Học tập đạo đức HCM

Nơi những đồng đất khát…

Thứ sáu - 03/08/2012 03:58
Vào thời điểm này, khi lúa hè thu- mùa đã bắt đầu giai đoạn làm đòng thì trên 70ha diện tích đất 2 vụ thuộc xã Thạch Hưng, Thạch Đồng (TP Hà Tĩnh) vẫn đang chỏng chơ, xơ xác những gốc rạ tưởng chừng như có thể bốc cháy bất kỳ lúc nào dưới trời nắng nóng.

 

Lúa… “treo”, đất bỏ trắng

Nơi những đồng đất khát…
Người nông dân đốt gốc rạ bên trạm bơm cháy khát

Nguồn nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của xã Thạch Hưng phụ thuộc vào hồ Kẻ Gỗ và một số hồ đập nhỏ trên địa bàn. Thế nhưng, nhiều năm nay, tình trạng thiếu nước diễn ra thường xuyên. Đến thời điểm này, nhiều diện tích lúa của 9/9 xóm đến thời kỳ đẻ nhánh, làm đòng đã khô nứt nẻ, thậm chí đã xuất hiện tình trạng cháy ngọn vào thời điểm nắng nóng đạt đỉnh cao. Điều này tất yếu sẽ dẫn tới sự sút giảm về năng suất, tổng sản lượng. Bà Lê Thị Thắng (xóm Hòa Bình) trên đường từ ngoài ruộng về nhà mồ hôi nhễ nhại than thở: “Thế này thì chỉ có mất trắng thôi. Nhà có 5 sào ruộng mà nước đều không có. Giờ sâu đục thân ăn hết rồi. Muốn chăm bón cũng không chăm bón được”. Đáng nói là ngoài diện tích được gieo cấy nay thiếu nước trầm trọng thì xã có hơn 35 ha thuộc các xứ đồng của các xóm Tiến Hưng, Nam Hội, Bắc Hội, Kinh Trung, Kinh Đông hoàn toàn không thể canh tác lúa Hè – Thu. Vấn đề này đã xảy ra khoảng vài năm nay, riêng xứ đồng thuộc xóm Kinh Đông khoảng mươi năm, song giải pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn vẫn chưa được đưa ra dứt điểm.

Nằm sát Thạch Hưng, Thạch Đồng có trên 35ha không thể canh tác vụ Hè – Thu trong đó có diện tích đất xứ Cồn Căng nối liền với đất không thể canh tác của Thạch Hưng làm thành cánh đồng rộng mênh mông, khô khốc. Ngoài xứ Cồn Căng, Thạch Đồng còn có xứ Dăng Nghiên giáp Thạch Môn không thể sản xuất vụ Hè – Thu. Đáng nói là ở hai xứ đồng này, diện tích đất chủ yếu là đất thịt nặng rất tốt cho trồng lúa nhưng lại không thể chuyển đổi sang loại cây trồng khác. Theo một số người dân, trước đây họ có chuyển đổi sang trồng đậu song hễ mưa xuống là đậu chết hàng loạt do đất nén chặt, không rút nước.

Ngoài Thạch Hưng, Thạch Đồng, Thạch Quý cũng rơi vào tình trạng tương tự. Theo khảo sát, đến nay có 4/12 khối bị thiếu nước, một số diện tích phải bỏ vụ Hè - Thu. Ông Trần Hùng, tổ trưởng tổ dân phố (khối 4) nhìn xuống kênh bê tông được xây dựng chắc chắn nhưng không có nước chảy bày tỏ: “toàn khối có 90 mẫu ruộng, vụ Hè – Thu chỉ sản xuất 40 mẫu. Nhưng đến nay 40 mẫu vẫn thiếu nước, nhiều diện tích lúa đã làm đòng nay nứt nẻ”.

Mất hơn 70ha không thể sản xuất vụ hè thu theo ước tính là mất hơn 256 tấn sản lượng và tác động không nhỏ tới đời sống của gần 700 hộ dân. Đối với xã Thạch Hưng, số diện tích trên thuộc 240 hộ gia đình. Thạch Hưng thực hiện chuyển đổi đất nông nghiệp theo phương án phân theo từng vùng trên cơ sở thuận canh thuận cư. Theo đó, các xứ đồng trên thuộc 5 xóm, điều ấy đồng nghĩa, vụ hè thu này người trồng lúa ở 5 xóm phải tìm kiếm những công việc khác để có thu nhập. Một số ít hộ tận dụng tối đa diện tích có thể cải tạo trồng các loại rau, khoảng 70% lao động chuyển đổi nghề nghiệp, tha phương cầu thực và làm những nghề tự do, cuộc sống bấp bênh. Còn xã Thạch Đồng, số diện tích đất không gieo cấy được liên quan đến đến 400 hộ dân, bình quân mỗi hộ 1 – 1,2 sào, thậm chí có hộ đến 2 sào. Ước tính tổng thất thu về sản lượng lên đến hơn 130 tấn.

Từ quy hoạch và quản lý nguồn nước

Thạch Hưng, Thạch Quý có chung nguồn chảy từ kênh N19 nên cùng bị ảnh hưởng. Việc quy hoạch một số công trình tại phường Nguyễn Du và tại xã Thạch Hưng đã phá vỡ hệ thống kênh mương ảnh hưởng đến nguồn chảy về các xứ đồng. Theo phản ánh của người dân, mặc dù nhà thầu đã có giải pháp tạo dòng chảy nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu. Nếu các xứ đồng ở xóm Nam Hội, Bắc Hội (Thạch Hưng) phụ thuộc nguồn nước từ hồ Kẻ Gỗ thì các xứ đồng Kinh Đông, Kinh Trung, Tiến Hưng vừa phụ thuộc hồ Kẻ Gỗ vừa phụ thuộc hồ dự trữ tại chỗ, song trữ lượng hồ dự trữ nhỏ lại không có hệ thống cung cấp nước thường xuyên nên mùa khô không có nước (chủ yếu nước dự trữ vào mùa mưa phục vụ cho vụ Đông – Xuân). Theo đại diện của chính quyền xã Thạch Hưng, hệ thống trạm bơm, kênh trục tưới của xã thường xuyên được đầu tư song không có nguồn nước bổ sung, cung cấp nên nhiều hạng mục đầu tư xong lại vẫn nằm trong trạng thái chờ. Mới đây, chính quyền xã đã xây dựng 3 trạm bơm điện, song tại trạm Con Còi nước trong hồ cạn khô nên không thể hoạt động.

Nơi những đồng đất khát…
Trạm bơm... treo

Phản ánh về thực trạng thiếu nước sản xuất tại đơn vị mình, ông Dương Công Trí, Chủ tịch UBND xã Thạch Đồng cho biết: “Vụ hè thu năm nay diện tích gieo cấy tăng hơn 10ha so với năm trước, song chỉ 30 ha chủ động được nước tưới do sử dụng nước hồ Đồng Tram, còn lại 40ha sử dụng nguồn hồ Kẻ Gỗ đang thiếu trầm trọng”. Sở dĩ sản xuất nông nghiệp ở Thạch Đồng thiếu nước là do hệ thống kênh N19-26 đã xuống cấp dẫn đến rò rỉ, không đảm bảo dẫn nước về cho các xứ đồng. Hơn nữa do công tác quản lý nguồn nước từ Thạch Quý về Thạch Đồng và các xã chưa đồng bộ, chưa điều tiết hợp lí, thậm chí một số người dân ở Thạch Quý đã tự do đắp mương dẫn nước về ruộng nhà mình, dẫn đến nguồn nước về xuôi vừa thiếu vừa khó. Cũng theo ông Dương Công Trí, vì thiếu nước, sản lượng vụ hè thu sẽ không đạt theo kế hoạch 300 tấn đã đề ra (trong khi vụ Đông – Xuân đã đạt đến 800 tấn). Ông Trí cũng cho biết, trong số 35ha thì có thể cải thiện được 25ha nếu xây dựng dự án cung cấp nước tưới từ hồ Đồng Truông. Song với điều kiện hiện nay thì dự án sẽ không được phê duyệt vì hồ nằm trong khu vực quy hoạch khu công nhân mỏ sắt Thạch Khê.

Thiếu nước, tổn thất cho ngành nông nghiệp, đời sống của đại bộ phận người dân bị ảnh hưởng nặng. Trong lúc đó chưa có một chính sách nào bù đắp cho thiệt hại của người dân do diện tích đất không sản xuất được và do diện tích lúa bị ảnh hưởng. Thiết nghĩ, trước hết, các ngành cấp trên cần có giải pháp quyết liệt hơn cung cấp đủ nguồn nước tưới cho số diện tích lúa đang bị … “treo” và bị sâu bệnh hại. Về lâu dài cần thực hiện tốt công tác quy hoạch, đảm bảo không chồng chéo giữa các địa phương, các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là giữa ngành giao thông và thủy lợi. Ngoài ra, phải tổ chức đồng bộ khâu quản lý nguồn nước, đặc biệt là thống nhất thành lập ban thủy nông hoặc HTX ở các xã để điều tiết nguồn nước khoa học, đảm bảo cho những xã cuối nguồn vẫn đủ nước tưới.

 Trung Dân
 Theo baohatinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập379
  • Hôm nay91,585
  • Tháng hiện tại818,132
  • Tổng lượt truy cập90,881,525
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây