Tại xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà việc áp dụng mô hình thâm canh đạt tiêu chuẩn VietGap đối với các diện tích trồng cam chanh đang được nhiều hộ dân áp dụng. Đây được xem là hướng phát triển bền vững giúp các hộ trồng cam nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm đáp ứng với xu thế thị trường hiện nay.
Ngọc Sơn là xã có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế vườn đồi. Trong những năm gần đây, người dân đã khai thác những lợi thế của địa phương, hình thành, phát triển nhiều vườn cây ăn quả phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng nơi đây. Trong đó, cây cam chanh được nhiều nông hộ lựa chọn là sản phẩm chủ lực để sản xuất với số lượng lớn. Hàng trăm ha cam đã trở thành nguồn thu nhập chính cải thiện đáng kể đời sống của nhiều người dân địa phương. Tuy nhiên phần lớn các diện tích cam đều trồng mang tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng. Tháng 04 năm 2017, được sự hỗ trợ kinh phí của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với địa phương xây dựng mô hình “Thâm canh vườn cam đạt tiêu chuẩn VietGAP” với diện tích 10 ha. 7 hộ tham gia quy trình sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP ở các thôn Trung Tâm, Khe Giao 1, Khe Giao 2 cũng đã thành lập tổ hợp tác sản xuất cam chanh VietGAP xã Ngọc Sơn. Quá trình triển khai, các hộ được chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thâm canh nên kỹ thuật thâm canh cam chanh, sản xuất ra sản phẩm an toàn, ý thức trang bị bảo hộ lao động giữ gìn sức khỏe, bảo vệ môi trường và cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón an toàn, hiệu quả của các hộ dân đã được nâng lên. Hệ thống kho hoàn chỉnh, khu vực pha thuốc, nơi xử lý nước rửa bình pha thuốc bảo vệ thực vật, thùng chứa vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, hố xử lý rác thải trong vườn, biển cảnh cáo, hướng dẫn đã được các hộ dân đầu tư xây dựng, bố trí hợp lý nhằm bảo vệ môi trường, phòng bệnh hiệu quả và đảm bảo an toàn lao động.
Nơi xử lý nước rửa bình pha thuốc bảo vệ thực vật được bố trí hợp lý
Quá trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại đối với cây cam đã được các hộ dân thực hiện đúng yêu cầu về kỹ thuật nên vụ sản xuất này đối với 7 hộ trồng cam là một niềm vui thắng lợi. Năng suất, chất lượng và mẫu mã cam tăng cao so với mọi năm, sản phẩm được thị trường ưa chuộng. Dự kiến năng suất trung bình đạt trên 19 tấn/ ha, cao nhất là 30 tấn/ha, sản lượng đạt gần 190 tấn. Nhiều hộ có năng suất camđạt cao như hộ ông Nguyễn Công Phụ và Nguyễn Hữu Thái có năng suất xấp xỉ 30 tấn/ ha.
Vườn cam của gia đình anh Nguyễn Hữu Thái – thôn Khe Giao 1 đạt năng suất, chất lượng cao khi thâm canh đạt tiêu chuẩn VietGAP
Đặc biệt, trong quá trình chăm sóc, người dân chỉ sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng cho cam và cây ăn quả có múi, không sử dụng thuốc Nhà nước cấm. Thời gian cách ly đối với sản phẩm sản xuất ra được đảm bảo an toàn. Quá trình này được hướng dẫn, giám sát chặt chẽ của cán bộ kỹ thuật và chuyên gia tư vấn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Quy trình kiểm soát đầu vào, theo dõi quản lý sản phẩm sản xuất ra đều tuân thủ theo yêu cầu của tiêu chuẩn VietGAP.
Các hộ tham gia sản xuất đều có mã số vườn riêng để nhận diện, truy xuất sản phẩm.
Sau khi tiến hành lấy mẫu kiểm tra, phân tích đánh giá cho thấy các mẫu đất, nước, mẫu sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Ngày 01/11/2017, tổ chức NHO-QSCert đã cấp giấy chứng nhận 180 tấn cam chanh tham gia mô hình đạt tiêu chuẩn VietGAP năm 2017.
Hiện nay, tổ hợp tác sản xuất cam chanh VietGap xã Ngọc Sơn đang cung cấp sản phẩm cho thị trường trong, ngoài huyện và đã ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho hệ thống siêu thị VinMart ở Hà Nội. Giá cam tương đối ổn định. Bình quân mỗi vụ cam cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ ha. Chất lượng, uy tín thương hiệu cam chanh đạt tiêu chuẩn VietGAP xã Ngọc Sơn đang ngày càng được khẳng định trên các thị trường tỉnh bạn.
Cam chanh của Tổ hợp tác sản xuất cam Ngọc Sơn tham gia Lễ hội cam năm 2017
Sự thành công của mô hình thâm canh vườn cam đạt tiêu chuẩn VietGAP đã không chỉ nâng cao chất lượng, giá trị đối với sản phẩm cam chanh của địa phương, tăng năng suất, đảm bảo an toàn thực phẩm và tăng hiệu quả sản xuất mà còn làm thay đổi tư duy, nhận thức cho người trồng cam về hướng sản xuất hàng hóa thị trường mang lại giá trị kinh tế cao. Đây cũng là xu hướng phát triển bền vững đối với cây cam, góp phần bảo vệ môi trường và đáp ứng với nhu cầu về sản phẩm cam sạch của thị trường hiện nay.
Theo Thúy Hằng/thachha.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã