Dù mới thành lập hơn 1 năm (7/2017) nhưng Liên hiệp HTX Ong và dịch vụ nông nghiệp Vũ Quang đã cho thấy sức trẻ của mình. Nghề nuôi ong đang phát triển mạnh và cho thu nhập cao ở huyện giáp biên miền tây Hà Tĩnh.
Ong nhà, mật rừng
Nuôi ong là nghề phụ xuất hiện khoảng những năm 2000 ở Vũ Quang. Năm 2002, khi khu sinh quyển Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) được quy hoạch và bảo vệ thì nghề nuôi ong nơi đây càng phát triển mạnh.
Điều rất đặc biệt, dù là ong nhà, nhưng chất lượng mật không hề thua kém ong tự nhiên. Nguyên nhân là do ong được nuôi thả tự do, lại nằm sát khu sinh quyển Vườn quốc gia Vũ Quang nên đó là môi trường sống, lấy mật lý tưởng của các đàn ong. Cũng bởi vì thế mà mật ong ở đây nổi tiếng thơm ngon, những năm qua đã có chỗ đứng khá vững chắc trong lòng người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Kiểm tra chất lượng mật ong trước khi quay |
Theo ông Đậu Khắc Mạnh - thành viên HTX nuôi ong Ân Phú thuộc Liên hiệp HTX, nhà ông có gần 50 đàn ong, cứ 5 - 10 ngày mới kiểm tra ong 1 lần. Ong nuôi không cho ăn đường mà tự ong tìm mật hoa rừng vì thế chất lượng mật rất thơm ngon.
"Làm chơi ăn thật, mỗi năm gia đình bỏ túi hơn 100 triệu đồng từ ong mà công sức, chi phí bỏ ra không đáng. Thêm nữa, mình tận dụng được thời gian nhàn rỗi", ông Mạnh khoe.
Đến một số xã như Ân Phú, Đức Giang, Sơn Thọ... không khó để tìm được một người nuôi ong. Ong được người dân nơi đây nuôi "xếp hàng" dưới những tán cây trong vườn nhà. Thậm chí, có gia đình xếp cả tổ ong sát ở mé rừng.
Hiện tại, Liên hiệp HTX có 5 HTX nuôi ong, gồm Ân Phú, Đức Giang, Đức Lĩnh, Đức Bồng, Sơn Thọ và 1 THT thị trấn với 157 thành viên và 2.700 đàn ong. Giống ong mà các hộ dân đang nuôi là ong Ruồi (Việt Nam) cho chất lượng mật thơm ngon.
Người nuôi ong Vũ Quang kể: Mỗi năm, một đàn ong cho thu hoạch 4 đợt mật với tổng lượng dao động 5 - 8 kg mật. So với nghề chính là làm nông, lâm nghiệp thì nuôi ong không hề vất vả, tốn thời gian, tiền của như nhiều người lầm tưởng. Ong cũng là loài ít bị dịch bệnh gây hại nên rất khỏe.
Mật ong nuôi ở Vũ Quang được lấy rất cầu kỳ, theo quy định chặt chẽ về màu sắc (màu cánh dán), tỷ lệ phần trăm các thành phần trong mật phải bảo đảm thì mới quay mật. Khi kiểm tra cầu ong trong mỗi tổ, thấy màu mật chuyển sang màu cánh dán, người nuôi ong sẽ sử dụng máy xét nghiệm chất lượng mật với các tỷ lệ gồm đường, nước, mật theo đúng quy chuẩn mới tiến hành lấy mật.
Thách thức liên kết chuỗi
Theo tính toán, mỗi năm, Liên hiệp HTX xuất bán khoảng 11,5 tấn mật ong. Giá mật ong trên thị trường dao động 200 - 220 ngàn đồng/lít. Dù là nghề phụ, nhưng con ong đang giúp người dân miền núi Vũ Quang hái tiền tỷ mỗi năm.
Trước đây, người nuôi ong nơi đây làm ăn theo kiểu tự phát, sản phẩm mật ong chỉ mang tính tiêu dùng nhỏ lẻ. Ngay cả khi các HTX đã được thành lập thì cũng "mạnh ai nấy làm", nên rất khó khăn trong phát triển và tiêu thụ sản phẩm.
"Những năm gần đây, mật ong đã dần trở thành ngành kinh tế chủ lực của vùng đất giáp biên Vũ Quang. Tổng số đàn, sản lượng mật thu về tăng nhanh qua mỗi năm. Cũng bởi thế mà các HTX, THT nuôi ong mới liên kết lại để tìm đầu ra ổn định, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm", ông Dương Thế Đạt - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Liên hiệp HTX, giải thích lý do ra đời của Liên hiệp HTX Ong và dịch vụ nông nghiệp Vũ Quang.
Để phát huy hiệu quả và thế mạnh, Liên hiệp đã có những định hướng rõ ràng về lộ trình phát triển sau khi thành lập. Đó là sẽ tích cực hỗ trợ các thành viên về con giống, KH-KT, tiêu thụ sản phẩm; đặc biệt là cùng nhau cam kết thực hiện các quy định về quy trình nuôi và thu hoạch, mở rộng quy mô, đưa ra các định hướng trong sản xuất, nhằm tăng tổng đàn, nâng cao chất lượng, tiêu thụ sản phẩm cho hội viên.
Hiện tại, sản phẩm mật ong đạt chứng nhận vệ sinh ATTP, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ. Liên hiệp HTX đã làm hồ sơ đăng ký tem nhãn, mã vạch sản phẩm trong những chai lọ theo mẫu. Sau khi có mã vạch, mỗi thành viên sẽ được cấp một mã vạch và Liên hiệp HTX hoàn toàn truy xuất dễ dàng sản phẩm đó là của thành viên nào.
Tuy nhiên, hoạt động liên kết theo chuỗi giá trị của Liên hiệp HTX đang gặp rất nhiều khó khăn. Do Liên hiệp HTX đang phải mượn trụ sở để giao dịch nên đã ảnh hưởng nhiều đến chất lượng hoạt động.
Sản lượng mật ong ngày càng tăng, Liên hiệp HTX đang có dự định xây dựng nhà xưởng với dây chuyền từ phân loại sản phẩm, đóng gói bằng máy; xây dựng máy móc để sản xuất tinh bột nghệ trộn mật ong... nhưng đang "kẹt" vốn nên chưa thể thực hiện.
Thêm vào đó, Liên hiệp HTX còn gặp khó khi quy hoạch vùng sản xuất nghệ, thành viên gặp khó về kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến tinh bột nghệ trộn mật ong. Chưa kể, tập quán, thói quen sản xuất của các thành viên vẫn còn nhiều hạn chế, chưa quen với nền kinh tế thị trường.
"Liên kết theo giá trị chuỗi của sản phẩm mật ong là có tiềm năng lớn nhưng những khó khăn về vốn kinh doanh, trụ sở làm việc... vượt ngoài tầm của Liên hiệp HTX. Chúng tôi rất muốn được hỗ trợ để xây dựng thành công thương hiệu mật ong Vũ Quang", ông Dương Thế Đạt - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Liên hiệp HTX, kiến nghị.
Thanh Hải/thoibaokinhdoanh.vn