Người dân làng mía Thọ Điền đang tập trung xuống giống vụ mới để phục vụ đợt ép mật cuối năm.
Nghề trồng mía ép mật ở xã Sơn Thọ (nay là xã Thọ Điền) có tuổi đời trên 50 năm và đã trở thành nghề truyền thống của người dân nơi đây. Những ngày này, bà con đang tập trung chăm sóc, xuống giống vụ mới trong không khí vui tươi, phấn khởi.
Bà Đặng Thị Hương (thôn 3, xã Thọ Điền) làm đất để kịp xuống giống.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề trồng mía ép mật, bà Đặng Thị Hương (thôn 3, xã Thọ Điền) cho biết: “Gia đình tôi trồng hơn 2 sào mía, vụ vừa rồi thu về được hơn 600 lít mật, với giá 40 nghìn đồng/lít thu nhập gần 25 triệu đồng.
Để kịp cho vụ mật cuối năm, ra tết tôi đã tập trung làm đất, chuẩn bị mía giống để sản xuất. Những năm gần đây, mật mía bán được giá, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân nên bà con ai cũng phấn khởi".
Bà Trần Thị Liêu (thôn 3, xã Thọ Điền) đang làm cỏ cho 6 sào mía của gia đình.
Với nhiều năm kinh nghiệm trồng mía, bà Trần Thị Liêu (thôn 3, xã Thọ Điền) chia sẻ: “Để trồng được những cây mía to, ngọt sắc thì công đoạn chọn giống rất quan trọng, đòi hỏi người trồng phải có kinh nghiệm. Nếu chặt mía giống sát thân quá thì sẽ bị già và rất phí, vì phần mía già sẽ không mọc chồi hoặc khi mọc, chồi sẽ không to; còn nếu lấy non quá thì ngọn sẽ bị hỏng. Ngọn mía sau khi chặt phải được trồng xuống đất ẩm.
Những vụ mía trước, nhờ chọn giống chuẩn, nên 5 sào mía của gia đình tôi luôn cho sản lượng mật cao. Năm nay, tôi đã mạnh dạn mở rộng diện tích lên 6 sào để tăng thu nhập cho gia đình".
Bà Liệu cũng cho biết thêm, trồng mía là công việc vất vả, công chăm sóc nhiều, nhất là công vun đất. Nếu vun không cao thì sau một đợt mưa kèm chút gió sẽ làm đổ rạp hết cả vườn, khiến mía mất độ ngọt sắc, từ đó làm giảm chất lượng của mật.
Các thành viên trong HTX Dịch vụ mật mía Sơn Thọ đang tập trung làm cỏ và bón phân cho mía.
Để đủ nguồn nguyên liệu cho vụ mía tết, những ngày này, các thành viên trong HTX Dịch vụ mật mía Sơn Thọ đang tập trung chăm sóc những diện tích mía trồng sớm.
Chị Đoàn Thị Nhàn (thôn 1, xã Thọ Điền) - Giám đốc HTX Dịch vụ mật mía Sơn Thọ cho biết: “Năm ngoái là một năm thắng lợi toàn diện trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm của HTX. Do đó, để chuẩn bị đủ nguồn nguyên liệu cho vụ mật tết năm nay, HTX chúng tôi đã nâng diện tích trồng từ 5 ha lên 10 ha. Ngoài ra HTX còn liên kết với người dân trong và ngoài xã để trồng và bao tiêu sản phẩm.
Thời điểm này, HTX đang tập trung làm cỏ, bón phân cho 6 ha mía xuống giống sớm và tranh thủ thời tiết thuận lợi để tập trung “phủ xanh” những diện tích chưa sản xuất”.
Vụ mía năm nay, toàn xã Thọ Điền trồng mía 27 ha, tăng 10 ha so với năm 2020.
Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Điền Phạm Quang Tùng cho biết: "Vụ mía năm nay, toàn xã Thọ Điền sản xuất gần 27 ha mía, tăng 10 ha so với năm ngoái. Đến thời điểm này, 15 ha được xuống giống sớm đã lên xanh, người dân đang tập trung trồng hết diện tích còn lại.
Trung bình mỗi năm, làng mía Thọ Điền cung cấp ra thị trường gần 140 tấn mật thương phẩm, mang về cho người dân khoảng 4,5 tỷ đồng. Để nghề trồng mía ép mật không bị mai một, chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân xây dựng HTX Dịch vụ mật mía Sơn Thọ và hiện đang tiếp tục vận động người dân tham gia vào HTX để mở rộng quy mô, sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện thu nhập cho người dân".
Theo Chung Hoàn/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã