Tiêm thí điểm vắc-xin Lumpyvac cho đàn trâu, bò xã Phù Lưu ngày 22/1.
Sau khi có 8 con bò bị nhiễm bệnh, xã Phù Lưu (Lộc Hà) được hỗ trợ 1.000 liều vắc-xin Lumpyvac do Công ty Vetal Animal Health Product S.A (Thổ Nhĩ Kỳ) sản xuất. Đồng thời, địa phương được giúp đỡ thêm về mặt kỹ thuật, nhân lực để triển khai tiêm thử nghiệm cho đàn trâu, bò từ ngày 22/1.
Trong hơn 3 ngày, 747 con trâu, bò khỏe mạnh ở địa phương này đã được tiêm phòng. Nhờ phòng dịch kịp thời, đúng cách nên đến nay, địa phương này không phát sinh thêm dịch bệnh.
Gia súc tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục ở Lộc Hà được ghi chép, cấp giấy chứng nhận, theo dõi, quản lý chặt chẽ.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phù Lưu Phan Văn Châu thông tin thêm: “Sau khi tiêm thí điểm, chúng tôi đã cùng phối hợp với các cơ quan chuyên môn chỉ đạo các thôn xóm và bà con nhân dân theo dõi, quản lý, giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh, sức khỏe đàn gia súc.
Đến nay, tất cả những con được tiêm trong đợt này đều không bị nhiễm bệnh, chỉ có 2 con phản ứng sau tiêm (sốt, ho, bỏ ăn..) nhưng đã được xử lý ngay nên không bị ảnh hưởng gì. Đây được xem là yếu tố quan trọng để xã Phù Lưu ngăn ngừa dịch bệnh”.
Sau tiêm thí điểm, tất cả địa phương ở Lộc Hà đã đồng loạt tiêm vắc-xin phòng ngừa, tiến tới đẩy lùi dịch bệnh.
Tương tự, xã Mai Phụ cũng được tiêm 250 liều vắc-xin Lumpyvac trong đợt thí điểm ban đầu. Đến nay, những con được tiêm phòng trong đợt thí điểm đều an toàn trước “bão” dịch.
Trên cơ sở đó, Lộc Hà đã gấp rút chỉ đạo, triển khai tiêm phòng vắc-xin Lumpyvac đại trà trên diện rộng và đến nay đã cho kết quả tốt, hiệu quả khả quan.
Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Lộc Hà Trần Quốc Trình cho biết: “Hiện nay, Lộc Hà đã nhận 6.475 liều vắc-xin và đã tiêm được 6.071 liều, trong đó có 5.670 con bò, 401 con trâu (đạt gần 94%).
Số vắc-xin còn lại sẽ được triển khai trên những con trước đây chưa được tiêm vì không đủ điều kiện, mới phát sinh hoặc người dân chưa kịp đưa gia súc đi tiêm. Phấn đấu trong vài ngày tới (đầu tháng 4/2021) sẽ hoàn tất việc tiêm phòng”.
Cũng theo ông Trần Quốc Trình, nhờ thực hiện kịp thời, đúng kỹ thuật và triển khai đồng bộ với các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh khác nên kết quả đạt khá tốt. Theo đó, trong số 6.071 con trâu, bò được tiêm chỉ có 21 con phản ứng sau tiêm; 86 con phát sinh bệnh viêm da nổi cục do tiêm trong thời gian đang ủ bệnh (thường ủ bệnh 14 ngày hoặc hơn) nhưng đã được xử lý kịp thời; không có gia súc bị chết sau khi tiêm phòng.
Ngoài tiêm phòng, Lộc Hà còn triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để ngăn dịch, trong đó có phun hóa chất tiêu độc khử trùng.
Song song với việc tập trung cao cùng người dân tiêm phòng cho vật nuôi, chính quyền các cấp và cơ quan chuyên môn ở Lộc Hà đang thực hiện nhiều biện pháp ngăn dịch khác như: phun tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột, dọn vệ sinh môi trường, hạn chế buôn bán và chăn thả tự do…
Nhờ vậy, trong 21 ngày qua, số gia súc bị bệnh có xu hướng giảm (chỉ có 12 con) và ở các địa phương: Phù Lưu, Ích Hậu, Bình An, Hộ Độ không phát sinh gia súc mắc bệnh.
Lộc Hà là huyện đầu tiên xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tại Hà Tĩnh. Đến thời điểm này, trên địa bàn có 627 hộ ở 65 thôn, tổ dân phố của 11/12 xã, thị trấn trên địa bàn “dính” dịch với 747 con bị mắc bệnh; trong đó có 63 con bò bị chết. Hiện toàn huyện có 8.319 con trâu, bò. Trong số này sẽ có 6.475 con được tiêm vắc-xin; số còn lại không đủ điều kiện tiêm do đã bị bệnh, đang bị bệnh, trong giai đoạn sinh sản, nhỏ dưới 3 tháng... |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã