Tuy nhiên thực trạng về quy hoạch, sản lượng, chất lượng không đồng đều, thiếu liên kết khiến vựa trái cây cả nước luôn trong tình trạng được mùa rớt giá…
Được mùa rớt giá.
Những ngày qua chạy trên các tuyến Quốc Lộ 1A, 61, 91… tình trạng trái cây bày bán tràn lan, giá cả hạ thấp tận “đáy” vẫn tiếp diễn. Nhiều loại trái cây một thời nức tiếng, giá khủng ở vùng ĐBSCL cũng bị hạ tới mức không tưởng như thanh long ruột đỏ, có lúc giá chỉ còn 10.000 đồng/1kg (loại 2, 3). Hay như bưởi Năm Roi có lúc giảm còn 20.000 đồng/kg; vú sữa khoảng 7.000 đến 10.000 đồng/kg; chôm chôm đường còn 15.000 đồng/kg…
Ở Hậu Giang, đầu năm cam sành có giá từ 19.000 đồng đến 25.000 đồng/kg cam loại 1 và 17.000 đồng đến 20.000 đồng/kg cam loại 2. nhưng hiện nay giá loại 1, giảm còn 8.000 đồng đến 10.000 đồng/kg. Mặc dù giá đã rớt thảm nhưng thương lái thu mua lại vắng bóng, nhiều nhà vườn tỏ ra lo lắng
Không chỉ ở Hậu Giang, các tỉnh như Vĩnh Long, TP. Cần Thơ, Sóc Trăng cũng chung cảnh ngộ về giá cả. Ông Nguyễn Văn Điệu ở khóm 1, thị trấn Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long lo lắng: “Khoảng một tháng qua, giá cam sành liên tục giảm, từ 25.000 đồng/kg, còn 10.000 đồng/kg không thể tưởng tượng nổi”. Thời gian này đang bước vào mùa thu hoạch rộ cam sành nhưng thương lái không thấy đâu. Trong vườn còn khoảng hơn 7 tấn cam sành vẫn còn neo lại chờ giá, ông Điệu chấp nhận “hên xui”.
Quốc lộ 57, từ Phà Đình Khao chạy qua Vĩnh Long về Bến Tre trái cây bày bán rất nhiều như, chôm chôm, sầu riêng, bưởi…giá giảm rất mạnh. Anh Nguyễn Huy Hoàng, chủ vườn tại xã Long Thới, huyện Chợ Lách cho biết, năm nào cũng vậy cứ đến mùa thu hoạch trái cây, giá lại rớt thảm, trong các loại trái cây thì chôm chôm là trái rớt không phanh. Thương lái mua tại vườn còn 10.000 đến 15.000 đồng/kg, loại chôm chôm Thái so với giai đoạn mới vào vụ có lúc giá lên tới 120.000 đ/kg. Một số trái cây mặc dù được người dân cho ra trái nghịch mùa nhưng giá vẫn giảm, cụ thể tại huyện Mỏ Cày Bắc, bưởi da xanh của HTX Tân Long 2, xã Tân Thành Bình, giá vẫn giảm từ 60.000 đồng/kg còn 45.000 đ/kg, có lúc còn 40.000 đồng/kg. Sầu riêng cũng giảm nhưng đỡ hơn.
Trái cây ĐBSCL vẫn trong tình trạng được mùa rớt giá.
Khó như tiêu thụ trái cây “sạch”
Mặc dù Bộ NN&PTNT đưa ra kế hoạch thực hiện đến năm 2020, phải đạt 100% sản phẩm trái cây chủ lực trồng tập trung đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, trong đó, trên 50% sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng Việt GAP. Tuy nhiên theo Cục Trồng trọt, hiện nay ở khu vực ĐBSCL, diện tích cây ăn trái được chứng nhận Việt GAP ở các tỉnh phía Nam chưa nhiều, khu vực ĐBSCL chưa tới 1% trên tổng diện tích hơn 300.000 ha. Về diện tích trồng cây ăn trái được tập trung ở 8/13 tỉnh, nhiều nhất là Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh và TP Cần Thơ.
Tiền Giang từ xưa đến nay vẫn là tỉnh có vùng trồng trái cây lớn nhất của ĐBSCL với trên 73.000 ha, sản lượng ổn định khoảng 1,3 triệu tấn/năm. Những năm qua Tiền Giang được biết đến với 7 loại cây ăn trái chủ lực được quy hoạch như: Xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò, sầu riêng Ngũ Hiệp, dứa (khóm) Tân Phước, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, thanh long Chợ Gạo, sơ ri Gò Công.
Tiền Giang cũng là tỉnh đi đầu về thực hiện trồng trái cây “sạch” theo tiêu chuẩn Việt GAP. Qua trao đổi với các nhà vườn ở đây, hầu hết đều ghi nhận được thực tế việc sản xuất trái cây “sạch” rất gian nan, trong khi đầu ra của các sản phẩm này lại chưa ổn định. Nguyên nhân là sản phẩm sạch còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được các đơn hàng lớn mà các đối tác đưa ra.
Điển hình như bưởi Năm Roi Mỹ Hoà, sản phẩm này nổi tiếng nhiều năm qua và đáp ứng được nhiều thị trường khí tính như Nga, Anh. Tuy nhiên sản phẩm này lại chưa vào được thị trường này một cách ổn định vì số lượng không đáp ứng được đơn hàng. Đơn cử như trường hợp của HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hoà, đây cũng là nơi tập trung trồng bưởi Năm Roi nhiều nhất của Tiền Giang. Có lúc Nga sang tận HTX để ký hợp đồng xuất khẩu khoảng 200 tấn bưởi/tháng với giá 26.000 đồng/kg, nhưng HTX này phải ngậm ngùi từ chối vì không đủ số lượng xuất đi.
Theo Quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, vùng trái cây Nam Bộ đến năm 2020 có 12 loại trái cây chủ lực như: thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, bưởi, nhãn, chuối, dứa, cam, mãng cầu và quýt. Tuy nhiên một thực tế đáng buồn là tình trạng được mùa rớt giá vẫn diễn ra, thậm chí nhiều loại trái cây được chứng nhận “sạch”, đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP lại đang gặp khó. |
Quốc Trung/ddk.vn
(Còn nữa)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã