Vùng Đồng bằng sông Cửu Long được coi là vựa lúa lớn nhất cả nước, với mật độ canh tác 3 vụ/năm, trong đó hiệu quả nhất là 2 vụ Đông-xuân và Thu-đông. Tuy nhiên, với việc giá lúa gạo bấp bênh, tình hình xuất khẩu gạo gặp khó thì việc giảm diện tích đất lúa kém hiệu quả để chuyển sang trồng cây khác ở Đồng bằng sông Cửu Long đang là việc làm cấp bách. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng hiệu suất, giá trị và lợi nhuận cho nông dân đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long vùng tính toán thực hiện.
Hiện toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển đổi được 112 nghìn ha sản xuất lúa Xuân-hè sang các loại cây trồng khác như: Ngô, thanh long, vừng đen, ớt, dứa…, phần nào đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường, tăng hiệu quả kinh tế so với trồng lúa. Tuy nhiên, so với diện tích sản xuất lúa toàn vùng thì con số này vẫn còn khiêm tốn.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, để giúp người nông dân chuyển đổi giống cây trồng, các địa phương cần phải lựa chọn loại cây trồng phù hợp để hướng dẫn nông dân chuyển đổi. Trên cơ sở kết quả các mô hình và điều kiện cụ thể của địa phương để xác định các công thức luân canh giữa lúa và các cây trồng khác đảm bảo hiệu quả kinh tế cao nhất, đặc biệt, chỉ hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng khi nắm vững được thị trường tiêu thụ. Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nên tập trung chuyển đổi lúa sang trồng ngô, đồng thời tăng cường hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng ngô cho nông dân, nhằm giúp nông dân nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Được biết, ngay từ đầu năm 2014, Cục Trồng trọt, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã cùng các địa phương trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt qui hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa của cả nước, trong đó có vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến hết năm 2015, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phấn đấu chuyển từ trồng lúa sang trồng ngô là 30.000 ha; vừng, lạc là 11.000 ha; đậu tương 8.000 ha; rau dưa 27.000 ha; lúa kết hợp thuỷ sản 22.000ha; cây thức ăn gia súc là 6.000 ha và các cây trồng khác 8.000 ha. Đến năm 2020, tổng diện tích gieo trồng lúa chuyển đổi sang các cây trồng khác của toàn vùng này phấn đấu là trên 200 nghìn ha, chủ yếu là ngô, đậu tương, dưa rau; lúa kết hợp thuỷ sản; cây thức ăn gia súc… Trước mắt, là giảm diện tích lúa ở vụ Xuân-hè, Hè-thu, những diện tích trồng lúa kể cả vụ Đông-xuân có năng suất thấp, chất lượng gạo thấp, hiệu quả không cao so với trồng cây màu.
Để việc chuyển đổi đạt hiệu quả, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành chức năng và các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần có các giải pháp cụ thể để thực hiện, đó là: Phải hoàn thiện về thể chế và chính sách hỗ trợ chuyển đổi trên đất trồng lúa; hoàn thiện hạ tầng, đặc biệt là thuỷ lợi của các vùng chuyển đổi; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, khuyến nông phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, cơ giới hoá sản xuất…
Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây khác là giải pháp nhằm thực hiện Đề án: “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, nhằm duy trì và sử dụng linh hoạt 3,8 triệu ha diện tích đất trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nâng cao thu nhập cho người sử dụng đất trồng lúa.
Thời gian qua, các địa phương, doanh nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bước đầu, nhiều tỉnh đã tổng kết thành các gói quy trình kỹ thuật tương đối đồng bộ, phục vụ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô, đậu tương, lạc, vừng... Các sản phẩm ngô, đậu tương, vừng, dưa, rau có thị trường tiêu thụ tốt, nhất là ngô và đậu tương. Việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các loại cây khác ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long bước đầu cho thấy cây màu, cây ăn trái hiệu quả cao hơn lúa, đồng thời giải quyết được việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Luân canh cây trồng cũng góp phần hạn chế sâu bệnh gây hại cho lúa và giảm được áp lực nước tưới trong thời điểm nắng hạn. Ngoài ra, việc chuyển đổi cũng làm tăng thêm nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn, hạn chế việc nhập khẩu nguyên liệu, từ đó giảm giá thành chăn nuôi. Nhiều mô hình chuyển đổi ở các tỉnh như: Hậu Giang, Tiền Giang, Long An, An Giang, thành phố Cần Thơ …đã giúp cho người nông dân vất vả, "một nắng, hai sương" với cây lúa trở thành những tỷ phú, không chỉ thoát nghèo mà còn giúp nhiều hộ khác ở địa phương mình cùng vươn lên làm giàu.
Tỉnh Long An có diện tích sản xuất lúa khoảng 510 nghìn ha và đã chuyển đổi được 3 nghìn ha đất trồng lúa sang các loại cây nông nghiệp khác như: Thanh long, chanh, ngô, trong đó, diện tích chuyển đổi nhiều nhất là cây thanh long, chiếm 3.500 ha. Ông Nguyễn Hoàng Khải - người dân ở ấp Mỹ Xuân, xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành cho biết, trước khi chuyển đổi, gia đình ông sản xuất 1 ha lúa với 3 vụ/năm, lợi nhuận từ 3 vụ lúa này khoảng 60 triệu đồng/ha. Khi ông chuyển sang trồng thanh long, kể cả khi thanh long xuống giá thấp nhất, ông vẫn thu lãi khoảng 250 triệu đồng/ha/năm. Còn với giá thanh long khoảng 20.000 đồng/kg sẽ cho lãi từ 350 – 400 triệu đồng/ha/năm, cao hơn nhiều so với cây lúa.
Thành phố Cần Thơ hiện có 90 nghìn ha sản xuất lúa. Địa phương này cũng đã chuyển đổi 9 nghìn ha đất trồng lúa sang trồng các loại cây khác như: Vừng đen, ớt, dưa hấu và các loại nông sản khác. Theo chị Phan Thị Hiệu (ở phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ), gia đình chị có trên 1 ha trồng lúa suốt 3 vụ, nhưng chỉ có vụ Đông-xuân và Thu-đông cho năng suất cao, có lãi, còn vụ Xuân-hè lãi rất ít. Vì vậy, gia đình chị sau khi đi học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương khác đã chuyển vụ lúa Xuân-hè sang trồng vừng đen. Với vụ đầu, năng suất đạt 1,5 tấn/ha, giá bán khoảng 32 nghìn đồng/kg, gia đình chị đã thu lãi 30 triệu đồng/ha, gấp 6 lần so với lúa. Có những lúc thị trường vừng đen khan hiếm, giá lên từ 60.000 đồng đến 70.000 đồng/kg. Do đó, chị Hiệu đã quyết định chuyển sang trồng 2 vụ lúa/năm, vụ Xuân-hè chỉ trồng vừng và còn thuê thêm đất để trồng.
Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, nhờ chuyển đổi từ trồng lúa sang cây ăn trái nên đã có những chuyển biến tích cực. Nếu những năm trước đây, đa phần đất nông nghiệp ở xã chủ yếu canh tác cây lúa và cây mía thì hiện nay, nhiều người dân đã mạnh dạn chuyển sang trồng cam sành. Thực tế, chỉ khoảng 2 năm gần đây, số vườn cam trên toàn xã đã tăng nhanh chóng và chiếm hơn 90% tổng số diện tích cây ăn trái của xã Tân Long. Hầu hết ở các ấp: Phụng Sơn, Thạnh Lợi B, Thạnh Lợi C, Phụng Sơn A đều chuyển đổi sang trồng cam. Chính quyền địa phương xác định, cây cam sành là một trong những loại cây trồng có giá trị kinh tế, mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho người dân. Nguồn lợi nhuận từ cây cam sành mang lại cao gấp 4-5 lần so với trồng lúa 3 vụ trong năm trên cùng một diện tích. Nhờ sự chuyển đổi này, nhiều gia đình đã trở nên khá giả, điển hình như gia đình ông Huỳnh Văn Đức. Bước vào vụ thu hoạch thứ ba, vườn cam hơn 7.000m2 của ông đã sai trái. Hàng năm, nhà ông Đức thu về cả tỷ đồng.
Lãnh đạo xã Tân Long cho biết, xã gần 2 vùng cam sành là huyện Châu Thành và thị xã Ngã Bảy nên việc lo đầu ra cho cam thương phẩm không quá khó khăn. Do đó, chính quyền xã đã vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Ngoài việc hỗ trợ từ các nguồn vốn vay, địa phương phối hợp với các đại lý trên địa bàn cùng với các ngành chuyên môn để liên kết và hỗ trợ về khoa học kỹ thuật cho người dân để bà con yên tâm canh tác.
Có thể khẳng định, việc chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng các loại cây khác ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang có những thuận lợi nhất định, do có sự tham gia tích cực của các cấp bộ, ngành, địa phương và một số doanh nghiệp vào cuộc. Cùng với đó là qua thực tế mỗi mùa vụ, người nông dân thu nhập ngày một cao, nên tích cực tham gia vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên mảnh đất của mình.
Tuy nhiên, theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), việc chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn hàng loạt khó khăn, trở ngại, đó là: Giữa doanh nghiệp và nông dân chưa có sự kết nối, chưa có sự thỏa thuận giữa đầu tư và giá cả thu mua; chưa có hệ thống thủy lợi nào chủ động tưới cho cây trồng cạn như: Ngô, đậu tương. Trồng lúa tuy hiệu quả thấp nhưng lúa vẫn tiêu thụ được, trong khi chuyển sang các loại cây trồng khác thị trường tiêu thụ chưa ổn định, khó dự báo, tạo tâm lý không an tâm đối với người sản xuất. Hiện cũng chưa có gói kỹ thuật để tập huấn và khuyến cáo sản xuất theo mùa vụ, tiểu vùng sinh thái, cây trồng chuyển đổi, đối tượng tập huấn. Riêng đối với cây ngô, kỹ thuật canh tác còn kém, giá thành cao, lợi nhuận của nông dân thấp khi phải cạnh tranh với ngô nhập khẩu. Đáng chú ý là, việc chuyển đổi còn mang tính tự phát. Các địa phương chưa hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi với những giải pháp đồng bộ về vụ, vùng chuyển đổi, cây trồng và kỹ thuật, tổ chức sản xuất - tiêu thụ sản phẩm. Do vậy, làm mô hình thì thành công, song chưa thể nhân được ra diện rộng.
Thiết nghĩ, để giải quyết những khó khăn trong việc chuyển đổi cây trồng ở Đồng bằng sông Cửu Long, Nhà nước cần có thêm nhiều chính sách hơn nữa hỗ trợ đủ sức hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp liên kết với nông dân hình thành những vùng chuyển đổi tập trung, tạo khối lượng hàng hóa lớn, đủ điều kiện xây dựng cơ sở chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Từng địa phương cần có quy hoạch cụ thể vùng chuyển đổi tập trung để đầu tư cải tạo hệ thống thủy lợi phù hợp với cây trồng chuyển đổi, nâng cao hiệu quả đầu tư. Các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng cần có các giải pháp kỹ thuật, công nghệ đồng bộ chuyển giao cho nông dân mới đảm bảo đạt năng suất cao. Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo bộ giống cây màu phù hợp với khu vực này, có các gói giải pháp kỹ thuật đồng bộ từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm. Cơ quan khoa học và doanh nghiệp cần chế tạo, cải tiến các loại máy móc phục vụ làm đất, lên luống, gieo hạt, làm rãnh, chăm sóc, thu hoạch và làm khô sản phẩm phù hợp với vùng để chuyển giao cho nông dân.
Chỉ với sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, cùng các đơn vị khoa học chuyên ngành, bà con nông dân vùng Ðồng bằng sông Cửu Long mới có thể tăng thu nhập một cách bền vững từ việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa./
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã