Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn khởi sắc
Thực hiện Nghị quyết, trong những năm qua ngành nông nghiệp đã từng bước phát triển theo hướng chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành đạt 8,17%/năm.Tính từ năm 2008 đến nay, tổng giá trị ngành tăng từ 375,3 tỷ đồng lên 761,1 tỷ đồng, giá trị sản phẩm trồng trọt tăng từ 38,9 triệu đồng/ha lên 48,4 triệu đồng/ha, giá trị sản phẩm thủy sản tăng từ 70,37 triệu/ha lên 150,33 triệu/ha. Cùng với nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ ở nông thôn có nhiều bước phát triển vượt bậc, công nghiệp phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực tập trung tại các cụm, điểm. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành đạt 18%/năm; tổng giá trị của ngành tăng từ 400 tỷ đồng năm 2008 lên 1.560 tỷ năm 2017..
Chương trình MTQG xây dựng NTM đã đạt được những kết quả hết sức đáng ghi nhận, phát huy được sự đồng thuận cao của nhân dân, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi. Với sự nỗ lực, cách làm sáng tạo đến nay toàn huyện đạt 179 tiêu chí, bình quân đạt 13,7 tiêu chí/xã; có 5 xã (Thạch Châu, Thạch Bằng, Ích Hậu, Hộ Độ, An Lộc) đạt chuẩn NTM; 3 xã Mai Phụ, Hồng Lộc và Tân Lộc phấn đấu đạt chuẩn năm 2018. Kết cấu hạ tầng nông thôn được củng cố, nâng cấp theo hướng hiện đại, đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh. Hệ thống thủy lợi từng bước được củng cố, hoàn thiện đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các công trình phục vụ sản xuất bảo vệ dân sinh. Hạ tầng giao thôn nông thôn cơ bản đã cứng hóa đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh với trên 288 km đường giao thôn nông thôn được làm mới và nâng cấp cải tạo 115 km. Hệ thống trường học được quy hoạch, sắp xếp lại hợp lý, cơ sở vật chất khang trang hơn, đảm bảo yêu cầu dạy và học. Cơ sở vật chất y tế, văn hoá, thể thao, mạng lưới thông tin truyền thông được tăng cường phát triển khá nhanh; chợ nông thôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp.
Công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển y tế, giáo dục, văn hóa xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn được quan tâm. Tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện đã giảm rõ rệt, năm 2017 còn 7,09%. Thu nhập bình quân đầu người/năm năm 2017 đạt 28 triệu đồng/ngừời/năm, tăng 18 triệu so với năm 2008. Ngành y tế đã có những chuyển biến tích cực trong công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân. Công tác phòng chống dịch bệnh luôn được chú trọng, không để dịch lớn xẩy ra. Huyện đã triển khai tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Trong 10 năm qua, toàn huyện có trên 350 giáo viên giỏi cấp huyện, trên 70 giáo viên giỏi cấp tỉnh; về học sinh có 60 học sinh giỏi cấp quốc gia, trên 280 học sinh giỏi tỉnh, 22.000 học sinh giỏi huyện. Đến nay toàn huyện có 76/92 thôn đạt thôn văn hóa, 18.807 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa (chiếm 83%). Sóng phát thanh và truyền hình tỉnh, huyện đã cơ bản phủ kín trên địa bàn nông thôn; mạng điện thoại, internet phủ sóng 100% số xã; tỷ lệ số hộ có tivi đạt 95,07% (tăng 10% so với năm 2008), 100% xã có hệ thống bưu điện văn hóa, có hệ thống truyền thanh cơ sở đảm bảo thông tin. Toàn huyện mở được 84 lớp dạy nghề, đào tạo cho 2.683 lao động nông thôn; giải quyết việc làm mới cho 9.235 người, trong đó xuất khẩu lao động 5.692 lượt người.
Kinh tế tập thể có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng, loại hình HTX và THT so với năm 2008. Toàn huyện có 85 HTX, 107 THT và 219 doanh nghiệp. Việc "liên kết 4 nhà" trong sản xuất nông nghiệp đã bước đầu được thực hiện có hiệu quả, đặc biệt là các doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm đầu ra thông qua hợp đồng kinh tế. Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM được tập trung thực hiện. Phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng phát triển rộng khắp. Nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới đã được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất góp phần tăng năng suất, sản lượng, thay đổi tập quán canh tác, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Nhiều mô hình HTX kinh tế ra đời (Ảnh: HTX nước mắm Ánh Hồng - Baohatinh)
Những tồn tại, hạn chế cần tiếp tục khắc phục
Những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết 26 và 08 là hết sức khả quan, nhưng khó khăn, tồn tại, hạn chế còn gặp phải đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng NTM của huyện nhà còn rất lớn và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa đồng đều giữa các vùng đang đặt ra không ít khó khăn, thách thức. Về phát triển nông nghiệp, việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đôi lúc còn thiếu tập trung, hiệu quả thấp; chưa có các sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh cao. Các mô hình phát triển sản xuất chủ yếu vừa và nhỏ, lợi nhuận trong lĩnh vực nông nghiệp thấp, rủi ro còn cao, tình trạng người dân bỏ ruộng ngày càng tăng. Ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học công nghệ còn chậm; việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, liên kết với doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu. Các HTX quy mô nhỏ, năng lực quản lý còn yếu kém, chưa thể hiện được vai trò đỡ đầu cho nông hộ. Việc nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị đạt tỷ lệ thấp. Chưa phát huy được lợi thế từ biển, rừng và đất lâm nghiệp; sản xuất muối mặc dù là nghề truyền thống nhưng có chiều hướng mai một…
Đời sống của người nông dân nhìn chung vẫn còn ở mức thấp, thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp thuần túy, giá trị gia tăng thấp. Một bộ phận nông dân trình độ, nhận thức còn hạn chế, còn mang nặng tư duy sản xuất nhỏ, trông chờ, ỷ lại, chậm thích nghi với cơ chế mới; lúng túng, bị động và chịu nhiều rủi ro trước tác động của mặt trái cơ chế thị trường. Chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm còn nhiều bất cập, đào tạo chưa gắn chặt với giải quyết việc làm và nhu cầu thị trường, chất lượng lao động qua đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch chậm, công nghiệp, thương mại, dịch vụ nông thôn đang chiếm tỷ trọng thấp; các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn chậm đổi mới và hoạt động kém hiệu quả. Kinh tế hộ vẫn là chủ yếu, mang nặng tính tự cung, tự cấp, khó tiếp cận với các chính sách hiện hành. Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện và hiện đại. Công tác duy tu, bảo dưỡng công trình sau đầu tư còn yếu. Thu hút cán bộ giỏi về nông thôn khó khăn; con em nông dân có năng lực, trình độ thiếu cơ hội về làm việc và phục vụ ở nông thôn. Tình trạng già hóa ở nông thôn ngày càng gia tăng ảnh hưởng rất lớn đến phát triển sản xuất theo hướng hiện đại.
Cần tiếp tục các giải pháp đồng bộ, căn cơ và đột phá
Phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế còn gặp phải về thực hiện Nghị quyết 26 của Trung ương và Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy, trong những năm tiếp theo huyện Lộc Hà tiếp tục xác định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, nông thôn là địa bàn tổ chức thực hiện, nông dân là chủ thể để tập trung đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, nông dân được đào tạo có trình độ và đủ bản lĩnh chính trị, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới; xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại. Cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường, tạo nền tảng kinh tế - xã hội và chính trị vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Theo đó, để đạt được các mục tiêu trên, huyện Lộc Hà sẽ tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc những nội dung cơ bản Nghị quyết, nâng cao nhận thức cho toàn Đảng, toàn dân về các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của các Nghị quyết. Đồng thời, rà soát chương trình hành động, kế hoạch thực hiện, bổ sung, điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới. Trọng tâm là đẩy mạnh triển khai thực hiện thành công tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM. Tăng cường chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ ở nông thôn. Đẩy mạnh xây dựng NTM, xem đây là nhiệm vụ có tính chiến lược, lâu dài, trọng tâm, then chốt để thực hiện Nghị quyết. Quan tâm đầu tư nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, thiết chế văn hóa, thể thao, xây dựng môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh. Đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, tích cực đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, các tệ nạn xã hội.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao mức hưởng thụ của người dân về chất lượng dịch vụ công như giáo dục, y tế, văn hóa. Đổi mới cơ chế chính sách và tổ chức sản xuất ở nông thôn; chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm nhanh lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực phi nông nghiệp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường. Bổ sung cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nhất là các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực, vùng sản xuất sản phẩm hàng hóa, xây dựng kết cấu hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, phát huy vai trò quản lý của các cấp chính quyền, các đoàn thể chính trị xã hội về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tiếp tục củng cố, hoàn thiện, đổi mới hệ thống chính trị nhất là ở cơ sở; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở; phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy các cấp trong chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện Nghị quyết. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; chấn chỉnh những đơn vị thực hiện chưa tốt, không hoàn thành nhiệm vụ; thường xuyên làm tốt công tác thi đua khen thưởng; sơ kết, tổng kết từ xã đến cấp huyện và để biểu dương, khen thưởng và tuyên truyền nhân rộng các điển hình, các cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trên các lĩnh vực…
Theo Văn Hân/locha.hatinh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã