Ngày 12/4, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương đã chính thức đưa ra nhận định sơ bộ về mùa mưa, bão, lũ năm 2013.
Theo đó, số lượng bão và ATNĐ hoạt động trên biển Đông khoảng 11-13 cơn, cao hơn so với trung bình nhiều năm, trong đó, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đất liền khoảng từ 5 - 6 cơn.
Nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng xuất hiện sớm, tuy nhiên cường độ và mức độ không quá gay gắt.
Tại Bắc Bộ, năm nay mùa mưa đến sớm hơn bình thường, tổng lượng mưa các tháng nửa đầu mùa (từ tháng 5-7/2013) cao hơn một ít so với trung bình nhiều năm; nửa cuối mùa (từ tháng 8-10/2013) ở mức xấp xỉ với trung bình nhiều năm. Các đợt mưa lớn sẽ tập trung từ tháng 5 đến tháng 7/2013.
Lượng mưa ở khu vực Trung Bộ, đặc biệt là ở Trung và Nam Trung Bộ được dự báo cao hơn so với trung bình nhiều năm, tuy nhiên thời đoạn từ tháng 5 đến tháng 8 lượng mưa vẫn còn ở mức thấp, do vậy tình trạng khô hạn tại khu vực này đến khoảng cuối tháng 8/2013 mới dần được cải thiện.
Tình trạng thiếu mưa và khô hạn tại Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng đến cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2013 sẽ dần được cải thiện do mùa mưa đến sớm hơn so với bình thường, mưa sẽ tập trung nhiều vào cuối tháng 4/2013.
Lũ tiểu mãn trên các sông ở Bắc Bộ sẽ xuất hiện vào khoảng 15-20/5, sớm hơn trung bình nhiều năm (22/5), đỉnh lũ tiểu mãn trên các sông có khả năng như sau: sông Thao tại Yên Bái 27,5m; hồ Sơn La 3500 m3/s; hồ Tuyên Quang 1200 m3/s; trạm Phả Lại 2,0m; các trạm Đáp Cầu, Phủ Lạng Thương, Lục Nam khoảng 2,2m.
Trong các tháng tiếp theo của mùa khô, dòng chảy trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Thuận và Tây Nguyên tiếp tục giảm và luôn ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 10-30%; riêng Bình Thuận thấp hơn từ 40 - 50%; tình trạng khô hạn, thiếu nước xảy ra gay gắt hơn, rộng hơn ở Bình Thuận, Đắk Lắk, Đak Nông, Gia Lai... và có khả năng kéo dài tới cuối tháng 4/2013.
Ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận, dòng chảy trên hầu hết các sông đều có xu thế giảm dần đến cuối tháng 8/2013 và hụt hơn so với TBNN từ 40 - 50% cùng kỳ, có nơi thấp hơn. Tình trạng thiếu nước, khô hạn tiếp tục xảy ra trên diện rộng và kéo dài đến cuối tháng 8/2013. Xâm nhập mặn tiếp tục lấn sâu vào vùng cửa sông, ven biển.
Mùa lũ năm 2013 trên các sông ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có khả năng xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm. Đỉnh lũ năm 2013 trên hầu hết các sông đều cao hơn đỉnh lũ năm 2012, cần đề phòng lũ lớn có thể xảy ra trên một số sông suối nhỏ.
Từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 4, dòng chảy ở hạ lưu sông Mê Kông tiếp tục giảm và ở mức trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tình hình khô hạn còn tiếp tục xảy ra và có xu hướng mở rộng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Xâm nhập mặn sâu vào nội đồng sẽ nghiêm trọng hơn và có khả năng kéo dài tới đầu tháng 5/2013.
Đỉnh lũ cao nhất năm 2013, trên các sông chính ở Thanh Hóa, Bình Thuận vào tháng 8 và 9; trên các sông từ Nghệ An đến Quảng Bình và Tây Nguyên vào tháng 9 và 10, các sông từ Quảng Trị đến Ninh Thuận vào tháng 10 và 11 và trên sông Tiền, sông Hậu vào cuối tháng 9, đầu tháng 10.
Theo đánh giá của Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, đầu năm 2013, bão và ATNĐ xuất hiện rất sớm ở phía nam Biển Đông, vì vậy, trong mùa mưa, bão, lũ năm 2013, tình hình thời tiết, thủy văn trên phạm vi cả nước sẽ có diễn biến phức tạp. Cần chủ động đề phòng bão mạnh, lũ quét, sạt lở đất ở các khu vực, đặc biệt tại các khu vực miền núi thuộc Bắc Bộ và Tây Nguyên.
Thu Cúc
Theo chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã