Nhà chức trách Ấn Độ cho biết sâu xanh mùa thu (fall armyworm), loài sâu bệnh chuyên ăn ngô cùng các cây trồng chủ lực khác, đã được tìm thấy ở bang Karnataka, CNN đưa tin. Tại bang láng giềng Tamil Nadu, khoảng 15% - 20% cây ngô tại Đại học Nông nghiệp Tamil Nadu có dấu hiệu của loài sâu bệnh này.
Sâu xanh mùa thu đã tàn phá cây trồng tại hơn chục quốc gia châu Phi, một số khu vực tại Zimbabwe, tỷ lệ cây trồng bị phá hoại lên tới 70%. Theo Trung tâm Nông nghiệp và Khoa học Sinh học Quốc tế (CABI) và Bộ Phát triển Quốc tế Anh, các quốc gia châu Phi sẽ thiệt hại từ 2,4 tỷ USD đến 6,1 tỷ USD.
Một con sâu xanh mùa thu tấn công ngô ở Vihiga, Kenya. (Ảnh: Getty Images) |
Giới chức Ấn Độ cùng các nhà quan sát lo ngại hậu quả tương tự tại tiểu lục địa.
“Sâu chắc chắn sẽ lan sang các quốc gia láng giềng phía đông Ấn Độ”, Roger Day, giám đốc chương trình Hành động về Xâm lấn tại CABI, nói. Nhiều khu vực ở Đông và Đông Nam Á có “môi trường thuận lợi” để sâu xanh mùa thu phát triển mạnh. Ông liệt kê một số cái tên như Bangladesh, Myanmar, Lào, Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Indonesia và Trung Quốc.
Con người khó có thể đối phó sâu xanh mùa thu. Những nỗ lực tốn kém đã được triển khai nhằm ngăn chặn chúng hầu hết đều không thành công.
Với việc đã phát hiện sâu tại ít nhất hai bang, SK Jalali, nhà khoa học tại Hội đồng Ấn Độ về Nghiên cứu Nông nghiệp (ICAR), cho biết ông cùng các đồng nghiệp đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. “Sâu bệnh sẽ lây lan thế nào? Chúng tôi vẫn chưa rõ”.
Các phòng thí nghiệm khắp Ấn Độ đã được cảnh báo và nhận yêu cầu tự làm khảo sát nhưng có thể đã quá muộn để ngăn sâu lây lan.
“Có vẻ như chúng đã hiện diện được một thời gian. Tôi không bất ngờ nếu chúng đã lây lan vượt qua Karnataka”, Day cho biết.
Sự phá hoại tại Ấn Độ đang được nhiều tổ chức quốc tế theo dõi, trong đó có CABI và Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO).
Theo Day, mục tiêu đề ra là kiểm soát hơn là xóa bỏ. Các nhà khoa học và nghiên cứu đã xây dựng các cách để làm chậm quá trình lây lan hoặc ngăn phá hoại bằng thuốc trừ sâu sinh học. Tuy nhiên, Jalali cảnh báo sự phá hoại vẫn mới chỉ ở giai đoạn đầu, “chúng tôi không biết thứ gì sẽ có tác dụng”.
Do tốc độ sâu bệnh tăng, Ấn Độ cần hành động nhanh trong đánh giá ảnh hưởng và cung cấp thuốc trừ sâu cần thiết cho nông dân.
Nhưng như vậy cũng vẫn chưa đủ để xóa bỏ sâu bệnh, Day nhận định. “Đó là vấn đề sẽ không biến mất. Giờ chúng đã ở châu Á, chúng sẽ là vấn đề dài hạn với châu Á”.
Sâu xanh mùa thu dài khoảng 2,5 cm, có nguồn gốc từ những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Mỹ, có thể di cư với khoảng cách lớn và sẽ phát triển thành ngài. Hiện chưa có giải pháp nào có thể diệt loại sâu này trên diện rộng. Chúng thích ăn ngô nhưng cũng xuất hiện trên mía, lúa, bông và các loại rau.
Ngô là câu trồng quan trọng thứ ba tại Ấn Độ, theo Bộ Nông nghiệp và Phúc lợi Nông dân Ấn Độ. Ước tính, sản lượng ngô của nước này trong năm ngoái là 18,73 triệu tấn.
Tại nam châu Phi, sâu xanh mùa thu tàn phá ngô. Zambia thậm chí còn triển khai không quân để giúp phun thuốc trừ sâu tại những khu vực bị ảnh hưởng.
Khả năng lây lan giữa các quốc gia và lục địa của sâu xanh mùa thu phụ thuộc vào việc vận chuyển các sản phẩm nhiễm bệnh. Trong khi đó, ngài trưởng thành có khả năng bay xa để sinh sản.
“Không thể nào tìm và diệt tất cả”, Day nói. “Chúng lây lan quá nhanh”.
FAO lo ngại sâu xanh mùa thu ở Ấn Độ “khả năng cao” lây lan với Đông Nam Á và miền nam Trung Quốc có nguy cơ cao nhất. FAO đang cử chuyên gia tới hỗ trợ nông dân và chính phủ tại khu vực, giúp họ ứng phó với sâu xanh mùa thu.
Sâu xanh mùa thu. (Ảnh: Getty Images) |
“Sâu xanh mùa thu có tác động phá hoại lớn với các quốc gia sản xuất ngô và gạo tại châu Á, chủ yếu là với những nông dân quy mô nhỏ, sinh kế phụ thuộc vào cây trồng”, Kundhavi Kadiresan, Trợ lý Tổng giám đốc FAO, Đại diện Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nói. Bà mô tả sự xuất hiện của loài sâu đang di chuyển theo phía đông Trái Đất này là “mối đe dọa không thể phớt lờ”.
Nông dân quy mô nhỏ chiếm 80% tổng diện tích canh tác tại châu Á, nơi có hơn 200 triệu hecta trồng ngô và lúa mỗi năm, theo FAO.
Trung Quốc là quốc gia trồng ngô lớn thứ hai thế giới, hơn 90% sản lượng lúa được sản xuất và tiêu thụ tại châu Á – Thái Bình Dương.
Dù có nguồn gốc châu Mỹ, sâu xanh mùa thu lại hoành hành chủ yếu tại châu Phi trong hai năm qua, ảnh hưởng hàng triệu hecta ngô và lúa miến. Chúng được phát hiện lần đầu ở Nigeria vào tháng 1/2016. Hai năm sau, chúng lây lan tới vùng cận Sahara châu Phi, chỉ loại trừ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ xa nhất ở phía bắc.
FAO lập tức triển khai biện pháp đối phó loài sâu này tại châu Phi và giúp các quốc gia giảm nhẹ thiệt hại. Cơ quan này đã hỗ trợ hơn 30 dự án tại châu lục để đối phó sâu.
Hans Dreyer, Giám đốc Bộ phận Sản xuất và Bảo vệ Cây trồng, FAO, tin hành động tại châu Phi có thể giúp ích cho châu Á.
“Phần lớn những gì FAO thực hiện ở cận Sahara châu Phi có thể áp dụng ở châu Á”, Dreyer nói. “Chúng bao gồm các khuyến nghị về quản lý thuốc trừ sâu, giám sát và cảnh báo sớm, hướng dẫn thực tế cho nông dân, nhân viên khuyến nông về cách tốt nhất để kiểm soát loài sâu này”.
Tác giả bài viết: VĂN VIỆT
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã