Đồng thời các Tổ hợp tác (THT) đã phát triển và rộng khắp trên toàn tỉnh nói chung và huyện Vũ Quang nói riêng. Đến nay toàn huyện đã thành lập và đi vào hoạt động có hiệu quả 66 THT/12 xã, thị trấn. Trong đó có 15 THT lợn liên kết với Công ty Mitraco, 10 THT liên kết với Công ty Cổ phần Thương Mại sản xuất Thực phẩm Hà Nội, 4 THT chanh leo liên kết Công ty cổ phần chanh leo NAFOOD, 12 THT trồng cam và chăn nuôi trâu, 19 THT trồng ớt hiệu quả. Điểm nổi bật của việc thành lập THT phát triển theo hướng liên kết với Công ty là luôn đảm bảo đầu ra cho sản phẩm với giá bán đã được ký hợp đồng trước nên người dân luôn tin tưởng và yên tâm sản xuất.
Từ thực tế sản xuất tại địa phương, là một huyện miền núi nghèo mới thành lập, nền nông nghiệp huyện chỉ bó hẹp trong sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự cung tự cấp, kỹ thuật canh tác chủ yếu là tự phát, lạc hậu, các đối tượng dịch, bệnh gây hại trên cây trồng, vật nuôi thường xuyên hoành hành nên không kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Khi việc sản xuất hàng hóa phát triển, sự cạnh tranh về chất lượng nông sản và thị trường tiêu thụ ngày càng tăng, đồng thời được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, thì những cá nhân sản xuất riêng lẻ cần phải liên kết với nhau thành lập THT để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nhiều THT sau khi thành lập và đi vào hoạt động thực sự đã đem lại niềm phấn khởi cho người dân về cả mặt kinh tế và xã hội. Đáng học tập về kinh nghiệm của một số THT cho hiệu quả kinh tế cao như: THT chăn nuôi lợn qui mô nhỏ liên kết ở xã Hương Minh, xã Hương Điền; THT trồng cam ở xã Đức Bồng, THT nuôi thỏ liên kết ở xã Đức Giang, THT chanh leo ở xã Đức Hương; ….
Bà Phạm Thị Ngọc Hoa, tổ trưởng THT chăn nuôi lợn liên kết xã Hương Minh thành lập tháng 4/2014 cho biết, THT có 11 thành viên, quy mô 295 con. Ưu điểm của việc THT chăn nuôi lợn liên kết là đảm bảo vệ sinh môi trường vì xây dựng hệ thống bể bioga, có đầu ra ổn định và giá bán ổn định, người nông dân thảnh thơi hơn khi sản xuất theo hình thức chuỗi sản phẩm, được công ty cung ứng từ con giống đến bao tiêu sản phẩm, giải quyết việc làm thường xuyên cho nhân dân. Lợn được nuôi sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận 250.000 đồng đến 300.000 đồng/con. Như vậy doanh của THT từ thu 221 triệu đến 270 triệu đồng, là khoản tiền không nhỏ đối với người nông dân.
Trong các THT chăn nuôi thỏ liên kết thì THT chăn nuôi thỏ sinh sản, giống thỏ trắng Newziland ở xã Đức Giang, huyện Vũ Quang được thành lập tháng 3/2015, hiện tại có 7 hội viên với số lượng chăn nuôi duy trì tổng đàn trên 200 con thỏ sinh sản, cho thu nhập từ 7 triện đến 10 triệu đồng/tháng/ người. Từ khi thành lập đến nay, THT đã trở thành nơi trao đổi kinh nghiệm làm ăn và tiếp nhận kiến thức khoa học - kỹ thuật mới để phục vụ sản xuất. Chính nhờ sự phân chia thời gian chăm sóc phù hợp và khéo léo, đi đôi với nguồn thức ăn dồi dào nên thỏ luôn có chất lượng cao, bảo đảm thời gian sinh trưởng và sinh sản tốt. Ngoài ra, việc chăn nuôi theo hình thức THT còn giúp các hội viên chủ động thời gian cho các công việc trong gia đình.
Còn anh Nguyễn Công Lâm, Tổ trưởng THT trồng cam, nuôi bò ở thôn 8, xã Đức Bồng thì cho biết: Với mục đích cùng nhau hợp tác, khai thác triệt để tài nguyên thiên nhiên là đất đồi núi, độ dốc vừa phải phù hợp với trồng cây ăn quả, đặc biệt là cây cam chanh kết hợp trồng cỏ nuôi bò. Với quy mô 13 ha đất trồng cam và 48 con bò, THT của anh Lâm là mô hình THT được nhiều xã, huyện trong tỉnh đến tham qua và học tập. Hiệu quả thì đã rõ ràng. Diện tích cam chanh đã cho thu hoạch tết năm 2014, đã bán được hơn 500 triệu đồng với mức giá chung 32.000 đồng/kg, đó là chưa tính có thời điểm giá bán cam lên đến 70.000 đồng/kg hay 100.000 đồng/kg. THT của anh đang tiếp tục ở rộng diện tích trồng cam và chăn nuôi, giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức lương 4.000.000 đồng/tháng.
Việc thành lập các THT ngoài tính chất tự nguyện, còn được sự quan tâm của Đảng và Chính quyền tỉnh, huyện mà cụ thể qua Nghị Quyết 90/2014/NQ-HĐND tỉnh, theo đó hỗ trợ mỗi THT thành lập mới là 10 triệu đồng.
Hoạt động của THT chủ yếu hướng vào mục đích giúp đỡ, tương trợ nhau trong sản xuất và đời sống như: trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nhau về giống mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; cung cấp thông tin và tiêu thụ sản phẩm; phát huy được nội lực của các thành viên trong việc huy động vốn để phục vụ sản xuất...
Bước vào giai giai đoạn phát triển mới, nhiều thách thức và cơ hội đang mở ra đòi hỏi phải có bước phát triển hoàn toàn mới trong tư duy phát triển và chiến lược chính sách. Đây là lúc tập trung thực hiện chương trình “Tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới” với các nội dung chính về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới thể chất, phát triển thị trường, nâng cao đời sống, thu nhập của người nông dân. Có thê nói có thể thấy mô hình THT là tổ chức kinh tế phù hợp với trình độ phát triển kinh tế ở vùng nông thôn, bất kỳ hộ nông dân nào cũng có thể tham gia và mang lại lợi ích trực tiếp cho tổ viên trong tổ, đặc biệt đối với các thành viên thiếu nguồn lực hoặc thiếu vốn.
Thời gian tới, Huyện Vũ Quang cần tiếp tục phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được, đồng thời khai thác có hiệu quả những tiềm năng lợi thế địa phương đưa huyện nhà ngày càng phát triển và lớn mạnh hơn nữa./.
Theo Dương Trà Giang/khuyennongvn.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã