Nông dân còn cho người tỉnh khác đến mướn đất trồng cam sành với giá 40 triệu đ/ha/5 năm. Việc tự phát chuyển đổi đất lúa và cho mướn đất trồng cam ồ ạt ảnh hưởng đề án quy hoạch vùng lúa chất lượng cao của tỉnh.
Để chuyển đổi 1 ha đất lúa sang trồng cam sành đến khi thu hoạch phải đầu tư ít nhất 250 triệu đ/ha. Nguồn vốn này hầu hết bà con phải vay ngân hàng. Nếu cây cam sành sau 3 năm trồng thu hồi đủ vốn thì năm thứ 4, thứ 5 thu trên 600 - 700 triệu đ/ha. Trong khi đó cam sành rất khó trồng, dịch bệnh luôn ảnh hưởng đến năng suất.
Đất lúa được nông dân chuyển sang trồng cam sành
Theo thống kê toàn xã có hơn 21 ha cho mướn đất trồng cam. Đây là vấn đề địa phương rất lo. Nếu giữ lại bờ bao để trồng cam sành thì sẽ không tốt, còn san xuống trồng lúa thì trong 3 năm đầu sẽ không đạt năng suất. Khó khăn đặt ra cho những nông dân chuyển đổi đất lúa sang trồng cam sành nếu không có hiệu quả và những hộ cho mướn đất bị trả lại.
Hiện tại, ấp Ông Chích, ấp Gạch Nghệ được xem là vùng trồng cam sành có hiệu quả nhưng cũng chỉ khoảng 50% diện tích ăn chắc, còn lại thì bấp bênh; có người không thu hồi được vốn. Những người trồng cam sành năm 2011 thì có ăn, những người trồng từ năm 2012 về đây thì hiệu quả thấp do dịch bệnh hoành hành trên diện rộng.
Xã đang tuyên truyền nông dân chuyển sang trồng cam sành cần phải đảm bảo cho hộ trồng lúa kế bên. Tuy nhiên, do trồng lúa bị trồng cam "bao vây", không còn đường đưa cơ giới vào thu hoạch đành phải... trồng cam. Những người không thạo trồng cam sành thì chọn giải pháp cho mướn đất 5 năm.
Ông Nguyễn Thanh Xuân, Bí thư Chi bộ ấp Trà Ốt nói: Nhiều người dân muốn giữ cây lúa cũng không được vì nước bơm lên ruộng bị rò rỉ sang vườn cam. Trồng lúa mà không giữ đủ nước thì làm sao có năng suất cao?
Nhà ông Bé có 1,2 ha đất trồng lúa nhưng đang bị vườn cam bao vây, bơm nước lên ruộng thì nước rút sang vườn cam kế bên hết sạch. Lớp nào bị chuột cắn phá, vườn cam chắn gió lúa cũng không đạt năng suất cao. Ông Bé rất băn khoăn không biết trồng lúa hay cam? Trong những hộ đã chuyển đổi đất lúa sang trồng cam thì hiệu quả chỉ đạt khoảng 50%, số còn lại rất bấp bênh.
Còn ông Lê Quang Sơn, ấp Trà Ốt nói: Năm 2011, 5.000 m2 đất lúa bị vườn cam bao vây. Bí quá phải bấm bụng chuyển sang trồng cam sành, cây được 18 tháng tuổi đang ở ngưỡng "5 ăn 5 thua".
Ông Nguyễn Thanh Xuân cho biết thêm: Nhiều người cho mướn đất 5 năm với giá 40 triệu đ/ha. Tiền nhận một lần xài dần cũng hết. Nếu cứ cái đà này thì sau 5 năm tỷ lệ hộ nghèo sẽ tăng trở lại là khó tránh khỏi.
Nguồn: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã