Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là một loại hình nghệ thuật độc đáo, tạo nên bản sắc văn hóa của người dân xứ Nghệ. Năm 2014, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngày nay, Dân ca Ví Giặm đang tiếp tục được bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Trong kho tàng di sản văn hóa của vùng đất núi Hồng sông Lam, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh chiếm một vị trí rất quan trọng. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dân ca Ví, Giặm đã tồn tại gắn bó với người dân xứ Nghệ như máu thịt, trở thành nét đẹp của đời sống tinh thần mang đậm đà bản sắc của một vùng quê. Với nhiều thể hát độc đáo mang đậm bản sắc như: Ví, Giặm, hò, hát ru, hát sắc bùa… có sức sống và sức lan tỏa mạnh mẽ, có những giá trị phổ biến trong cộng đồng, được thực hiện trong nhiều hoạt động của đời sống như trồng lúa, dệt vải, hát ru. Hàng trăm năm nay, các thế hệ người dân Kỳ Anh đã nối tiếp gìn giữ, trao truyền và phát huy những giá trị của các làn điệu dân ca trong đời sống. Để tiếp tục góp phần giữ gìn, phát huy giá trị của di sản này, vượt lên những khó khăn thách thức, việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn huyện Kỳ Anh luôn được coi trọng, đặc biệt là bảo tồn di sản dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh. Thời gian qua, huyện Kỳ Anh triển khai các hoạt động điều tra, nghiên cứu, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quý báu này, đồng thời có nhiều chính sách, biện pháp phù hợp nhằm vận động sự tham gia của nhiều tổ chức và nhân dân vào công tác này. Việc tuyên truyền, quảng bá, dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh tới cộng đồng các khu dân cư luôn được coi là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Hàng năm huyện Kỳ Anh đã tổ chức nhiều hoạt động để đưa di sản đến gần với đời sống cộng đồng, đã tổ chức nhiều liên hoan, hội thi hát dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh từ cơ sở, bên cạnh đó có kế hoạch thống kê, nghiên cứu và hệ thống hóa tư liệu, đặc biệt đối với dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh lời cổ, bảo tồn một cách khoa học, bền vững.
Trong những năm qua, ở khắp nơi trên địa bàn huyện Kỳ Anh từ các thôn, xóm đến các trường học đã có nhiều câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh ra đời. Những câu hò, điệu ví đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong các dịp liên hoan văn nghệ chào mừng những sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước… Các hội thi, hội diễn liên hoan văn hóa - văn nghệ đều đưa dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vào biểu diễn. Đồng thời, tổ chức liên hoan thu hút đông đảo những nghệ nhân có bề dày thành tích và gắn bó với dân ca tham gia. Qua các liên hoan dân ca Ví Giặm là dịp để những người yêu dân ca có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và học hỏi kinh nghiệm; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phong trào hát dân ca Nghệ Tĩnh ở các địa phương, hướng tới mục tiêu “Người người biết dân ca Ví, Giặm”. Hiện, các câu lạc bộ dân ca Ví Giặm ở huyện Kỳ Anh đã có nhiều đóng góp trong việc khôi phục, gìn giữ và phát huy giá trị của dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh. Trong đó, nhiều nghệ nhân dù tuổi đã cao sức yếu nhưng vẫn tham gia các câu lạc bộ, truyền dạy hát dân ca cho thế hệ trẻ hôm nay và tham gia biểu diễn các hoạt động văn hoá văn nghệ trên địa bàn dân cư. Đến nay, huyện Kỳ Anh đã thành lập được 42 câu lạc bộ Dân ca ví, Giặm, trong đó có 20 câu lạc bộ củ 20 xã và 22 câu lạc bộ ở các trường học trên địa bàn huyện. Hiện nay, các câu lạc bộ đang tiếp tục sưu tầm, khai thác, bảo tồn những câu hát giặm còn lưu lại trong dân gian. Nhiều câu lạc bộ đã đầu tư, sáng tác những tiết mục lời mới, thể hiện phong phú các thể loại đối đáp, hò, vè… với các hoạt cảnh, các điệu Ví, Giặm lời cổ phản ánh sự đa dạng của các thể loại dân ca trên mảnh đất Kỳ Anh. Khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng truyền dạy thế hệ những người thực hành di sản trẻ tuổi để sáng tạo, nối tiếp duy trì và phát triển dân ca Ví, giặm trong cuộc sống đương đại. Các câu lạc bộ dân ca thường xuyên tham gia hội diễn từ cơ sở đến cấp huyện, tỉnh, từ đó nhân rộng và phổ biến sâu rộng hát Ví, giặm trong đời sống nhân dân. Ví, giặm được thực hành phổ biến trong các cuộc vui, liên hoan văn nghệ, giao lưu giữa các nhóm cộng đồng. Ngoài ra Ví, giặm được tổ chức truyền dạy trong cộng đồng, trong trường học và quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nhạc sỹ sử dụng làm chất liệu sáng tác, trao truyền qua nhiều thế hệ. Nhiều câu lạc bộ dân ca hoạt động tích cực như: CLB xã Kỳ Đồng; Kỳ Tây; Kỳ Châu; Kỳ Lạc; Kỳ Thư; Lâm Hợp; Kỳ Tân; Kỳ Khang; Kỳ Thượng; Kỳ Xuân; Kỳ Giang, Kỳ Sơn… Tại các cuộc liên hoan các câu lạc bộ giới thiệu những trò diễn dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đa dạng về các không gian ở các địa phương, làm sống lại đời sống quá khứ và không gian diễn xướng của các loại hình nghệ thuật, giới thiệu các làn điệu mới. Trong dòng chảy văn hóa dân gian và nhịp thở cuộc sống hiện đại, dân ca Ví, Giặm là loại hình nghệ thuật có giá trị nhân văn sâu sắc, tính nghệ thuật độc đáo , phản ánh rõ nét tâm hồn, cốt cách con người xứ Nghệ. Qua những làn điệu dân ca, ví giặm không chỉ thể hiện niềm tự hào dân tộc mà còn ca ngời vẻ đẹp thiên nhiên của con người Kỳ Anh trong chặng đường xây dựng và phát triển. Những câu hát, những làn điệu dân ca Ví giặm vẫn vẹn nguyên các giá trị văn hóa tiêu biểu được mỗi người dân Kỳ Anh cất lên trong hoạt động đời sống lao động hàng ngày. Không chỉ đi vào đời sống cộng đồng trên quê hương mà Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ còn được bảo lưu, gìn giữ và phát huy, là nguồn cảm hứng, chất liệu để nhiều nhà thơ, nhạc sĩ sáng tác nên những áng thơ, ca khúc đậm chất trữ tình, làm say đắm lòng người. Điều đó khẳng định rằng dù môi trường và không gian diễn xướng thay đổi, nhưng với sức sống mãnh liệt được tạo dựng, bồi đắp qua thời gian, Dân ca Ví, Giặm vẫn luôn trường tồn và phát huy trong đời sống cộng đồng cư dân, làm cho đời sống tinh thần của người dân thêm phong phú, đa dạng. Vượt qua những thử thách thức và khó khăn, dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh có chỗ đứng vững chắc và được người dân lưu truyền trong dân gian, thực sự là di sản tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa người dân Kỳ Anh, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ./.
Theo Thuý Nga, Anh Đức/kyanh.hatinh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã