Từ vụ lúa hè thu năm 2016 đến nay, bà con nông dân xã Tân An (Tân Hiệp, Kiên Giang) đã liên kết với doanh nghiệp sản xuất lúa theo tiêu chuẩn quốc tế SRP, từ đó không còn lo đầu ra, góp phần khẳng định thương hiệu gạo Việt trên thị trường quốc tế.
Vừa xịt xong thuốc cho đám lúa xong, anh Nguyễn Thủy Triều, thành viên hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Kênh 5B gom hết bao bì, vỏ chai thuốc cho vào thùng chứa rác có đậy nắp phía sau nhà, rồi lấy tấm biển có đề dòng chữ “Cảnh báo - Ruộng vừa mới phun thuốc” cắm ngay đầu ruộng. Số thuốc còn thừa, anh bỏ vào tủ khóa lại.
Anh Triều là 1 trong 40 nông dân xã Tân An thực hiện thí điểm chương trình sản xuất lúa theo mô hình sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế SRP (Sustainable Rice Platform) do tổ chức SRP, Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) phối hợp Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời triển khai lần đầu tiên tại Việt Nam.
Anh Triều cho biết: Trước đây, cứ nhìn mặt ruộng nứt chân chim là cho nước vào, còn bây giờ làm lúa theo SRP chỉ cần xem mực nước trong các ống đo được đặt trên ruộng là biết ruộng có cần nước hay không. Còn khi xịt thuốc, ngoài tuân thủ liều lượng, nông dân còn mặc quần áo bảo hộ, khẩu trang, mắt kính, găng tay, ủng…
Nhờ tuân thủ đúng các quy trình canh tác, qua mô hình liên kết sản xuất lúa theo chuẩn quốc tế này, mỗi vụ lúa anh Triều lãi gần 25 triệu đồng/ha, tăng hơn 3 triệu đồng so hộ ngoài mô hình.
Theo kỹ sư Võ Thành Phong, trưởng nhóm “3 cùng” tại xã Tân An, những thay đổi mà anh Triều đang thực hiện chỉ là một vài điều kiện trong 46 tiêu chí mà chương trình SRP yêu cầu thực hiện trong các chu kỳ của lúa, gồm quản lý ruộng, chuẩn bị canh tác, sử dụng nước, quản lý dinh dưỡng, quản lý sâu bệnh, thu hoạch, sau thu hoạch, sức khỏe, an toàn, quyền lợi của người lao động.
Cũng theo kỹ sư Phong, có được thành công bước đầu như hôm nay, bà con nông dân tham gia mô hình sản xuất lúa theo chuẩn SRP gặp không ít khó khăn. Từ chỗ ngán ngại vì sợ sẽ khó thực hiện, nhưng được sự động viên của cấp ủy, chính quyền, nhất là Hội Nông dân xã Tân An, sự sâu sát của những kỹ sư chuyên môn giỏi, giàu tâm huyết của doanh nghiệp, qua gần 5 vụ sản xuất lúa áp dụng quy trình tiên tiến của SRP, bà con xã Tân An cho biết cũng không quá khó để thực hiện.
Theo ông Vũ Hùng Khanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX nông nghiệp Kênh 5B, khó nhất là ghi nhật ký đồng ruộng, các tên thuốc bà con không rành nhưng được lực lượng “3 cùng” của doanh nghiệp hướng dẫn nên cũng quen dần. Hoặc trước đây theo tập quán, cứ thấy người ta xịt thuốc là mình cũng xịt, nay nhờ anh em “3 cùng” hướng dẫn, các xã viên thực hiện theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp). Từ đó tiết kiệm được chi phí, giảm giá thành, lại được công ty bao tiêu với giá cao hơn thị trường 150 đồng/kg.
“Thực hiện thành công các tiêu chí của SRP không chỉ nông dân hưởng lợi, tăng thu nhập, bảo vệ môi trường, đầu ra được đảm bảo mà còn là cơ hội để nông dân Tân An góp phần khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam với quốc tế” - ông Khanh chia sẻ.
Qua khảo sát, đánh giá tại xã Tân An trong từng vụ lúa, các chuyên gia Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) đánh giá cao mức độ hợp tác của nông dân, lúa sinh trưởng rất đồng đều và tốt. Các tiêu chí sản xuất lúa theo SRP bà con thực hiện rất tốt. Hệ sinh thái trên đồng ruộng đạt được cân bằng sinh học, giữ được thiên địch có ích giúp ruộng giảm sâu hại.
Được biết, hiện chương trình SRP của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời và IRRI đang triển khai thí điểm trên diện tích 460ha ở 3 tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp. Tại Kiên Giang, công ty phối hợp các chuyên gia SRP chọn 145ha lúa của 40 nông dân xã Tân An làm thí điểm, hướng dẫn nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, sau đó sẽ nhân rộng ra các diện tích cánh đồng lớn.
Ông Phạm Xuân Thủy - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân An, cho biết: hững năm qua, mô hình sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế SRP ở HTX nông nghiệp Kênh 5B là điểm sáng giúp bà con thay đổi tập quán sản xuất, làm ra sản phẩm sạch, góp phần bảo vệ môi trường. Năm 2018, Hội Nông dân xã sẽ phối hợp Hội Nông dân huyện, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời nhân rộng mô hình, mở rộng vùng nguyên liệu… để tăng cường sản xuất lúa gạo bền vững, nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản xuất, giúp bà con sản xuất bền vững hơn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã