Ngày 3/1/2018, Báo Hà Tĩnh điện tử đã có bài "Tiểu thương bức xúc khi chợ tạm “át” chợ chính!" phản ánh việc chợ tạm thị trấn Xuân An tồn tại hàng chục năm, gây mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị...
Ông Lê Văn Minh – Chủ tịch UBND thị trấn Xuân An cho biết: “Trước thực trạng chợ tạm gây nhiều hệ lụy, địa phương đã tập trung xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động các tiểu thương chấm dứt hoạt động kinh doanh buôn bán tại đây.
Nếu người nào tiếp tục có nhu cầu kinh doanh buôn bán, địa phương sẽ tạo điều kiện cho thuê ki - ốt tại khu vực chợ thị trấn Xuân An (cách đó khoảng 1,5 km), tránh tình trạng xóa bỏ chỗ này thì chợ tạm lại mọc lên chỗ khác. Sau quá trình tuyên truyền, vận động, cơ bản các tiểu thương chấp hành chủ trương. Từ ngày 13/4 đến nay, địa phương đã thuê máy móc, nhân công, tiến hành giải phóng, san lấp mặt bằng khu vực này”.
Từ ngày 13/4 đến nay, thị trấn Xuân An đã thuê máy móc, nhân công, tiến hành giải phóng, san lấp mặt bằng khu vực chợ tạm.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt – một người dân sống gần chợ tạm phấn khởi: “Chợ tạm tồn tại hàng chục năm nay đã gây ra nhiều hệ lụy. Việc xóa bỏ chợ tạm không chỉ giúp thị trấn Xuân An đảm bảo mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, chống thất thu thuế của Nhà nước mà còn tạo sự phát triển bền vững cho chợ thị trấn. Đây cũng là một thành công của chính quyền địa phương trong tiến trình xây dựng văn minh đô thị, hướng tới mục tiêu đô thị loại IV trong thời gian tới”.
Phần đất thuộc khu vực chợ tạm đã được quy hoạch làm đất ở
Theo tìm hiểu, số tiểu thương đã từng buôn bán tại chợ tạm đã được tuyên truyền, vận động chuyển lên kinh doanh tại chợ thị trấn Xuân An. Được biết, chợ thị trấn Xuân An đã được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp với tổng nguồn kinh phí 3,9 tỷ đồng, hoàn thành và đưa vào hoạt động vào năm 2013. Hiện nay, chợ mới chỉ có khoảng 120 hộ tham gia kinh doanh buôn bán cố định, trong khi quy mô chợ là 206 ki-ốt.
Giải tỏa được chợ tạm đã tồn tại hàng chục năm nay là thành công lớn của chính quyền địa phương trong tiến trình xây dựng đô thị loại IV
Nhìn chung, các tiểu thương đã từng kinh doanh ở chợ tạm cơ bản đồng thuận với chủ trương giải tỏa, song, họ cũng có những băn khoăn, lo ngại nếu chuyển đến môi trường kinh doanh mới.
Bà Bạch Thị Lệ - một tiểu thương từng kinh doanh tại chợ tạm cho biết: “Chúng tôi đã bán hàng ở đây hàng chục năm nay, có rất nhiều khách quen. Tới đây, chuyển lên chợ chính bước đầu sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình kinh doanh, buôn bán. Do vậy, chúng tôi kiến nghị chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ để yên tâm buôn bán, ổn định đời sống”.
Thu Phương
Tác giả bài viết: Theo Thu Phương/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã