Nấm rơm có tên khoa học là Volvaviella Volvacea, nấm rơm có hơn 100 loài và chỉ khác nhau về màu sắc, có loại màu xám trắng, xám đen, có loại màu đen nhung... ích thước, đường kính “cây nấm” lớn nhỏ tùy thuộc từng chủng loại giống khác nhau. Nấm rơm thường được sử dụng làm thực phẩm, có vị ngọt, tính hàn, là loại nấm giàu dinh dưỡng, cứ 100g nấm rơm khô chứa đạm tới 21-37g đạm, đặc biệt thành phần đạm chứa hàm lượng cao lại đầy đủ các acid amin cần thiết mà cơ thể không tự tổng hợp được, còn hơn cả thịt bò và đậu tương, chất béo 2,1-4,6g, bột đường chiếm 9,9g, chất xơ 21g, các yếu tố vi lượng là Ca, Fe, P và các vitamine A, B1, B2, C, D, PP. Nấm rơm được xem là thực phẩm xếp vào loại “rau sạch”, “thịt sạch” rất giàu dinh dưỡng, có thể thay thế thịt, cá, không gây ra những hậu quả bất lợi như đạm động vật, đường hay tinh bột. Nấm rơm không những có giá trị dinh dưỡng cao mà có giá trị về dược liệu như tiêu thực, khử nhiệt, làm hạ cholesterol, kháng ung thư. Trong thành phần của nó còn chứa một loại protid dị chủng nên ăn thường xuyên sẽ giúp cơ thể nâng cao khả năng chống ung thư. Loài thực vật này còn được bào chế thành bột làm thuốc viên chữa chứng thiếu máu.
Các điều kiện để trồng nấm rơm
Ở các nước vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới như: Trung Quốc, Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan, Việt Nam rất thích hợp về nhiệt độ để nấm rơm sinh trưởng và phát triển. Nhiệt độ thích hợp để nấm rơm phát triển từ 30-32 0 C, độ ẩm nguyên liệu (cơ chất) 65-70%, độ ẩm không khí 80-90%, pH=7, thoáng khí. Ở nước ta, nấm rơm đang được trồng rộng rãi ở hầu hết ở các tỉnh, thành vì có nguồn nguyên liệu phế phẩm nông nghiệp dồi dào như rơm rạ, bã mía…, phế phẩm công nghiệp như bông gòn của các nhà máy dệt. Sản xuất nấm rơm không khó, quy trình kỹ thuật dễ áp dụng, chu kỳ sinh trưởng và phát triển nhanh; thông thường từ khi xử lý nguyên liệu, đóng mô, cấy giống, chăm sóc, thu hoạch chỉ diễn ra trong 25 đến 30 ngày. Mùa vụ trồng nấm rơm từ 15-4 đến 15-10 dương lịch là thuận lợi nhất và đặc biệt vốn đầu tư để trồng nấm rơm không lớn, nếu người dân có quỹ đất trong vườn, ngoài ruộng khoảng chừng 100 đến vài trăm mét vuông đất đều có thể trồng nấm rơm.
Các mô hình sản xuất nấm tại Nghi Xuân chưa khép kín
Thực hiện các chủ trương, chính sách về xây dựng nông thôn mới, những năm qua trên địa bàn huyện đã xuất hiện một số mô hình sản xuất nấm sò (bào ngư), mộc nhĩ tại một số xã như Xuân Liên, Tiên Điền, Xuân Hải…bước đầu có hiệu quả. Song, các mô hình này chủ yếu mua phôi bịch nấm sò, mộc nhĩ từ huyện Thạch Hà và vùng lân cận về sản xuất mà chưa tự áp dụng quy trình sản xuất nấm khép kín để tận dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ sẵn có tại địa phương đê sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Nguồn nguyên liệu để trồng nấm rơm khá dồi dào, người dân vẫn còn đốt rơm ngay trên đồng ruộng
Theo nhận định của các nhà khoa học, khi thu hoạch 1 tấn lúa cũng thu được 1 tấn rơm, rạ. Thực tế, vụ Xuân năm 2016, toàn huyện Nghi Xuân sản xuất 3.015 ha lúa, năng suất 4,57 tấn/ha, sản lượng lúa toàn huyện đạt 14.329 tấn và cũng có lượng rơm rạ tương đương, đây là con số khá lớn nhưng chúng ta chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế nguồn phế phẩm nông nghiệp này. Sau thu hoạch vụ Xuân, người dân tận thu rơm rạ về làm thức ăn cho trâu, bò; làm chất độn chuồng, dùng che phủ cho các loại cây trồng, hoặc một số địa phương như Xuân Hồng, Xuân Lam, Xuân Lĩnh, Xuân Viên có nhiều hộ dân đốt rơm, rạ ngay trên đồng ruộng. Đối với các xã như Xuân Hồng, Xuân Lam và một số ít địa phương khác chủ động được nguồn nước tưới tiêu nên sản xuất được hàng trăm ha lúa trong vụ hè thu, nhưng rơm rạ sau thu hoạch hầu như không sử dụng mà thiêu đốt hoặc vứt đổ ngay trên đồng ruộng, đây là việc làm gây lãng phí nguồn phế phẩm nông nghiệp sẵn có. Các nhà khoa học cũng khuyến cáo, nếu thường xuyên đốt rơm rạ trên đồng ruộng sẽ tiêu diệt vi sinh vật có lợi trong đất, làm đất biến chất và trở nên chai cứng, gây ô nhiễm môi trường không khí.
Trên địa bàn huyện chưa ai trồng nấm rơm
Mặc dầu, có nguồn nguyên liệu rơm, rạ tương đối dồi dào, nhân công lao động phổ thông nhàn rỗi nhưng hiện nay trên địa bàn huyện Nghi Xuân chưa ai trồng nấm rơm; các huyện lân cận trong tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An cũng trồng nấm rơm rất ít, chưa phổ biến. Trong khi đó, thị trường cho việc tiêu thụ nấm rơm rất đa dạng, có nhiều người ưa thích sử dụng (có bao nhiêu đều được tiêu thụ hết bấy nhiêu), nhiều nhà chùa đóng trên địa bàn nên số lượng người ăn chay ngày càng tăng lên. Hơn nữa, Nghi Xuân lại gần thành phố Vinh - đô thị phát triển, dân cư đông đúc với nhiều nhà hàng, khách sạn, chợ và siêu thị…đây là thị trường đầy tiềm năng đối với bà con nông dân huyện Nghi Xuân trong phát triển nghề trồng nấm rơm.
Thiết nghĩ, huyện Nghi Xuân sớm có nhiều giải pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo bà con nông dân không nên thiêu đốt rơm, rạ ngay trên đồng ruộng gây lãng phí, ô nhiễm môi trường; đồng thời tổ chức các lớp học, tập huấn quy trình kỹ thuật trồng nấm rơm, xây dựng các mô hình trình diễn để bà con nông dân học hỏi, thay đổi cách nghĩ, cách làm, tận thu nguồn rơm rạ sẵn có sản xuất nấm rơm tăng thu nhập và bảo vệ môi trường. Mặt khác, ngoài những chính sách hỗ trợ trong Chương trình nông thôn mới theo quy định của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện cần có những chính sách riêng về khuyến nông để hỗ trợ, động viên, khuyến khích các hộ phát triển nghề trồng nấm rơm trên địa bàn./.
Theo Lê Quang Sáng/Nghi Xuân
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã