Lợi ích
Xã Vĩnh Phước phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển nông nghiệp (ĐH An Giang) tổ chức ngày hội nhằm kết nối sản phẩm lúa mùa nổi với thị trường tiêu thụ tiềm năng. Quảng bá hình ảnh cây lúa mùa nổi gắn với phát triển tiềm năng du lịch nông nghiệp mùa nước nổi. Đồng thời, làm cầu nối gắn kết nhà nông - nhà khoa học - nhà quản lý, DN tiêu thụ gạo và kinh doanh du lịch.
Theo nghiên cứu, lúa mùa nổi được người dân canh tác trong hàng trăm năm qua. Đây là giống lúa truyền thống có thể đạt đến độ cao 7 m theo con nước lũ. Trong khi đó, phần lớn diện tích của tỉnh An Giang nằm ở thượng lưu vùng ĐBSCL hiện đang bị ngập lụt nhiều tháng trong năm.
Tuy nhiên, diện tích lúa nổi đang bị suy giảm nghiêm trọng do việc xây dựng hệ thống đê bao SX 3 vụ lúa/năm. Việc này dẫn đến nguy cơ xâm nhập mặn gia tăng, nước tràn vào các thành phố… khi không còn là vùng trữ lũ. Để cải thiện và tạo động lực trong việc canh tác lúa mùa nổi, Chương trình Quản lý tổng hợp ven biển (ICMP) do Chính phủ Đức, Úc và Việt Nam thực hiện sáng kiến này.
Đến nay, việc SX cho thấy nhiều lợi ích thiết thực. Ông Nguyễn Văn Nào ở ấp Vĩnh Lợi canh tác 5 ha lúa mùa nổi (giống Bông Sen) cho biết: "Trước đây, diện tích đất nơi đây nhiễm phèn nặng nên không làm được các giống lúa thuần nông, chỉ làm lúa mùa nổi. Tuy năng suất chỉ ở mức 1 - 1,2 tấn/ha và canh tác một vụ/năm nhưng loại này nông dân không cần phải bỏ chi phí đầu tư phân bón, thuốc BVTV nên mỗi ha cho lợi nhuận khoảng 8 - 9 triệu đồng. Trong khi đó, thu hoạch lúa chỉ là thứ yếu, điều nông dân thật sự cần là phù sa được bồi lắng và thân rạ dài đến 3 m nên tạo ra nguồn sinh dưỡng tuyệt vời cho canh tác hoa màu".
Ông Lê Văn Trống cùng ấp Vĩnh Lợi cho biết: "Đối với dân làm rẫy, việc ủ rơm rạ cho đất rất cần thiết, vừa để giữ ẩm, cung cấp chất dinh dưỡng hữu cơ… Đất lúa sau khi thu hoạch, nhiều nông dân chấp nhận thuê lại với giá 4 triệu đ/công để trồng màu. Bởi, việc mua gốc rạ ủ vào mô suốt thời gian trồng màu đã tốn khoảng 3,7 triệu đồng/công.
Đặc thù lúa mùa nổi là bắt đầu xuống giống vào tháng 5 (âm lịch). Lúa không cần ngâm ủ, đất không cần trục trạt như lúa cao sản. Chỉ cần rải từ 10 - 20 kg lúa khô/công rồi cày đất lên vùi hạt giống xuống để tránh chim, chuột cắn phá. Khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu lúa sẽ nảy mầm và phát triển. Đến mùa nước tràn đồng, cây lúa lênh đênh theo con nước… cho đến thu hoạch là 6 tháng.
Lợi nhuận kép
Cũng theo ông Nào, năm nay mặc dù lũ nhỏ, nước rút sớm nhưng năng suất lúa vẫn không thua năm vừa rồi. Là một loại lúa sạch không phân thuốc nên sản phẩm SX ra được nhiều công ty đến bao tiêu. Việc trồng một vụ lúa mùa nổi kết hợp với việc trồng màu như khoai mì, kiệu, dưa… sẽ cho lợi nhuận từ 35 - 40 triệu đ/ha.
Canh tác lúa nổi không sử dụng thuốc BVTV, phân bón…Điều này khiến lúa nổi là sản phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe. Việc duy trì canh tác lúa nổi còn tạo nên sự đa dạng sinh học. Ngoài ra, việc SX còn tạo không gian lưu trữ trong 4 tháng mùa vụ giúp giảm nguy cơ vỡ đê, các thảm họa liên quan đến lũ lụt ở khu vực hạ lưu, nhất là trong những năm lũ lớn.
Để đạt hiệu quả tối ưu trong quá trình canh tác thì đòi hỏi phải có sự đóng góp từ các nhà quản lý, nhà khoa học.
Ông Lê Thanh Phong, PGĐ Trung tâm Nghiên cứu PTNN cho biết: “Trung tâm vẫn tiếp tục khảo sát và nghiên cứu để phát triển dòng lúa phù hợp với nhu cầu thị trường thông qua giải pháp cộng đồng và chuyên gia.
Hiện tại, trung tâm đi khảo sát lúa mùa nổi ở Chợ Mới, Tri Tôn (An Giang) và Thanh Bình, Tam Nông (Đồng Tháp) để lai tạo giống giống lúa thích hợp cho từng khu vực.
Ngoài ra, trong thời gian tới, trung tâm nghiên cứu làm sao để rút ngắn thời gian sinh trưởng cây lúa, màu để giúp nông dân tăng vụ SX”.Tại buổi lễ, ông Severin Peters, chuyên gia cao cấp (ICMP) cho biết: “Canh tác lúa mùa nổi trong thời gian qua được nâng lên và mang lại nhiều lợi ích cho nông dân. Đây là loại lúa có nhiều tiềm năng khi kết hợp với việc trồng màu.
Quá trình canh tác hạn chế sử dụng thuốc BVTV nên rất an toàn cho người sử dụng. Vùng SX lúa mùa nổi như một "bể" trữ nước nên hạn chế lượng nước đổ xuống hạ nguồn.
Đến khi nước rút thì nước được rút từ từ, đẩy lượng nước mặn ra biển, mang lại lợi ích về môi trường, kinh tế… Dự án tiếp tục hỗ trợ, nhân rộng thêm một số diện tích trong và ngoài An Giang. Đồng thời, tăng cường cải thiện chất lượng, giá trị và thị trường cho lúa mùa nổi”.
Hiện, việc SX lúa mùa nổi nông dân được hỗ trợ, quan tâm từ nhiều phía. Ông Nguyễn Minh Triết, GĐ điều hành Cty CP Nông trại sinh thái (Ecofarm) cho biết: "Lúa mùa nổi là sản phẩm sạch, sản phẩm độc đáo. Nếu SX thuận lợi năng suất đạt từ 2 - 2,5 tấn/ha. Hiện tại lúa được Cty bao tiêu và thu mua với mức giá 12.000 đ/kg (lúa khô)".
Rất kỳ vọng trong việc SX lúa mùa nổi, nông dân Lê Văn Trống cùng ấp Vĩnh Lợi canh tác 3 ha lúa Bông Sen cho biết: “Đây là cây lúa rất thích hợp với vùng đất phèn. Lúa chủ yếu phát triển theo con nước. Được sự quan tâm của các sở ban ngành và nhiều tổ chức nên năng suất lúa tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, việc canh tác còn gặp nhiều khó khăn như lao động thủ công, hiệu quả canh tác màu chưa thật sự hấp dẫn. Nông dân vẫn còn loay hoay với cảnh “được mùa mất giá”, hy vọng chính quyền địa phương, tổ chức định hướng, hỗ trợ hơn nữa để việc canh tác được ổn định và bền vững”.
Ông Huỳnh Thế Năng, TGĐ TCty Lương thực miền Nam, chia sẻ: “Mấy năm gần đây, nhiều nông dân kiên trì bảo tồn và phát triển lúa mùa nổi.
Tỉnh An Giang vừa làm công tác bảo tồn, vừa chỉ dẫn thương mại hóa đi theo cơ chế thị trường cùng các loại hình dịch vụ nên tin rằng lúa mùa nổi sẽ mang lại hiệu quả cao trong thời gian tới. Tuy nhiên, cần có sự tham gia tích cực hơn nữa từ nhiều phía”.
Theo dự kiến đến 2016 diện tích lúa mùa nổi tăng 200 ha, đến 2030 trên 500 ha. Ngành nông nghiệp An Giang kết hợp với ĐH An Giang và các ban ngành trong tỉnh để bảo tồn, duy trì và cải thiện giống lúa mùa nổi. Tăng cường năng lực cho nông dân áp dụng TBKT trong canh tác, hướng tới thương mại hóa lúa mùa nổi và cải thiện thu nhập cho nông dân.
Theo ông Nguyễn Sỹ Lâm, PGĐ Sở NN-PTNT An Giang, cây lúa mùa nổi là đặc sản vùng tứ giác Long Xuyên, diện tích khoảng 100 ha chủ yếu tập trung nhiều ở xã Vĩnh Phước và Lương An Trà, huyện Tri Tôn. Đây là loại lúa thích ứng với vùng biển đổi khí hậu. Đa phần người trồng không sử dụng phân, thuốc BVTV nên hạt gạo đạt độ dinh dưỡng rất cao và an toàn cho người tiêu dùng.
Nguồn: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã