Mưa đã qua 2 ngày, nhiều diện tích lúa vẫn đang "no" nước |
Hà Tĩnh đã trải qua một kỳ nắng hạn kéo dài suốt từ ngày xuống giống đến kỳ tỉa dặm, bón thúc. Nền nhiệt luôn ở mức cao, những cơn mưa nhỏ giọt không đủ thấm đất, nơi chủ động nguồn nước thủy lợi còn đỡ, nơi xa kênh tưới, chân ruộng đã nứt nẻ, khô trắng đồng. Chỉ mới mấy ngày trước, bà con nông dân đang đối mặt với nỗi lo hạn hán thì liên tiếp trong 2 ngày, từ ngày 22 - 23/6 trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra mưa lớn. Lượng mưa đo được ở các đài thủy văn giao động từ 180 mm - 250 mm, nước sông liên tục dâng cao. Đây được xem là đợt mưa lớn nhất từ đầu mùa đến nay.
Mưa lớn đã khiến 10.325 ha lúa hè thu và hơn 1.000 ha vừng, đậu bị ngập úng. Trong đó, địa phương có diện tích ngập lớn nhất là Can Lộc (5.500 ha); Thạch Hà (5.000 ha) và Cẩm Xuyên (2.000 ha). Bà Bùi Thị Năm, xóm Tiến Bộ, Thạch Tân (Thạch Hà) cho biết: “Mới mấy ngày trước còn chắt bòn từng giọt nước vào ruộng, thế mà chỉ sau một đêm đã ngập trắng đồng. Cũng may là ruộng gia đình tôi chỉ mới lấy xong nước, chưa kịp bón thúc chứ có nhà vừa bỏ đạm xuống đồng là mưa ập xuống xóa băng cả”.
Theo bà con nông dân thì trận mưa trùng vào dịp đổ nước thủy lợi lần hai, các trục tiêu không mở kịp do mưa diễn ra quá nhanh với cường độ lớn khiến cho diện tích bị ngập úng càng rộng, một số diện tích lúa, đậu bị ngập sâu buộc phải gieo cấy lại. Ngoài bị ngập nước, một số diện tích đã tiến hành tỉa dặm và bón thúc bị rửa trôi đạm, làm ảnh hưởng đến kinh tế của bà con nông dân.
Nước rút, bà con nông dân xã Thạch Đài xuống đồng tỉa dặm cho lúa |
Ông Nghiêm Sỹ Đông, phụ trách phòng NN&PTNT huyện Đức Thọ cho biết: “Toàn huyện có 782 ha lúa và 321 ha đậu hè thu bị ngập trắng, trong đó có khoảng 150 ha đậu vừa gieo trỉa buộc phải làm lại. Một phần nguyên nhân là do một số công trình, dự án giao thông trên địa bàn đang thi công dang dở đã làm bồi lấp nhiều hệ thống tiêu úng của huyện, gây ra hậu quả khó tiêu úng, ngập cục bộ. Hiện nay, nước đã cơ bản rút dần khỏi mặt ruộng, huyện đang tập trung chỉ đạo các địa phương xuống đồng khơi thông dòng chảy, nhằm hạn chế tình trạng úng lâu ngày; tiến hành xới xáo, vun gốc cho đậu, tạo điều kiện cho cây phục hồi sau mưa”.
Nguồn nước phụ thuộc, địa hình không đồng đều, sản xuất lúa ở Lộc Hà có những khó khăn đặc thù so với các địa phương khác trong tỉnh. Ông Đặng Văn Hiển, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà cho hay, mới đầu vụ, nông dân còn lao đao với cảnh thiếu nước sản xuất thì nay lại phải đối mặt với nguy cơ ngập úng dài ngày. Trong ngày mưa thứ 2 (23/6), do Bara Đò Điệm gặp sự cố về điện nên không thể tiêu úng kịp thời cho vùng trũng của huyện. Trong khi đó, mưa với cường độ lớn, dồn dập đã dâng nước liên tục khiến cho hơn 1.000 ha lúa (phân bố chủ yếu ở Tân Lộc, Thịnh Lộc) bị ngập sâu. Hiện nay, huyện tập trung cao độ cho công tác tiêu úng, song đây là vũng thấp trũng, việc tiêu úng gặp nhiều khó khăn. Chưa chắc nước có thể rút hoàn toàn trong vài ngày tới, nguy cơ mất trắng 1.000 ha lúa là điều hiện hữu.
Dẫu vậy thì xét ở bình diện chung, theo các nhà chuyên môn, trận mưa vừa qua vẫn có lợi nhiều hơn hại. Mặc dù cường độ mưa tương đối lớn nhưng chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, trong khi đa phần diện tích chỉ bị ngập cục bộ, nước rút nhanh ngay sau khi ngớt mưa. Điều quan trọng, sau mưa, hồ đập, đồng ruộng sẽ được bổ sung một lượng nước đáng kể, góp phần tiết kiệm nước tưới, đồng thời “giải nhiệt” cho nỗi lo hạn hán cho vụ hè thu năm nay. Đủ nước cũng làm cho cây trồng sinh trưởng và phát triển đồng đều hơn.
Ông Lê Ngọc Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp Cẩm Xuyên cho biết: “Ngay trong ngày mưa đầu tiên, diện tích bị ngập lên đến 70%- 80% nhưng chỉ sau khi mưa ngớt, chỉ trừ vùng thấp trũng, còn lại nước rút rất nhanh. Trước mắt, mức độ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của lúa là không quá lo ngại, thậm chí nước được bổ sung mặt ruộng một cách đồng đều sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chăm sóc cây lúa. Theo đó, giúp lúa hè thu trổ bông đồng đều về thời vụ”.
Người ta vẫn thường ví “mưa tháng 6 máu rồng”, mưa kèm theo sấm, chớp còn quý hơn mấy lần bón đạm. Được bổ sung nguồn năng lượng quý giá, chắc chắn cây lúa sẽ tạo được sức bật về sinh trưởng sau một thời gian dài nắng hạn.
Theo dự báo, nắng nóng sẽ sớm quay trở lại trong vài ngày tới. Vì vậy, tiêu úng đến đâu, các địa phương phải tranh thủ tỉa dặm, bón thúc cho lúa đến đó nhằm tận dụng nguồn nước mặt trên đồng ruộng để cây hấp thu nguồn dinh dưỡng. Bên cạnh đó, cần sửa chữa, nạo vét lại các hệ thống thủy lợi bị hư hỏng trong đợt mưa vừa qua để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, nhằm bảo vệ năng suất cây trồng vụ hè thu 2013.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã