Gieo lúa… gặt rơm
Những cánh đồng thôn 6, thôn 7 xã Cẩm Huy (Cẩm Xuyên) nhìn từ xa đã thấy bông lúa cúi hẳn dù theo lệ thường khoảng hơn tuần lễ nữa sẽ vào kỳ thu hoạch. Bởi vậy, nhiều ngày nay, bà con nơi đây chẳng buồn nghĩ đến chuyện đồng áng.
Bà Trần Thị Lượng (thôn 7) cho biết: “Lúa này chẳng thể cho thu hoạch nữa, gặt về cũng chỉ làm rơm. Bây giờ còn phải lo tiền gặt nữa, chẳng lẽ để vậy thì không thể làm mùa sau được. Nóng ruột, nóng gan, nhiều ngày nay, tôi đạp xe đi khắp nơi để tìm cách cứu lúa. Tôi đã phun 3 lần, nước trổ xanh mươn mướt thế mà chỉ ít hôm là bông bắt đầu xám dần, rồi chuyển sang màu trắng đục, lép lửng. Bây giờ, cầm bông lúa chẳng được mấy hạt”.
Đa phần ruộng lúa bà Lượng không thể cho thu hoạch
Chẳng riêng gì Cẩm Xuyên, bệnh đạo ôn cổ bông còn hoành hành khắp các địa phương trong tỉnh. Đức Thọ là địa phương có diện tích nhiễm lớn nhất với trên 1.500 ha, trong đó có đến 300 ha chịu mất trắng.
Chị Trần Thị Sơn (thôn Thịnh Cường, xã Đức Long) cho biết: “Nhà làm 8 sào ruộng thì 6 sào lúa Thiên ưu không còn gì để thu hoạch. Mặc dù trước đó tôi đã phun phòng ngay từ đầu vụ và liên tiếp đến 3 lần nhưng không kịp trở tay với dịch bệnh. Toàn bộ thu nhập của gia đình chỉ trông chờ mấy sào ruộng, giờ chẳng biết tính sao”.
Theo khảo sát mới nhất của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh có gần 5.300 ha bị nhiễm đạo ôn cổ bông, tỷ lệ gây hại phổ biến khoảng trên 50%, cá biệt có nơi lên đến 90%. Đồng nghĩa với việc, hàng nghìn ha vụ lúa xuân 2017 sẽ đối mặt với mất trắng!
Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Dịch bệnh đạo ôn cổ bông gây hại trên diện tích rộng, mức độ gây hại lớn như vụ xuân năm nay là chưa từng xảy ra. Mặc dù so với tổng diện tích toàn tỉnh (59.000 ha) thì tỷ lệ chiếm nhiễm bệnh không phải là lớn (7 - 8%) nhưng nó gây tụt giảm năng suất, ảnh hưởng đến an ninh lương thực và cuộc sống của từng hộ gia đình, từng người dân”.
Thiên ưu 8 - “kẻ tội đồ”?
Điều làm bà con nông dân hoang mang chính là dịch bệnh chủ yếu tập trung ở giống Thiên ưu 8 - giống lúa được cho là ưu việt và có thời gian thử thách khá dài trên đất Hà Tĩnh. Anh Nguyễn Xuân Hải (thôn 6, xã Cẩm Huy, Cẩm Xuyên) không khỏi lo lắng: “Vì năm ngoái được mùa nên năm nay tôi làm 4 sào Thiên ưu 8, thế mà không hiểu lý do gì bệnh đạo ôn lại tàn phá nặng nề như thế. Bây giờ, chắc chắn là mất trắng rồi. Ở xã này, có cả trăm ha bị nhiễm bệnh, gần như tất cả đều là giống lúa này”.
Toàn huyện Đức Thọ có chừng 300 ha "gieo lúa... gặt rơm". (Ảnh: Ngọc Thanh)
Đến thời điểm này, Thiên ưu 8 - giống lúa do Công ty CP Giống cây trồng Trung ương chọn tạo đã có mặt trong bộ giống chủ lực của Hà Tĩnh được 3 năm, trên cả hai vụ sản xuất là vụ hè thu và vụ xuân. Năng suất cao (58 - 60 tạ/ha), chống chịu sâu bệnh tốt và gạo ngon mà chẳng mấy chốc giống lúa thuần chất lượng này đã chiếm được lòng tin của người nông dân.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT phân tích: “Vụ xuân 2017 diễn ra trong thời tiết đặc thù, đầu vụ không rét đậm, rét hại; nhiệt độ bình quân thấp và thay đổi đột biến. Điều này, xảy ra hệ quả lúa sinh trưởng dinh dưỡng rất mạnh ở thời kỳ thân và lá, khiến cho hiện tượng mất cân đối dinh dưỡng diễn ra, trong khi đó thuốc phun phòng trừ không phát huy hết hiệu quả vì gặp thời tiết bất lợi. Do vậy, mặc dù bệnh đạo ôn ở giai đoạn lá không xảy ra “cháy” nhưng đạo ôn cổ bông vẫn phát sinh diện rộng. Hiện, bệnh đang xảy ra trên một số giống: Thiên ưu 8, VTNA2, P6, Xi23. Riêng đối với Thiên ưu, qua nhiều năm sản xuất thử và 3 năm cơ cấu chủ lực, bệnh đạo ôn gần như chưa xảy ra”.
Cũng theo ông Thanh, còn một nguyên nhân rất lớn liên quan đến chủ quan của người sản xuất chính là tâm lý ngại phun thuốc trừ sâu ở thời gian đầu vì thấy lúa sinh trưởng tốt mà không lường hậu quả.
Nhìn lại quá khứ, Thiên ưu 8 cũng là giống lúa được “điểm mặt” khá nhiều trong đợt lúa chết rét do ảnh hưởng rét đậm, rét hại vụ xuân 2016; nay là đạo ôn cổ bông. Phải chăng Thiên ưu 8 không làm tròn thiên chức mà ngành nông nghiệp Hà Tĩnh tin tưởng?!.
Chưa bàn đến chuyện chất lượng giống có tốt hay không, nhưng để một loại giống được quảng cáo kháng đạo ôn lại phát sinh trên diện rộng và mức độ gây hại nặng nề như hiện nay là điều ngành chuyên môn nên xem xét lại. Đó là chưa kể việc cơ cấu với diện tích quá rộng “phổ cập” tất cả vùng sinh thái của một loại giống khiến cho việc xử lý hậu quả không kịp trở tay.
Theo Nguyễn Oanh/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã