Đến hẹn lại lên
Theo người dân trồng nấm, nấm rơm hiện nay có thể trồng được quanh năm, nhưng sở dĩ gọi lúc này vào mùa, bởi vụ lúa Đông xuân bà con thường đốt đồng để tạo phân hữu cơ cho cây lúa, nên chỉ còn lại vụ Hè thu và Thu đông do trời mưa, nên đa phần nông dân đều bán rơm, chính vì vậy nghề trồng nấm phát triển mạnh trong 2 vụ này. Có người tận dụng rơm nhà chất nấm, riêng hộ nào có điều kiện thì mua rơm của các ghe chuyên đi mua từ nơi khác đem về đây bán lại.
Đang bơm nước ủ rơm, anh Phạm Hoàng Nam, ở ấp 2, xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, cho biết: “Năm nào cũng vậy, đến mùa thu hoạch lúa Hè thu thì nghề trồng nấm rơm của bà con nơi đây lại nhộn nhịp hẳn lên. Tôi đã theo nghề này được 3 năm và thấy có hiệu quả nên năm nay tiếp tục gắn bó, với hy vọng kiếm thêm chút đỉnh tiền thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình, nếu trông chờ vào 8 công ruộng thì cũng gặp nhiều khó khăn”.
Ngoài tận dụng rơm nhà đang ủ để chất nấm, trước đó anh Nam đã mua 2 ghe rơm (mỗi ghe khoảng 10-12 công rơm) và xuống được 133 bịch meo, hiện các giồng nấm rơm của anh đang trong giai đoạn thu hoạch.
Mỗi năm, anh Nam thường mua 30-40 ghe rơm từ các nơi chở về để chất nấm, với mục đích lấy công làm lời. Trong 3 năm qua, tình hình tiêu thụ nấm rơm tương đối thuận lợi và giá nấm rơm tươi cân tại nhà không dưới 20.000 đồng/kg, từ đó mỗi năm gia đình anh Nam có nguồn thu nhập vài chục triệu đồng.
Mặc dù, nghề trồng nấm rơm đang mang lại nguồn thu cao cho không ít người dân nông thôn, tuy nhiên, cái khó của nghề này là trong những năm gần đây, do bà con chuyển từ thu hoạch lúa bằng tay sang bằng máy gặt đập liên hợp nên nguồn nguyên liệu chính để chất nấm là rơm ngày một khan hiếm, giá rơm không ngừng nhích lên và người trồng nấm cũng thưa dần.
Hiện, các chủ ghe mua rơm của người dân có giá từ 110.00-120.000 đồng/công (tăng 20.000-30.000 đồng/công so với cùng kỳ), sau đó chở về bán lại với giá 150.000-160.000 đồng/công cho các hộ chất nấm. Với giá này, những hộ nào có kinh nghiệm trồng nấm mới dám mua, nếu không thì rất dễ bị lỗ tiền vốn.
Phong trào bán “nấm rơm đêm”
Một điều đặc biệt trong trồng nấm rơm hiện nay là, khoảng 2 năm trở lại đây, người trồng nấm rơm trên địa bàn huyện Long Mỹ rất ít thu hoạch nấm rơm vào buổi sáng sớm để bán, mà chuyển sang hái vào ban đêm (nấm đêm) do giá cả cao gần gấp đôi so với nấm thu hoạch ban ngày.
Theo đó, để có nấm đêm, bà con phải hái nấm trong thời gian khoảng 21 giờ đêm đến 2 giờ sáng và chờ đến khoảng 3-4 giờ sẽ cân cho thương lái chở đi các nơi tiêu thụ. Số ít nấm còn sót lại sẽ hái và cân cho các tiểu thương bán ngoài chợ.
Theo đó, nấm đêm hiện có giá từ 36.000-45.000 đồng/kg (tùy theo chất lượng nấm và điều kiện vận chuyển), còn nấm thu hoạch vào sáng sớm chỉ ở mức 22.000-25.000 đồng/kg, với mức giá nấm đêm hấp dẫn nên đa phần bà con đều chịu khó hái nấm đêm để bán.
Ông Nguyễn Vũ Phương, ở cùng ấp 2, xã Thuận Hòa, chia sẻ: “Bán nấm đêm đang trở thành phong trào của người trồng nấm trong lúc này. Ban đầu bà con cũng thấy hơi ngỡ ngàng nhưng dần cũng quen. Hái nấm rơm ban đêm tuy có cực, nhưng bù lại lợi nhuận cao gần gấp đôi so với hái nấm vào sáng sớm, nên ai nấy cũng đều hài lòng”.
Cũng theo ông Phương, năm nay do thời tiết không mấy thuận lợi, nên năng suất nấm đầu vụ tương đối thấp. Thông thường, một bịch meo nông dân có thể thu hoạch từ 3-4kg nấm rơm, nhưng hiện nay chỉ còn 1-2kg.
Ngoài yếu tố thời tiết, một nguyên nhân khác đang được nông dân nghi ngờ là chất lượng nguồn meo không đảm bảo. Bởi, cùng xuống meo một lượt nhưng một bao meo thì đạt năng suất cao, một bao thì thấp (hiện các cửa hàng bán 1 lần 1 bao meo gồm 133 bịch meo).
Do đó, bà con đang mong muốn các ngành chức năng có kế hoạch kiểm tra các cửa hàng bán meo để những đợt chất nấm tới đây không bị mua nhầm hàng kém chất lượng.
Hiện nay, Thuận Hòa là một trong những địa phương có số hộ trồng nấm rơm nhiều nhất của huyện Long Mỹ. Ông Trịnh Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Nghề trồng nấm rơm đã có từ lâu trên địa bàn, hiện toàn xã có hơn 20% hộ dân theo nghề.
Để giúp nông dân trồng nấm đạt hiệu quả, thời gian qua, địa phương đã phối hợp với trung tâm dạy nghề của tỉnh mở các lớp tập huấn về kỹ thuật và phương pháp trồng nấm cho nông dân.
Qua đây, góp phần giải quyết lao động nhàn rỗi nông thôn, tăng thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống và xem đây là nghề giúp bà con giảm nghèo hiệu quả, mang tính bền vững và đang được xã tiếp tục triển khai nhân rộng, nhất là những hộ có ít đất sản xuất…
Theo Hậu Giang Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã