Cán bộ Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Lộc Hà hướng dẫn người dân kỹ thuật sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cho dưa lưới trồng trong nhà màng
Cách đây 5 tháng, anh Mai Văn Hiển ở thôn Quan Nam, xã Hồng Lộc làm 5 nhà màng rộng 2.000m2 để trồng dưa lưới LT3 (Nhật Bản) kết hợp trồng hoa cúc farm với mức đầu tư gần 1,8 tỷ đồng. Các khu nhà lưới hiện đã xong với khung thép chịu lực, phía trên lợp màng dày, xung quanh có lưới chắn côn trùng, có hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Isarel…
Dù mới trồng thử nghiệm 1 nhà dưa lưới LT3 nhưng ngay lứa đầu tiên đã cho kết quả khả quan với hơn 1.200 gốc, cho gần 1,8 tấn quả, bình quân mỗi quả nặng 1,5 kg. Với giá bán từ 40-50 ngàn đồng/kg, anh thu được khoảng 80 triệu đồng, lãi khoảng 30 triệu đồng. Hiện, anh Hiển đang chuẩn bị xuống giống dưa hết diện tích để kịp mùa vụ và có đủ thời gian để trồng thêm 1 vụ hoa cúc phục vụ tết.
Hệ thống cung cấp nước và chất dinh dưỡng tự động cho dưa trồng trong nhà màng của anh Mai Văn Hiển
Cũng với quyết tâm nâng cao giá trị sản xuất bằng cách ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ông Nguyễn Văn Mại ở xóm Tân Quý, xã Hộ Độ đã mạnh dạn đầu tư 400 triệu đồng làm ao tròn lót bạt đáy nổi trong nhà lưới để nuôi tôn thẻ chân trắng.
Ông Mại cho biết: “Các loại ao cũ, tôi chỉ nuôi mật độ 150-200 con/m2, thậm chí là 70-80 con/m2, nhưng loại ao mới này tôi đã nuôi đến 400-500 con/m2. Ngoài thả nuôi mật độ dày thì các ao mới còn giúp tôi tiết kiệm nhân lực, tiền điện, máy móc, thuốc phòng bệnh, nước cấp, và nhất là có thể xử lý nhanh khi xẩy ra sự cố. Qua 3 đợt xuống giống tôm đều nhanh lớn hơn bên ngoài 7-10 ngày tuổi/lứa, ít dịch bệnh, không có rủi ro nên tôi sẽ làm thêm 10 ao như thế này nữa”.
Mô hình nuôi tôm ao tròn lót bạt, đáy nổi của ông Nguyễn Văn Mại ở xã Hộ Độ
Không chỉ có cây dưa, con tôm mà thời gian qua ở Lộc Hà còn có nhiều chương trình, dự án để đưa KHKT, các loại giống mới vào sản xuất như: đưa các giống lúa TBR45, Thái xuyên 111, Kim cương 111, BQ 11 vào đồng ruộng Ích Hậu, Tân Lộc, An Lộc; đưa Dừa Xiêm lùn về Tân Lộc và Thạch Mỹ; đưa lạc TK10 về thị trấn Lộc Hà; dưa lê ở Thịnh Lộc; nuôi tôm bằng bể xi măng trong nhà ở thị trấn Lộc Hà, nuôi cá thát lát cườm ở Ích Hậu, cua - lúa, cá - lúa ở Tân Lộc; lai tạo hóa đàn bò…
Ông Phan Văn Thanh - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Lộc Hà cho biết: “Để nâng cao hiệu quả sản xuất, ngoài việc thường xuyên khuyến khích Nhân dân tích cực đưa cái mới, cái tốt vào ứng dụng thì hàng năm chúng tôi đã tổ chức hàng chục cuộc tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và bố trí khoảng 200 triệu đồng để triển khai xây dựng 5-7 mô hình thí điểm”.
Lãnh đạo huyện Lộc Hà kiểm tra mô hình nuôi tôm bằng bể xi măng trong nhà cho hiệu quả cao ở thị trấn Lộc Hà
“Để tạo đột phá trong sản xuất, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng vật nuôi, mùa vụ, phương thức sản xuất, khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ; đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng liên kết, tăng giá trị theo mô hình VietGAP. Cùng với đó, hỗ trợ đầu tư thí điểm các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, giá trị cao trên thị trường", ông Phan Văn Thanh cho biết thêm.
Tiến Phúc/https://baohatinh.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã