của từng HS, hoạt động gây quỹ của hội khuyến học, quỹ bạn nghèo, tấm lòng vàng, quyên góp xây dựng tủ sách dùng chung hay kêu gọi sự hỗ trợ của những tấm lòng nhân ái... đã trở thành động lực tiếp sức cho hàng ngàn HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn viết tiếp ước mơ được đến trường.
Giờ tập viết của học sinh lớp 1 - Trường TH Võ Liêm Sơn (Thiên Lộc - Can lộc). Ảnh: Tiến Dũng |
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, trong năm học vừa qua, toàn tỉnh có 722 HS/tổng số gần 231.889 HS bỏ học vì các lý do, nhưng không có HS bỏ học vì thiếu ăn, thiếu mặc hay thiếu sách vở. Hoạt động tạo môi trường thân thiện, lành mạnh còn được thể hiện qua những nỗ lực vượt bậc của các thầy, cô giáo trong việc đổi mới công tác quản lý, dạy học và phương pháp đánh giá kết quả học tập của HS. Cùng với số lượng giáo viên đạt chuẩn, giáo viên giỏi ngày càng tăng, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào những giờ học đã thực sự có sức lôi cuốn, hấp dẫn và mang lại những hiệu quả thiết thực.
Em Phan Thị Bích Ngọc - HS Trường THCS Hoàng Xuân Hãn (Đức Thọ) cho biết: “Em rất thích giờ học Địa lý. Bởi ngoài kiến thức được cô giáo bộ môn cung cấp thì những hình ảnh minh họa sinh động, hấp dẫn từ chiếc máy chiếu đã giúp chúng em tránh sự nhàm chán trong môn học vốn được xem là khô khan này. Cũng nhờ thế mà em cảm thấy việc tiếp thu kiến thức bài giảng nhanh hơn, nhớ lâu hơn và thêm yêu quê hương, đất nước qua từng hình ảnh”.
Song song với việc bồi dưỡng kiến thức trong từng bài giảng, các nhà trường còn đặc biệt chú trọng việc rèn luyện kỹ năng sống, bồi dưỡng nhân cách cho các em thông qua việc lồng ghép vào một số môn học theo hướng dẫn của Bộ; hàng trăm CLB Toán học, Văn học, CLB Tiếng Anh, hát dân ca, khiêu vũ, bơi lội, karatedo... trong các nhà trường nhằm rèn luyện cho HS ý thức bảo vệ sức khỏe, phòng chống tai nạn, thương tích...
Cùng với các hoạt động tập thể vui tươi, lành mạnh, việc tổ chức cho HS tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên quê hương, các công trình nghĩa trang liệt sỹ, đền thờ hay việc chăm sóc, hỗ trợ bà mẹ Việt Nam anh hùng... cũng đã trở thành mạch nguồn phù sa bồi đắp cho các em lòng yêu thương, niềm tự hào về truyền thống và tình yêu quê hương, đất nước.
Có thể nói, sức lan tỏa của phong trào cùng những nỗ lực vượt bậc của ngành Giáo dục, sự chung tay của các cấp chính quyền địa phương đã trở thành những yếu tố làm thay đổi diện mạo của các trường học trên địa bàn toàn tỉnh. Trường học thân thiện, HS chuyên cần, tích cực, mạnh dạn, tự tin hơn trong các hoạt động tập thể, sinh hoạt giao tiếp và thể hiện các năng khiếu cá nhân đã góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường.
ANH THƯ
theo baohatinh
.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã