Sáng nay (03/8), sau khi đi vào khu vực Đông Bắc Bắc Bộ, bão số 5 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Hồi 13 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,7 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, trên khu vực trung du Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 01 giờ ngày 04/8, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,4 độ Vĩ Bắc; 103,8 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi Tây Bắc Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).
Do ảnh hưởng của bão, chiều và tối nay (03/8), ở vùng biển phía Bắc Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) có gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh.
Các tỉnh Quảng Ninh – Hải Phòng có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9; Các tỉnh ven biển Đồng Bằng Bắc Bộ có gió cấp 6, giật cấp 7, cấp 8; các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ có gió giật cấp 6, cấp 7. Ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 3 – 4m.
Bão số 5 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
Thông tin cảnh báo lũ lụt, ngập úng
Do ảnh hưởng trực tiếp của bão số 5, dự báo từ sáng ngày 3 tháng 8 đến ngày 4 tháng 8, các tỉnh Bắc Bộ sẽ có một đợt mưa vừa, mưa to đến rất to và dông. Từ ngày 3 đến ngày 4 tháng 8, trên hệ thống sông Hồng – sông Thái Bình có khả năng sẽ xuất hiện một đợt lũ vừa và lớn, với biên độ lũ lên từ 3 đến 5m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ ở thượng lưu các sông Lục Nam, sông Thương, sông Cầu, sông Thao, sông Lô có khả năng ở mức báo động 2 – báo động 3; ở hạ lưu lên trên mức báo động 1.
Lũ trên các sông suối nhỏ có khả năng lên trên mức báo động 3. Mực nước sông Hồng tại Hà Nội chịu ảnh hưởng điều tiết của các hồ thủy điện nhưng còn dưới mức báo động I. Đề phòng lũ quét, sạt lở đất xảy ra ở các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Lào Cai, Phú Thọ, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình... Đề phòng ngập úng ở các vùng trũng, ngập lụt ở các đô thị tại các tỉnh đồng bằng như Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nội, Hải Dương… Tình hình lũ còn diễn biến phức tạp, cần theo dõi tiếp tin lũ trong bản tin tiếp theo vào 10h30 ngày 3 tháng 8 năm 2013.
Trên địa bàn Hà Nội, mưa lớn xảy ra từ sáng sớm ngày 3/8. Lượng mưa đo được từ 4 giờ đến 10 giờ ngày 3 tháng 8, tại Láng 20,5mm; Phúc Tân 20,5mm; Định Công 15,5mm; Bưởi 21,7mm; Thượng Cát 23,8mm; Thanh Trì 27,4mm…Dự báo mưa sẽ tiếp tục tăng và sẽ gây ngập lụt cho khu vực nội thành Hà Nội. Đợt mưa này có khả năng gây ngập úng cho các tuyến phố nội thành Hà Nội từ 0,2 m đến 0,5 m; các điểm ngập sâu cần chú ý như: Đặng Thái Thân, Lê Trọng Tấn, Giải Phóng – Pháp Vân, ngã ba Trương Định – Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Khuyến, Định Công, Huỳnh Thúc Kháng, Trường Chinh – Tôn Thất Tùng, Giải Phóng, Giáp Bát, Thái Hà, Thái Thịnh, Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Thái Học, Cao Bá Quát, Tôn Đức Thắng - Văn Miếu, Nguyễn Du - Quang Trung, Ngã 5 Bà Triệu, Liên Trì - Nguyễn Gia Thiều, Thợ Nhuộm, Lĩnh Nam, Thuỵ Khuê, Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy…
Hoàng Nguyên ( Tổng hợp)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã