Ðứng trước cánh đồng lúa mì của gia đình, anh Sùng A Páo, thôn Cán Cấu, xã Ngải Thầu chỉ cho chúng tôi thấy những cây lúa mì bị nấm mốc bám trắng thân cây, nhiều cây có bông nhỏ, hạt lép. Anh Páo cho biết: Vào cuối tháng 10, gia đình tôi gieo 1 kg giống, nhưng đến khi thu hoạch thì chỉ được 10 kg hạt, năng suất theo khuyến cáo là 1 kg giống có thể thu về được hơn 20 kg hạt. Không chỉ riêng ruộng nhà tôi, các gia đình trong thôn đều bị như vậy.
Vụ đông 2014, huyện Bát Xát đưa vào trồng thử nghiệm cây lúa mì trên chân ruộng, nương ngô 1 vụ của 9 xã vùng cao, trong đó có Ngải Thầu. Trước đây, diện tích đất nông nghiệp của người dân chỉ trồng một vụ lúa hoặc ngô, nên đời sống còn nhiều khó khăn. Nhằm giúp người dân có thêm thu nhập, luân canh đất canh tác, ngành nông nghiệp huyện Bát Xát đã đưa lúa mì vào trồng tăng vụ. Thời gian đầu, cây lúa mì sinh trưởng tốt, người dân kì vọng sẽ cho một vụ mùa bội thu. Tuy nhiên, vào cuối tháng 12, trên địa bàn xuất hiện mưa tuyết, diện tích lúa mì của xã bị vùi lấp đúng thời điểm cây lúa mì sinh trưởng mạnh nhất. Thêm vào đó, cây lúa mì được trồng phù hợp nhất vào tháng 9 (sau khi thu hoạch xong ruộng lúa và ngô), nhưng vụ đông năm 2014, việc cung ứng giống muộn cũng ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa mì. Ước tính năng suất cây lúa mì của xã Ngải Thầu trong vụ vừa qua đạt khoảng 25 - 30 tạ/ha, chỉ bằng 50% năng suất kỹ thuật.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, dù năng suất lúa mì không cao như mong đợi, nhưng nhiều người dân vẫn đặt nhiều niềm tin vào cây trồng này. Anh Lù A Lềnh chỉ cho chúng tôi xem thành quả của vụ lúa mì vừa thu hoạch và chia sẻ: “Đầu vụ, mỗi gia đình trong thôn được phát 1 - 2 kg giống để trồng thử. Do chưa từng trồng lúa mì nên các gia đình trong xã không có kinh nghiệm, sâu bệnh nhiều nên lúa mì cho ít hạt. Tuy nhiên, sau 1 năm trồng thử nghiệm, người dân đã có chút kinh nghiệm chăm sóc, sang năm các gia đình trong xã sẽ trồng nhiều hơn. Nếu không trồng lúa mì thì hết mùa người dân trong xã không có việc làm lại phải đi nơi khác làm thuê, đất đồi để không gây lãng phí”.
Cũng như anh Lềnh, đa số người dân Ngải Thầu vẫn đặt niềm tin vào cây lúa mì, dù không đạt năng suất như dự kiến trong vụ đầu tiên, nhưng đó là do yếu tố khách quan mang lại. Họ vững tin vào cây lúa mì bởi từ 20 - 30 năm trước, người dân Ngải Thầu đã từng trồng lúa mì để cứu đói. Cây lúa mì phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây nên người dân càng tin hơn vào những vụ sau. Ngoài ra, dù lúa mì cho năng suất không như mong đợi ở Ngải Thầu, nhưng tại Dền Sáng, A Lù, cây lúa mì vẫn sinh trưởng và cho năng suất khả quan.
Ông Lồ A Sính, Chủ tịch UBND xã Ngải Thầu nhận định: “Lúa mì có ưu điểm chịu lạnh, chịu hạn và ít sâu bệnh nên rất thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương. Vụ đầu tiên khảo nghiệm, nên khung thời vụ cần những điều chỉnh và đúc kết kinh nghiệm phòng, trừ sâu bệnh để vụ sau đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Vụ đông những năm tiếp theo, nếu có giống, người dân Ngải Thầu vẫn sẽ trồng lúa mì để tăng vụ”.
Với niềm tin ấy, cây lúa mì hứa hẹn mở ra hướng đi mới trong thâm canh tăng vụ ở xã vùng cao nhiều khó khăn như Ngải Thầu và các xã vùng cao khác của huyện Bát Xát. Ở phạm vi khác, cây lúa mì còn mở ra tương lai mới cho ngành nông nghiệp của cả nước khi cây trồng này phát triển trên diện rộng bởi gần như 100% lượng bột mì của cả nước hiện vẫn lệ thuộc vào nhập khẩu.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã