Dân thi nhau hiến đất mở đường
Được thành lập năm 1986, trên cơ sở sát nhập 4 thôn nghèo nhất của 3 xã Kỳ Tân, Kỳ Lâm và Kỳ Tây huyện Kỳ Anh, xã Kỳ Hợp thuần túy chỉ là vùng đất trống đồi trọc, đường sá đi lại khó khăn, nhà cửa xóm làng heo hút bị vây bủa bởi đói nghèo lạc hậu, nên ít ai biết đến.
Thế nhưng, chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm, kể từ năm 2010, khi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kỳ Hợp bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, bộ mặt làng quê ở đây dường như hoàn toàn thay đổi.
Khởi đầu chỉ là một con số không tròn trĩnh, cho tới nay Kỳ Hợp đã có 7 tiêu chí NTM đạt được gồm: Quy hoạch, điện, trường học, bưu điện, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, giáo dục, y tế.
Đặc biệt, với tiêu chí y tế có được là một động lực lớn vô cùng quan trọng, góp phần xua đi nỗi ám ảnh từng đeo đẳng trong tâm trí của bao thế hệ người dân Kỳ Hợp. Quay lại thời kỳ mới thành lập xã, cơn đại dịch sốt rét chưa từng có trên xứ này đã càn quét khắp xóm, khắp làng như một cơn bão chết! Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, nó đã cướp đi sinh mệnh của hơn 20 người dân, làm cho xóm làng trở nên đìu hiu hoang lạnh và dường như cô lập với cuộc sống bên ngoài!.
Ông Phan Văn Duẩn, Bí thư Đảng bộ xã Kỳ Hợp cho biết: Để đạt được một tiêu chí NTM là cả một thách thức không hề đơn giản đối với Kỳ Hợp. Mỗi tiêu chí có được đều trở thành một bước ngoặt hết sức quan trọng, mang lại luồng sinh khí mới, làm thay đổi tư duy nhận thức cho từng cán bộ, nhân dân trước quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp.
Mô hình nuôi ong kết hợp với trồng rừng của ông thương binh Nguyễn Giang Nam.
Theo số liệu báo cáo của UBND xã: Cho tới nay, Kỳ Hợp đã huy động được trên 34 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nhiều công trình phục vụ dân sinh; cung ứng hóa được 19/58km đường giao thông nông thôn với tổng mức đầu tư 25,3 tỷ đồng; kiên cố hóa được gần 5km kênh mương thủy lợi nội đồng, và xây dựng được đập thủy lợi Ma Nến, đảm bảo tưới tiêu cho hầu hết diện tích canh tác của xã...
Làm được như vậy trước hết nhờ phát động được phong trào “hiến đất, hiến cây, hiến công trình” của người dân, được người dân đồng tình hưởng ứng một cách tích cực. Cụ thể có tới 183 hộ dân đã tự nguyện hiến 39.115m2 đất; 133 hộ dân đã hiến 5.211 cây trồng và 11.137 ngày công...
Đòn bẩy từ những mô hình kinh tế
Trong đường lối phát triển kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất năm 2014 của Kỳ Hợp đạt gần 50 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 19,2 triệu đồng, vượt 6,7% chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ; tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng cây con chủ lực và mô hình chăn nuôi trang trại phát huy hiệu quả.
Nổi bật lên trong phong trào xây dựng NTM ở Kỳ Hợp trước hết phải kể đến mô hình trồng rừng kết hợp nuôi ong lấy mật của ông Nguyễn Giang Nam (65 tuổi, ở thôn Tân Cầu).
Ông Nguyễn Giang Nam, cựu chiến binh, cán bộ xã về hưu, nhưng không an phận tuổi già, đã bắt tay vào làm kinh tế ngay trên vùng đất trống, đồi trọc bị bỏ hoang trước đây. Giai đoạn đầu năm 2000, ông đã mạnh dạn đầu tư trồng 7 ha cây gió trầm, bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu bên ngoài, khi nhiều người cho rằng đó là ý tưởng của những kẻ điên rồ!.
Năm 2010, phong trào xây dựng NTM bắt đầu được phát động chính là cơ hội để ông chứng tỏ mình, và ông đã tiếp tục mở rộng 14 ha diện tích gió trầm xen kẽ trồng cây keo. Riêng cây keo được xen với mục đích lấy ngắn nuôi dài, mỗi năm cho thu hoạch gần 300 triệu đồng đảm bảo sinh hoạt hằng ngày và chi trả tiền công cho người lao động.
Đối với cây gió trầm là sản phẩm đặc biệt, với số lượng hàng chục ngàn cây đang trong giai đoạn đi vào khai thác. Hiện tại đã có nhiều tổ chức, cá nhân đến từ khắp nơi đặt mua gió trầm với số tiền lên tới hàng tỷ đồng.
Ngoài việc phát triển cây gió trầm và cây keo lá tràm, ông Nam còn phối hợp với một tổ chức ở Nghệ An, tổ chức làm trang trại nuôi ong lấy mật, tạo thành một mô hình kinh tế mở hết sức lý tưởng, tạo việc làm cho hàng chục lao động và nâng cao thu nhập. Từ đó, có thể nhân rộng ra nhiều mô hình kinh tế điểm khác ở Kỳ Hợp.
Phát triển bền vững
Đi lên từ con số không, nên mỗi bước đi của Kỳ Hợp đều được Đảng bộ, chính quyền và người dân tính toán một cách hết sức thận trọng. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, mà rường cột chính là phong trào xây dựng NTM, Kỳ Hợp luôn quan tâm đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, trong đó XKLĐ đã trở thành phong trào điển hình, trung bình mỗi năm XKLĐ cho gần 50 lượt người...
Bên cạnh những chuyển biến tích cực về đời sống tinh thần nhân dân ngày càng được cải thiện, công tác chính trị, an ninh, quốc phòng, an toàn xã hội... được giữ vững và phát triển.
Để có được những thành quả trên, trước hết Đảng ủy, chính quyền xã Kỳ Hợp đã linh hoạt, sáng tạo kịp thời cụ thể hóa các chủ trương phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, tranh thủ được các dự án; huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và tầng lớp nhân dân. Đó chính là cốt lõi đảm bảo cho Kỳ Hợp bắt tay vào công cuộc xây dựng NTM một cách bền vững.
Theo Nguyễn Ngọc Vượng/baodansinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã